Vụ án dự án Đại Ninh : Ông Nguyễn Cao Trí thu lợi bất chính 2.700 tỷ đồng và móc nối, đưa tiền cho nhiều cán bộ
Trong vụ án sai phạm liên quan dự án Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị cáo buộc móc nối, đưa tiền cho nhiều cán bộ để nhờ tác động, can thiệp, đồng thuận, báo cáo đề xuất để dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ, tạo điều kiện cho ông Trí chuyển nhượng dự án, hưởng lợi bất chính 2.700 tỷ đồng…
Theo kết luận điều tra, việc đưa tiền với nhiều cán bộ trong cơ quan nhà nước, diễn ra ở các địa điểm khác nhau, khi thì ở khách sạn, lúc ở phòng làm việc.
ĐƯA TIỀN CHO NHIỀU NGƯỜI, Ở NHIỀU NƠI KHÁC NHAU
Đơn cử như trong trường hợp ông Trần Văn Hiệp (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), ông Trí đã “lót tay” 4,2 tỷ đồng để xin thay đổi đăng ký kinh doanh, nhờ ông Hiệp chỉ đạo các sở, ngành thực hiện kết luận triển khai gian hạn dự án, tính tiền sử dụng đất để Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong đó, có 4 lần ông Trí đưa tiền cho ông Hiệp tại phòng làm việc và 3 lần khác tại nhà riêng.
Tương tự, ông Trí nhiều lần gặp ông Trần Đức Quận (Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) để nhờ ông Quận quan tâm, chỉ đạo giúp Trí thay đổi đăng ký kinh doanh, ủng hộ kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ và thực hiện các thủ tục cho gia hạn dự án, tính tiền sử dụng đất. Đồng thời, cơ quan điều tra xác định, ông Trí đã 05 lần đến phòng làm việc của ông Quận để gặp, đưa 2,1 tỷ đồng…
Ngoài ra, ông Trí bị cáo buộc đưa tiền cho một số cán bộ khác, vài trăm triệu đồng đến 10 tỷ đồng.
Khi các vụ án bị phanh phui, vấn nạn “phong bì” cũng từ đó phơi bày.
Trong vụ án sai phạm đấu thầu ở Bắc Ninh, cơ quan tố tụng cũng xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) đưa hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn lúc đó là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để đạt được mục đích thu lợi bất chính thông qua việc trúng thầu trái pháp luật.
Còn vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 cũng làm rõ hành vi của các bị can đưa hối lộ cho đoàn thanh tra với số tiền 5,2 triệu USD. Việc đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các cán bộ thanh tra với mục đích che giấu thực trạng yếu kém, các sai phạm phát hiện qua thanh tra…
LẰN RANH PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG
Trong vụ án AIC, các luật sư cũng cho rằng việc nhận tiền từ doanh nghiệp đều vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, khiến bị cáo bị lẫn lộn giữa quà tình cảm và hành vi phạm tội.
Luật sư phân tích, quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy có sự không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn giữa việc tri ân theo truyền thống giữa cấp trên và cấp dưới, giữa quan hệ tình cảm đồng hương, đồng nghiệp vào mỗi dịp lễ, Tết hàng năm với cái gọi là “cảm ơn” liên quan đến vụ việc.
Theo lời khai của các bị cáo, bà Nhàn thường lấy các lí do chúc mừng sinh nhật, chúc thăng chức, về hưu… để biếu tiền nên không biết là tiền từ các gói thầu.
Mặc dầu vậy, cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị cáo phạm tội về chức vụ, gián tiếp gây thiệt hại cho nhà nước.
Theo cơ quan tố tụng, quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ở một số nơi, một số cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt trong đó có cả những người là đảng viên, công chức giữ vai trò quản lý đã không giữ được bản lĩnh trước những cám dỗ vật chất.
Họ lợi dụng việc mua sắm thiết bị y tế, câu kết thông đồng với doanh nghiệp, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để hưởng lợi và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Trong các vụ án tham nhũng kinh tế, việc nộp lại tiền nhận hối lộ và bồi thường thiệt hại, chủ động khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ bản chất vụ việc cũng là các tình tiết giảm nhẹ theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, với số tiền thu lợi bất chính, cơ quan tố tụng cũng xem xét để buộc sung công quỹ nhà nước.
Tại vụ án dự án Đại Ninh, cơ quan điều tra xác định, ông Trí tiến hành chuyển nhượng dự án, đã nhận 2.700 tỷ đồng. Số tiền này ông Trí thanh toán cho chủ đầu tư cũ 1.700 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định đây là tiền thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật nên đề nghị sung công quỹ nhà nước.