10:22 21/07/2014

Vụ MH17: Phương Tây dùng dằng với ý muốn trừng phạt Nga

An Huy

Nhiều khả năng ông Obama sẽ chờ xem người đứng đầu điện Kremlin có chịu nhượng bộ hay không

Washington hiện không muốn tung ngay thêm lệnh trừng phạt mới, bởi làm 
vậy có thể sẽ khiến Moscow nổi giận và trả đũa Mỹ cũng như các quốc gia 
châu Âu.
Washington hiện không muốn tung ngay thêm lệnh trừng phạt mới, bởi làm vậy có thể sẽ khiến Moscow nổi giận và trả đũa Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu.
Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu mạnh tay hơn nữa trong việc trừng phạt Nga đang đối mặt với một “bài kiểm tra” mới sau vụ rơi máy bay chở khách Malaysia ở miền Đông Ukraine. Tuy vậy, phương Tây đang có những quan điểm không nhất quán về tăng cường trừng phạt Moscow.

Với những bằng chứng cho thấy chuyến bay MH17 có thể đã bị quân ly khai miền Đông Ukraine bắn hạ bằng tên lửa đất đối không do Nga cung cấp, ông Obama hối thúc các đồng minh châu Âu có những bước đi cứng rắn hơn, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không dừng việc mà phương Tây cho là tiếp tay cho quân nổi dậy gây bất ổn ở Ukraine.

“Đây chắc chắn sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với châu Âu và thế giới”, ông Obama nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 18/7. Tổng thống Mỹ nói, vụ rơi máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines nhắc nhở rằng mức độ rủi ro đối với châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hiện phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn đang thúc giục chính quyền Obama đẩy mạnh trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Chính phủ Ukraine. Mặc dù vậy, theo giới chức Mỹ, nhiều khả năng ông Obama sẽ chờ xem người đứng đầu điện Kremlin có chịu nhượng bộ hay không.

Nguồn tin là quan chức Mỹ giấu tên nói, một cuộc điều tra đầy đủ và độc lập về vụ MH17 - như yêu cầu mà ông Obama đưa ra - sẽ cho ông Putin có thời gian để rút lui khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine mà không bị “mất mặt”.

Còn nếu ông Putin không lùi bước, vụ việc này sẽ thúc đẩy các chính phủ châu Âu mạnh tay hơn với Nga.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng lên tiếng với Mỹ kêu gọi tiến hành điều tra toàn diện nguyên nhân máy bay rơi. Trong một cuộc điện đàm với ông Obama ngày 18/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, không thể coi vụ MH17 là cơ sở để mở rộng ngay lập tức việc trừng phạt Nga.

“Sự việc xảy ra cho thấy, ưu tiên lúc này phải là tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề, trong đó điều đặc biệt quan trọng là vai trò của Nga đối với những gì đang diễn ra ở Ukraine”, bà Merkel phát biểu trước báo giới ở Berlin.

Tuy nhiên, quan điểm có phần thận trọng của bà Merkel chỉ là một trong rất nhiều luồng quan điểm ở châu Âu. Ba Lan và các nước Baltic thì muốn trừng phạt Nga thật mạnh tay. Trong khi đó, Italy, Hy Lạp, Cyprus và các nước khác muốn tránh những hành động đặt quan hệ với Nga vào thế nguy hiểm.

“Điều quan trọng là thảm kịch này phải dẫn tới áp lực mạnh mẽ và liên tục buộc quân ly khai và Nga phải dừng ngay hành động”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trước báo giới ở Warsaw.

Giới chức Mỹ và các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng, có nhiều bước đi mà châu Âu có thể thực hiện sau vụ MH17. Xuất hiện trong một chương trình của kênh Bloomberg, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu hỗ trợ Chính phủ Ukraine, giảm sự phụ thuộc của nước này vào nguồn năng lượng từ Nga, và áp dụng lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga như Mỹ đã làm.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tham gia hoạch định chính sách trừng phạt nói, nên cho ông Putin thời gian để phản ứng trước các lệnh trừng phạt đã có và kết quả điều tra nguyên nhân vụ MH17. Nếu đúng là quân nổi dậy ở Ukraine bắn máy bay Malaysia bằng vũ khí của Nga, ông Putin sẽ đối mặt với áp lực lớn từ dư luận quốc tế và khi đó, ông sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải lùi bước mà chưa cần thêm lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Đến nay, các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vẫn được tính toán để không ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới. Washington hiện không muốn tung ngay thêm lệnh trừng phạt mới, bởi làm vậy có thể sẽ khiến Moscow nổi giận và trả đũa Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu.

“Về tác động của các lệnh trừng phạt, chúng tôi luôn cố gắng để các lệnh trừng phạt này có ảnh hưởng tới Nga, nền kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân của nước này có vai trò trong những gì đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, đồng thời hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đối với không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu”, ông Obama nói.

Dư luận Mỹ đến nay vẫn ủng hộ việc Washington trừng phạt Moscow. Mặc dù vậy, ý tưởng hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Ukraine không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Mỹ.

Trong một cuộc thăm dò với sự tham gia của hơn 1.500 người Mỹ do Pew Research Center thực hiện hồi tháng 4, có 62% người trả lời phản đối cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine và chỉ có 30% ủng hộ.