17:44 18/06/2022

Vụ đại án DAB: Tranh luận “nảy lửa” về thiệt hại 184 tỷ đồng

Đỗ Mến

Trong các ngày 17-18/6, phiên tòa xét xử vụ án Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á  - viết tắt là DAB) và đồng phạm diễn ra tranh luận gay gắt về thiệt hại 184 tỷ đồng và việc “giằng co” 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Vụ án này xảy ra từ năm 2007, liên quan trực tiếp đến bị cáo Phan Thúy Mai (cựu giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát) – chủ đầu tư dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc).

NGÂN HÀNG NÓI KHÔNG CÓ THIỆT HẠI?

Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát xác định, các bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu phó Tổng giám đốc DAB) cùng các cán bộ tín dụng có hành vi sai phạm trong phê duyệt, giải ngân các khoản tín dụng cho Công ty An Phát, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 184 tỷ đồng.

Còn bị cáo Phan Thúy Mai giữ vai trò đồng phạm với hành vi sử dụng tài liệu là biên bản họp HĐQT, giả mạo chữ ký cổ đông để thế chấp tài sản Công ty An Phát (gồm 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Bị cáo còn dùng tài sản đang tranh chấp để thế chấp, thực hiện việc thế chấp tài sản khi không có sự đồng ý của các cổ đông với mục đích để được giải ngân.

Điều này dẫn đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thế chấp trái quy định pháp luật và không có giá trị thực hiện.

Với hành vi trên, Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo mức án từ 2 năm tù treo – 15 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị tuyên Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỷ đồng, các bị cáo Trần phương Bình, Nguyễn Thị Xuyến, Phan Thúy Mai… phải liên đới bồi tường 76 tỷ đồng.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty An Phát.

Tranh luận với Viện kiểm sát, luật sư Hoàng Văn Dũng – bảo vệ quyền và lợi ích của DAB cho biết, về đường lối giải quyết, cơ quan truy tố xác định đây là các hợp đồng tín dụng bất hợp pháp nhưng các bị cáo vẫn khẳng định các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp là hợp pháp.

Theo luật sư Dũng, căn cứ vào các quy định pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, các thông tư, quy chế cho vay… thì Viện kiểm sát chưa chỉ ra trong vụ án này DAB vi phạm điều nào trong hệ thống pháp lý.

“Chúng tôi tin rằng các giao dịch này đáp ứng đầy đủ các điều kiện để một giao dịch tín dụng hợp pháp như pháp nhân đi vay có đủ năng lực hành vi dân sự, có mục đích sử dụng vốn (đối với Công ty An phát là bổ sung vốn đầu tư dự án, Công ty Tràng An – công ty đứng tên vay hộ- PV là bổ sung vốn lưu động), sử dụng tiền vay đúng mục đích, phương án kinh doanh có tính khả thi, có tài sản đảm bảo…

Quan điểm ngân hàng là hồ sơ vay vốn hợp pháp. Do đó, DAB có quyền yêu cầu bên vay là Công ty An Phát và Công ty Tràng An phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi”, luật sư Dũng nói.

Theo luật sư, trong vụ án này không có thiệt hại bởi lẽ, đến nay chưa có quyết định của tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu.

Còn luật sư Nguyễn Văn Thái – đại diện DAB cho rằng, ngân hàng có thiệt hại là đã chậm xử lý tài sản đảm bảo, chậm thu hồi nợ và thiệt hại về con người, những cán bộ đã cống hiến cho ngân hàng.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Hoàng - cựu cán bộ tín dụng DAB, cho rằng vì nội bộ công ty mâu thuẫn thì lẽ ra các cổ đông phải giải quyết. Kết cục là các cán bộ ngân hàng phải đứng trước vàng móng ngựa. Bị cáo có nghe được câu “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, nay là quỳ trước vành móng ngựa rất đau xót.

DẤU HỎI VỀ KẾT LUẬN KIỂM TOÁN?

Một vấn đề khác được đưa ra tranh luận gay gắt trong phiên tòa này là kết luận kiểm toán của Công ty kiểm toán BDO. Kết luận này có đề cập đến đợt tăng vốn điều lệ của Công ty An Phát, về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông sáng lập trong đó thể hiện từ năm 2006, bị cáo Phan Thúy Mai không còn sở hữu cổ phần tại Công ty An Phát.

Luật sư Trần Văn Quang – bào chữa cho bị cáo Phan Thúy Mai cho biết, kết luận trên có tiêu đề là "báo cáo kết quả kiểm tra" và là hợp đồng kiểm toán giữa cơ quan điều tra và Công ty BDO. Về nội dung, báo cáo trên không mang ý nghĩa là “báo cáo kiểm toán", chỉ dựa vào số liệu do cơ quan điều tra cung cấp. Theo Thông tư liên tịch số 01/2017 giữa TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định rõ trường hợp này phải có giám định tư pháp tài chính.

Luật sư Hoàng Đình Dũng cũng cho rằng, trong báo cáo của Công ty BDO cũng đưa ra các điểm “loại trừ” như số liệu nêu ra cần được tranh luận với các tổ chức, cá nhân liên quan... Do đó, không thể sử dụng báo cáo này để xác định thiệt hại và có hay không có hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp cơ quan tố tụng sử dụng văn bản kiểm toán này như một chứng cứ thì không đảm bảo tính khách quan nên bắt buộc phải trưng cầu giám định tài chính.

Vì vậy, một số luật sư đồng quan điểm là phải trả hồ sơ điều tra bổ sung thêm chứng cứ là trưng cầu giám định tài chính. Đồng thời cần tiến hành thẩm định giá tài sản Công ty An Phát.

Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, trong trường hợp không trả hồ sơ thì ngân hàng đề nghị Công ty An Phát phải trả gốc và lãi là 431 tỷ đồng, Công ty Tràng An là 46 tỷ đồng. Trường hợp hai công ty không trả được nợ, ngân hàng có quyền phát mại tài sản thế chấp là 123 quyền sử dụng đất. Đồng thời đề nghị kê biên các tài sản khác của Công ty An Phát để phục vụ cho công tác thu hồi nợ.

Ngoài ra, nếu tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngân hàng thì yêu cầu 2 văn phòng công chứng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho DAB.

DOANH NGHIỆP CHẤP NHẬN TRẢ TIỀN VAY HỢP PHÁP

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc – bảo vệ quyền, lợi ích Công ty An Phát cho rằng, theo cáo trạng, các bị cáo thực hiện nhiều hành vi như lập các tài liệu giả mạo, chiếm dụng 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty, thiết lập nhiều hợp đồng tín dụng vay và cho vay trái quy định. Từ đó, bị cáo Mai lợi dụng danh nghĩa giám đốc công ty, sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến không có khả năng thu hồi 184 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra trưng cầu kiểm toán kết luận “số dư nợ bà Mai sử dụng cho công ty là hơn 108 tỷ đồng”. Công ty An Phát nhận thức có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã sử dụng chi dùng hợp pháp cho công ty.

Tuy nhiên, trong tổng số 108 tỷ đồng có một số khoản tiền chưa được chi dùng hợp lệ, nên đề nghị xem xét số tiền công ty sử dụng thực tế là 89,4 tỷ đồng để trả cho ngân hàng.

Theo luật sư Ngọc, trong vụ án này, Công ty An Phát được xác định là người liên quan nhưng về bản chất, công ty còn có “vai trò bị hại”. Bởi lẽ, Công ty An Phát đã bị mất quyền quản lý, sử dụng 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty An Phát có quyền yêu cầu được nhận lại tài sản mà các bị cáo đã vi phạm pháp luật chiếm dụng (được xác định là tang vật chứng vụ án).

Thực tế, Công ty AnPhát đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề của vụ án, chỉ riêng tiền sử dụng dất, tiền thuế… đang còn tồn đọng đến vài trăm tỷ đồng; trong khi công ty không có các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất hạn chế để khai thác lợi nhuận. Hiện nay dự án vẫn đang bị ngưng trệ, không thực hiện được như mục tiêu đã đề ra.