16:21 08/08/2022

Vụ kiện của Lý Tử Thất hé lộ góc khuất của ngành sáng tạo nội dung

Tuệ Mỹ

Lấy danh nghĩa là nhà sáng lập và đầu tư của công ty Tử Thất Tứ Xuyên, ngôi sao 9X cho rằng, cô thất thoát kinh tế nặng nề, bị biến thành công cụ kiếm tiền dù mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho Weinian suốt 6 năm qua...

Video gần nhất của Lý Tử Thất đăng lên là hồi tháng 7/2021, sau đó, cô ngừng cập nhật sản phẩm do vướng tranh chấp với Lưu Đồng Minh - người sáng lập công ty Weinian (Vô Niệm Hàng Châu) và cũng là người phát hiện Lý Tử Thất, giúp cô quảng bá các video ẩm thực và cuộc sống đồng quê. Sau khi Tử Thất nổi tiếng, hai bên hợp tác tung các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Lý Tử Thất.

KIẾM HÀNG TRIỆU USD CHO CÔNG TY CŨ

Vụ kiện giành thương hiệu của Lý Tử Thất nhận quan tâm lớn từ giới kinh doanh lẫn khán giả. Youtuber được mệnh danh là “tiên nữ đồng quê” bày tỏ mong muốn lấy lại thương hiệu sản phẩm nông sản mang tên Lý Tử Thất để thành lập công ty riêng và tự quản lý hoạt động kinh doanh. Song, ngôi sao trẻ của Trung Quốc gặp rắc rối với điều khoản hợp đồng đã ký với Weinian trước khi nổi tiếng.

Sau 6 năm với sự hỗ trợ và hậu thuẫn của Weinian, Lý Tử Thất được xem là một hiện tượng văn hóa tại Trung Quốc và sở hữu khối tài sản hàng triệu USD,  được đánh giá là một triệu phú tự thân dưới 30 tuổi. Nguồn thu khủng nhất đến từ các nhãn hiệu mang tên Lý Tử Thất. Năm 2020, tổng thu nhập đến từ các nhãn hiệu này đạt 1,6 tỷ NDT (khoảng 5,6 nghìn tỷ đồng), trong đó sản phẩm bún ốc đạt 500 triệu NDT/năm (hơn 1,7 tỷ đồng/năm). Được biết, hiện có khoảng 200 thương hiệu được khai thác kinh tế dưới tên Lý Tử Thất và các thương hiệu này do Weinian làm chủ. 

Năm 2017, CEO Lưu Đồng Minh thành lập công ty văn hóa, truyền thông riêng cho Lý Tử Thất mang tên Tử Thất Tứ Xuyên. Ngôi sao mạng xã hội 9X được cho là nắm giữ sở hữu 49% cổ phần, Lưu Đồng Minh nắm toàn quyền điều hành với 51% cổ phần. Với số lượng cổ phần chiếm ưu thế, Weinian nằm toàn quyền quản lý của Tử Thất Tứ Xuyên. Tháng 2/2021, cô được tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận là "Kênh YouTube Trung Quốc được đăng ký nhiều nhất" với hơn 16,3 triệu người đăng ký theo dõi.

Hiện có khoảng 200 thương hiệu được khai thác kinh tế dưới tên Lý Tử Thất và các thương hiệu này do Weinian làm chủ. 
Hiện có khoảng 200 thương hiệu được khai thác kinh tế dưới tên Lý Tử Thất và các thương hiệu này do Weinian làm chủ. 

Tại phiên điều trần hồi tháng 7 mới đây, nữ blogger 32 tuổi mô tả mình là “nô lệ trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung”, bị vắt kiệt hình ảnh và danh tiếng. Dù vất vả kiếm hàng triệu USD cho công ty cũ, cô chỉ nhận về lợi ích ít ỏi. Theo Sina, nếu sức ảnh hưởng từ thương hiệu Lý Tử Thất kiếm được 100 triệu, thì công ty Weinian lấy 90 triệu, 9 triệu trả cho đội ngũ pr, sản xuất phía sau, nữ vlogger chỉ nhận được 1 triệu. Cô cũng không được hưởng lợi từ việc bán các mặt hàng thương hiệu Lý Tử Thất, lợi nhuận chỉ thuộc về Weinian.

Theo trang Tech hôm 5/8, khi Lý Tử Thất có ý định ra riêng, Lưu Đồng Minh từng đưa các điều kiện đàm phán. Công ty cho cô một số lựa chọn gồm cổ phần, tiền hoặc chức vụ ở Weinian. Nhưng Lý Tử Thất không chấp nhận tất cả điều kiện, ngừng đàm phán với Lưu Đồng Minh, chỉ thông qua luật sư giải quyết. Giới phân tích cho rằng Weinian coi Lý Tử Thất là một hot girl làm việc cho công ty, chính Lưu Đồng Minh cũng không ngờ cô trở thành tên tuổi nổi tiếng thế giới. Trong gần sáu năm hợp tác, Lưu Đồng Minh chưa từng có động thái để Tử Thất nhận được quyền lợi lớn hơn hoặc để cô nắm giữ chức vụ quản lý.

ĐẰNG SAU BỀ MẶT HÀO NHOÁNG

Hiện cả Lý Tử Thất và Weinian đều tiếp tục kiên quyết theo đuổi vụ kiện. Tử Thất thà ngừng cập nhật video, mất một lượng fan chứ không dùng tài khoản khác để duy trì độ hot. Theo tờ Guancha, điều này có lợi cho danh tiếng của Lý Tử Thất hơn. Cô sẽ không vướng các dị nghị như "sợ mất vị trí", "hám tiền"... Trong khi đó, năm qua, Weinian tung các sản phẩm với tên gọi khác, tìm kiếm chỗ đứng mới trong trường hợp thua kiện. Doanh số của những sản phẩm mới thua xa các mặt hàng sử dụng tên Lý Tử Thất.

Theo thống kê do Caasdata - hãng phân tích số liệu các nền tảng video - công bố hồi tháng 2/2022, từ khi "biến mất" khỏi mạng xã hội, lượng fan của Lý Tử Thất trên Douyin (TikTok bản nội địa Trung Quốc) giảm hơn một triệu. Một số chuyên gia nhận định "nền tảng video ngắn không đợi được Lý Tử Thất". Giai đoạn cô vắng bóng, hàng loạt người nổi lên nhờ đăng sản phẩm về cuộc sống nông thôn. Nếu không thể giải quyết ổn thỏa với Vô Niệm Hàng Châu, công sức và tiền bạc đổ vào việc xây dựng thương hiệu riêng của Lý Tử Thất xem như mất trắng.

Có thể nói, đằng sau sự hào nhoáng bên ngoài của công việc sáng tạo nội dung, Lý Tử Thất cũng phải đối mặt với những góc khuất mà cái nghề được giới trẻ mơ ước.

 
Vụ kiện của "tiên nữ đồng quê" một lần nữa cho thấy thực tế cay đắng của những người làm việc trong ngành này. Đó có thể là sự bóc lột, kiệt sức, lạm dụng và vô số những vụ kiện khiến đôi bên trắng tay.

 

Theo The New York Times, “burn out” (tình trạng kiệt sức) đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội vài năm gần đây. Năm 2018, nhiều người nổi tiếng trên YouTube bắt đầu rời khỏi nền tảng này với lý do liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Sự chỉ trích hướng về các thuật toán của YouTube khi ưu tiên nội dung gây tranh cãi và buộc người sáng tạo phải làm việc không ngừng nghỉ.

Công sức và tiền bạc đổ vào việc xây dựng thương hiệu riêng của Lý Tử Thất có thể mất trắng.
Công sức và tiền bạc đổ vào việc xây dựng thương hiệu riêng của Lý Tử Thất có thể mất trắng.

Tháng 5/2022 vừa rồi, Linktree đã đăng tải báo cáo “The 2022 Creator Report”, với nhiều thông tin đáng chú ý về thu nhập, mức độ áp lực và dự đoán tương lai của công việc creator. Theo báo cáo từ Linktree, trên 40% nhà sản xuất nội dung chia sẻ rằng họ thỉnh thoảng cảm thấy áp lực, 13% các nhà sản xuất nội dung toàn thời gian cực kỳ áp lực/ liên tục cảm thấy áp lực (con số này chỉ là 9% với những người sản xuất nội dung bán thời gian. 

TikTok, nền tảng chia sẻ video thu hút Gen Z dường như cũng đang chịu chung số phận với YouTube hay Instagram. Sau 2 năm đại dịch, hàng loạt ngôi sao TikTok lên tiếng về mặt tối khi trở thành người nổi tiếng trên nền tảng: quấy rối, bóc lột, lạm dụng, bắt nạt trực tuyến, sức khỏe tâm thần... Đầu tháng 5, Julian Knight, chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (Anh), cảnh báo về việc thế hệ KOL trẻ tuổi đang bị bóc lột và kêu gọi chính phủ củng cố luật quảng cáo, việc làm.

"Sự trỗi dậy của văn hóa influencer đã mang lại những cơ hội mới cho người làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau bề mặt hào nhoáng của những gì bạn nhìn thấy trên màn hình là một thế giới hoàn toàn u ám, nơi cả những người có ảnh hưởng và những người theo dõi họ đều có nguy cơ bị lợi dụng và bóc lột", ông Knight nói.