09:40 12/03/2023

Vụ ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank sụp đổ: Liệu có châm ngòi cho khủng hoảng tài chính?

Hoài Thu

Hai ngày qua, vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ bất ngờ đóng cửa khiến thế giới tài chính hoang mang và đặt câu hỏi về việc liệu vụ việc này có châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo hay không...

Một chi nhánh của SVB - Ảnh: Getty Images
Một chi nhánh của SVB - Ảnh: Getty Images

Theo Reuters, SVB là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ sụp đổ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngày 10/3, cơ quan quản lý ngân hàng bang California đã đóng cửa ngân hàng này và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận xử lý tài sản của ngân hàng SVB.

Nguồn gốc của sự sụp đổ của SVB là môi trường lãi suất cao thời gian qua. Lãi suất tăng khiến thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các công ty khởi nghiệp đóng băng, khiến hoạt động huy động vốn trở nên tốn kém hơn và nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền. Để ứng phó với tình hình, ngày 8/3, SVB đã bán lỗ danh mục trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của mình, chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ và cho biết sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu phổ thông cũng như cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi.

NHỮNG KHÁC BIỆT SO VỚI KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH NĂM 2008

Có trụ sở tại Santa Clara, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ với tài sản khoảng 209 tỷ USD, tính tới cuối năm 2022, tập trung cho vay đối với các công ty khởi nghiệp. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến nhà băng này sụp đổ bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá mạnh trong năm ngoái, khiến các công ty khởi nghiệp đối mặt điều kiện tài chính đặc biệt khó khăn.

Theo tỷ phú đầu tư Bill Ackman, vụ sụp đổ của SVB tương tự như vụ đóng của Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ông cho rằng rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi khiến những ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt nguy cơ bị rút tiền ồ ạt.

“Hiệu ứng domino sẽ xảy ra", vị tỷ phú nhận định trên Twitter.

Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà phân tích, dù SVB có quy mô tài sản lớn, việc ngân hàng này sụp đổ chỉ là một trường hợp cá biệt. Do là một ngân hàng có vai trò quan trọng với các công ty khởi nghiệp tại Mỹ, SVB chịu sức ép lớn khi nguồn vốn giảm dần, bắt nguồn từ sự đi xuống của nền kinh tế và lãi suất tăng nhanh.

“Lý do khiến SVB gặp rắc rối là ngân hàng này quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực”, ông said Jonas Goltermann, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận xét. “Hầu hết các ngân hàng khác có hoạt động cho vay đa dạng hơn”.

Ngày 10/3, ngay sau khi SVB bất ngờ đóng cửa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã lên tiếng trấn an công chúng Mỹ về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này.

“Các nhà chức trách liên bang đang theo dõi định chế tài chính này. Hiện tại, chúng tôi vẫn tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống", ông Adeyemo nói với CNN.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen triệu tập một cuộc họp đột xuất của các cơ quan quản lý tài chính để thảo luận về vụ sụp đổ của SVB.

“Chúng tôi có các công cụ cần thiết để ứng phó với các sự cố như những gì đã xảy ra với SVB”, ông Adeyemo nói.

Bên cạnh đó, những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính trong vụ việc lần này cũng ít hơn bởi Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Dù vậy, việc SVB sụp đổ cho thấy những thách thức nảy sinh từ quá trình nâng lãi mạnh tay nhất nhiều thập kỷ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng tốc độ tăng quá nhanh và mạnh đã gây ra những vấn đề khó lường. Giới tài chính giờ đây đang lo lắng về những hậu quả lâu dài của việc này.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích nhận định rủi ro lan rộng từ vụ sụp đổ của SVB đến nay không cao. 

"Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định và có khả năng chống chịu các cú sốc lớn", Jens Hagendorff, giáo sư tài chính tại trường King’s College London, nhận xét. "Tôi cho rằng SVB chỉ là trường hợp cá biệt vì họ có nguồn tiền gửi không ổn định".

Đồng quan điểm, nhà phân tích Mike Mayo của Wells Fargo, rằng cuộc khủng hoảng ở SVB là "trường hợp đơn lẻ".

"Vụ việc này hoàn toàn khác so với khủng hoảng tài chính 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người cũng cho rằng tất cả đều ổn. Còn hiện tại, mọi người đều lo lắng, nhưng nền tảng của các ngân hàng lại tốt hơn rất nhiều rồi", ông Mayo giải thích.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng sẽ không có rủi ro hệ thống nếu sự việc SVB "được giải quyết một cách hợp lý".

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO?

Theo FDIC, văn phòng chính và các chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/3 và tất cả người gửi tiền có thể nhận lại đầy đủ tiền gửi được bảo hiểm của họ. Tuy nhiên, 89% trong tổng số tiền gửi trị giá 175 tỷ USD của ngân hàng này lại thuộc dạng không được bảo hiểm và số phận của các khoản tiền gửi này vẫn còn là dấu hỏi chấm. Theo nguồn tin thân cận của Reuters, trong cuối tuần, FDIC đang chạy đua để tìm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB Ngân hàng Thung lũng Silicon.

Cổ phiếu SVB Financial, công ty mẹ của SVB, lao dốc mạnh những phiên gần đây - Ảnh: Getty Images
Cổ phiếu SVB Financial, công ty mẹ của SVB, lao dốc mạnh những phiên gần đây - Ảnh: Getty Images

Ở một diễn biến khác, SVB Financial, công ty mẹ của SVB, đang làm việc với ngân hàng đầu tư Centerview Partners và hãng luật Sullivan & Cromwell để tìm người mua lại các tài sản của mình, bao gồm ngân hàng đầu tư SVB Securities, công ty quản lý tài sản Private và công ty nghiên cứu chứng khoán MoffettNathanson - nguồn tin cho hay. Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings hôm 10/2 dự báo SVB Financial sẽ phá sản vì các khoản nợ.

Các vấn đề tại SVB cho thấy chiến dịch của Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới nhằm chống lạm phát bằng việc chấm dứt kỷ nguyên tiền tệ nới lỏng đang bộc lộ nhiều lỗ hổng. Điều này khiến toàn ngành ngân hàng bao trùm trong tâm lý lo sợ.

Lo ngại vấn đề sẽ lan ra toàn ngành ngân hàng đã khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citigroup đều lao dốc trong phiên giao dịch ngày 9/3. Sang phiên 10/3, khi các mã này ổn định, nhiều cổ phiếu các ngân hàng nhỏ bắt đầu chịu sức ép. Các ngân hàng tại châu Âu cũng không thoát ảnh hưởng. Chỉ trong vòng hai ngày, các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỷ USD vốn hóa, trong khi các ngân hàng tại châu Âu mất khoảng 50 tỷ USD, theo tính toán của Reuters.

Một số nhà phân tích dự báo ngành ngân hàng sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng nữa khi mối lo về những rủi ro tiềm ẩn cũng như tác động của việc lãi suất tăng ngày càng lớn.

“Tuần tới có thể sẽ xảy ra một ‘cuộc tắm máu’… khi các bên bán khống xuất hiện và tấn công các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ”, ông Christopher Whalen, chủ tịch của Whalen Global Advisors, dự báo.