23:03 01/06/2022

Vực dậy nguồn nhân lực hậu khủng hoảng Covid-19 bằng cách nào?

Vũ Khuê

Tuy rằng tỷ lệ lấp đầy người lao động trong các doanh nghiệp khá cao, song để duy trì được lao động ở lại với doanh nghiệp là bài toán cực kỳ khó khăn...

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tại “Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nguồn lực  lao động trên thế giới cũng như của Việt Nam trong thời điểm hậu Covid-19.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2022 KHỞI SẮC

Dẫn báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội Thế giới – xu hướng năm 2022” của ILO (Xu hướng WESO) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Quá trình phục hồi cũng có sự khác biệt giữa các khu vực. Khu vực châu Âu và Bắc Mỹ hiện có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ nhất, trong khi triển vọng cho khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latin và Caribe lại chậm nhất.

Báo cáo cho biết việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo “sẽ có tác động cộng gộp lâu dài” đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

Còn tại Việt Nam, theo bà Lan Anh, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 2 khoảng 99% và mũi 3 khoảng 50%, thị trường lao động quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người. Lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).

Đại diện VCCI nhận định, chính chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động quý I năm 2022 khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).

“Tình hình thiếu việc làm đã quay trở lại với thực trạng thường được quan sát ở nước ta với xu hướng tỷ lệ này ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị, sau khi chứng kiến 3 quý liên tiếp (từ quý 2 đến quý 4 năm 2021) với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn”, bà Lan Anh đánh giá.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỀ KỸ NĂNG

Tuy rằng tỷ lệ lấp đầy người lao động trong các doanh nghiệp khá cao, song theo bà Lan Anh, để duy trì được lao động ở lại với doanh nghiệp là bài toán cực kỳ khó khăn.

Bởi các doanh nghiệp có yêu cầu cao hơn về trình độ lao động. Covid-19 là sức ép đòi hỏi doanh nghiệp phải có biện pháp nhằm nâng cao năng suất lao động trong khi số người tham gia thị trường lao động là hữu hạn. Trong 2 năm Covid-19 buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực đặt ra cao hơn.

Ngoài ra, Việt Nam đang hướng tới thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, nên vấn đề về kỹ năng nghề cho người lao động là đáng quan tâm, đòi hỏi cần có kế hoạch tổng thể để giải quyết vấn đề này.

Vì thế, vấn đề đặt ra với các chủ doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới, theo chuyên gia đến từ VCCI, là phải tận dụng được tối đa nguồn lực lao động hữu hạn. Xoá nhoà đi khoảng cách khác biệt về giới tính, độ tuổi, vùng miền để sử dụng được nguồn nhân lực một cách tối ưu trong bối cảnh mới.

Đưa gợi ý, đại diện VCCI cho rằng, cần tạo việc làm năng suất gắn liền với thúc đẩy việc làm thỏa đáng để giúp doanh nghiệp vực dậy tốt hơn. “Việc làm năng suất ”được liên kết chặt chẽ với việc tạo ra "công việc tử tế" như một phương tiện để xây dựng trở lại tốt hơn.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần chính phủ tạo điều kiện và tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của khu vực tư nhân và khả năng phục hồi.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thúc đẩy đa dạng hóa các hình thức làm việc (làm online hoặc trực tiếp). Và cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là nền tảng để thúc đẩy các phương thức làm việc mới và tinh thần kinh doanh.

Việc đào tạo là chìa khóa của khả năng có và duy trì việc làm. Đào tạo lại và đào tạo nâng cao nên theo hướng doanh nghiệp và người lao động cùng phối hợp. Các nhà hoạch định chính sách và các đối tác xã hội cần điều chỉnh chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của khu vực tư nhân cũng như tạo khả năng tuyển dụng bền vững bằng cách thu hẹp khoảng cách về kỹ năng.

Hơn nữa, cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhằm tạo ra nhiều việc làm mới và bền vững. Doanh nghiệp không thể cho phép mọi người bị thiệt thòi bởi tiến bộ công nghệ. Phải tập trung vào việc giúp họ được trao quyền bởi các công nghệ mới khi họ định hình tương lai của công việc. Phải truyền cảm hứng và kích thích người lao động…