09:37 19/07/2014

Vụ MH17, nhân tố thay đổi cuộc chơi?

An Huy

“Ông Putin đang rơi vào thế mong manh ở cả trong và ngoài nước. Đây không phải là kế hoạch A của ông ấy”

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Poroshenko tại một sự kiện ở Paris, Pháp - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Poroshenko tại một sự kiện ở Paris, Pháp - Ảnh: Reuters.<br>
Sự cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang có nguy cơ đặt ông vào “thế khó” nếu những lời cáo buộc cho rằng chuyến bay MH17 bị lực lượng nổi dậy thân Nga bắn hạ là sự thật.

Chiếc máy bay Boeing 777 chở 298 người gồm hành khách và phi hành đoàn của hãng hàng không Malaysia đã bị rơi chưa đầy 24 giờ sau khi Mỹ và châu Âu tuyên bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc của Ukraine, Mỹ và châu Âu cho rằng lực lượng này là “tác giả” gây thảm họa. Tuy vậy, giới chức tình báo và quân sự Mỹ nói, những bằng chứng có được đến nay đều cho thấy, máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa do Nga sản xuất.

“Nếu có bằng chứng đanh thép rằng các phần tử nổi dậy đã bắn máy bay, và vũ khí dùng để bắn đến từ Nga, thì chắc chắn sẽ có áp lực rất lớn đối với ông Putin trong việc giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine”, nhà phân tích Masha Lipman thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow Center nói với hãng tin Bloomberg. “Điều này sẽ làm thay đổi cách thức mà tất cả các quốc gia, không riêng gì phương Tây,  nhìn nhận cuộc khủng hoảng Ukraine và vai trò của Nga trong đó”.

Đến nay, ông Putin vẫn có thể đứng vững trước các lệnh trừng phạt kinh tế và những lời cáo buộc tiếp tay cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine mà Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đưa ra. Tuy vậy, thảm họa MH17 - nếu các nhà điều tra xác định được quân nổi dậy thân Nga bắn máy bay bằng vũ khí do Nga cung cấp - có thể sẽ khiến mọi chuyện thay đổi, Bloomberg bình luận.

Theo nhận định của bà Angela Stent, Giám đốc Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu thuộc Đại học Georgetown của Mỹ, trước thế bế tắc kiểu chiến tranh lạnh trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu, ông Putin có thể sẽ phải “ghìm cương” lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu trước các bộ trưởng trong nội các Nga ngày 17/7, ông Putin nói rằng, Chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay Malaysia khiến 298 người thiệt mạng, vì nếu không có chiến sự ở miền Đông Ukraine thì máy bay đã không rơi. “Những việc như vậy là không thể chấp nhận được”, Tổng thống Nga nói. Ông Putin cũng yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan của Nga làm tất cả mọi việc để “điều tra tội ác này”.

“Ông Putin đang rơi vào thế mong manh ở cả trong và ngoài nước. Đây không phải là kế hoạch A của ông ấy”, ông Robin Niblett, Giám đốc công ty nghiên cứu Chatham House, nhận định. “Quân nổi dậy Ukraine đang lôi kéo nước Nga vào rắc rối lớn. Các phần tử ly khai có thể đã dùng vũ khí Nga để bắn người châu Âu và người Malaysia”.

Theo ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng nghiên cứu Eurasia Group ở New York, sự giận dữ của các bên và dư luận quốc tế về thảm họa MH17 có thể sẽ dẫn tới các biện pháp chấm dứt giao tranh ở miền Đông Ukraine. “Đây sẽ là một thời điểm tốt để ông Putin đánh giá lại chiến lược đối với Ukraine. Nhưng thật khó để tưởng tượng ông ấy sẽ lùi bước”, ông Bremmer viết trên tài khoản Twitter.

Ông Bremmer nói rằng, vụ máy bay rơi có thể sẽ buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đẩy mạnh chiến dịch trấn áp các phần tử nổi dậy ở miền Đông nước này, và có thể gia tăng sự tham gia của Nga vào cuộc khủng hoảng. “Tôi không tin là ông Putin sẽ cho phép Chính phủ Ukraine loại bỏ lực lượng nổi dậy một cách dễ dàng”, chuyên gia này nói.

Chuyên gia cấp cao Sam Charap thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về chiến lược ở Washington đánh giá, các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Bởi thế, theo ông Charap, vụ rơi MH17 có thể sẽ khiến Nga rút lui một cách có chiến thuật khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Tôi không nghĩ là Nga sẽ từ bỏ hoàn toàn, nhưng có thể họ sẽ kiềm chế một số hành vi điên cuồng mà họ thả lỏng bấy lâu”, ông Charap nói.

Chuyên gia Stent thì cho rằng, châu Âu và Mỹ có thể sẽ tung những đòn trừng phạt mạnh hơn lên Nga sau vụ MH17. “Nếu Nga không chịu quay lại bàn đàm phán, thì có thể sẽ có những lệnh trừng phạt còn mạnh hơn nữa”, ông Stent nói.

Theo giới chức tình báo Mỹ, những bằng chứng hiện có cho thấy, chuyến bay MH17 bị bắn hạ bởi một quả tên lửa Buk do Nga sản xuất.

Một quan chức Nhà Trắng nói, một máy bay vận chuyển quân sự của Ukraine chở 8 người bị bắn hạ hôm 14/7 khi đang bay ở miền Đông trên độ cao 21.000 feet. Theo vị quan chức này, ở độ cao như vậy, máy bay chỉ có thể bị bắn hạ bởi hệ thống vũ khí rất tinh vi.

Một quan chức Mỹ khác đề nghị giấu tên cho biết, dòng chảy vũ khí hạng nặng từ Nga sang Ukraine  và sự hỗ trợ của Nga cho các phần tử ly khai đã gia tăng trong tháng qua. Vị này nói, hoạt động huấn luyện và các chiến thuật của các phần tử nổi dậy ở miền Đông Ukraine cũng trở nên tinh vi hơn.

Trái ngược với những nhận định của phương Tây, nhà phân tích chính trị Sergei Markov của Nga nói rằng, việc bắn máy bay Malaysia có thể là một vụ bắn nhầm hoặc âm mưu có chủ đích của chính phủ Ukraine nhằm khiến Nga thay đổi lập trường. Trang Rossiya 24 của Nga nói, Bộ Quốc phòng nước này có bằng chứng về việc sử dụng một trạm theo dõi của Ukraine vốn là một phần trong hệ thống tên lửa Buk-M1 vào ngày 17/7 ở vị trí cách Donetsk khoảng 30km.

Quân đội Chính phủ Ukraine sở hữu 3 hệ thống tên lửa đối cơ Buk và 2 hệ thống tên lửa đối cơ S-200 ở khu vực nơi MH17 bị bắn hạ - theo Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Markov nhận định, trong bất kỳ trường hợp nào, ông Putin cũng sẽ không chịu áp lực phải từ bỏ toàn bộ sự hỗ trợ dành cho quân ly khai ở Ukraine. “Putin vẫn sẽ hành động như thế. Ông ấy có thể làm gì khác chứ? Đưa quân vào Ukraine? Dừng toàn bộ sự hỗ trợ cho quân nổi dậy? Sẽ không có chuyện đó”, ông Markov nói.