12:00 06/02/2023

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào các dự án lớn

Chu Khôi

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện một số đề án lớn như: dự án thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đề án thành lập Trung tâm cơ giới hóa vùng; đề án triển khai canh tác 1 triệu ha lúa gắn với tăng trưởng xanh…

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo chủ yêu cho xuất khẩu
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo chủ yêu cho xuất khẩu

Tại hội nghị “Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long tuy chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước,... nhưng nông nghiệp vùng này vẫn đang tụt hậu so với các vùng nông nghiệp trọng điểm khác.

ĐỐI MẶT NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Nhìn lại kết quả năm 2022, ông Nguyễn Văn Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của vùng là 8,5%. Trong đó, riêng GRDP nông nghiệp của vùng tăng trưởng 3,01%, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành nông nghiệp.

Trong năm vừa qua, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động, đề án mang tính liên vùng, liên tỉnh. Nổi bật là Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu tại: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phê duyệt nhiều đề án cấp vùng quan trọng. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp xây dựng nhiều đề án thu hút các nguồn lực quốc tế cho ngành nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các Đề án thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, các nguồn vốn vay ưu đãi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, tình trạng di dân ồ ạt, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt, hạ tầng giao thông yếu kém... 

Ngoài ra, yếu tố thị trường mang đến nhiều cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức, áp lực trong tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp, khả năng cạnh tranh, nhất là nguồn lao động. Hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu kết nối, hạ tầng dịch vụ logistics yếu, dẫn đến chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, thiếu khả năng cạnh tranh...

Thu nhập bình quân đầu người của Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt 4,1 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,5 triệu đồng/tháng của cả nước.

Một vấn đề nổi cộm đối với nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cơ giới hóa còn chậm và không đồng đều. Dù số lượng, chủng loại thiết bị phục vụ sản xuất đã có sự tăng trưởng khá nhanh thời gian qua, nhưng nhìn nhận tổng thể, cơ giới hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ mới tập trung ở một số khâu như làm đất, nước, thức ăn và một số sản phẩm như lúa, mía, cà phê, gia súc, gia cầm, cá, tôm. Phần lớn máy móc trang bị chủ yếu là cấp nông hộ, công suất nhỏ, thiếu sự quy hoạch vùng. Hầu hết máy nông nghiệp chưa được nông dân sử dụng hiệu quả, không hết công suất. Thiếu hạ tầng để đồng bộ cơ giới hóa, quy hoạch đồng ruộng, đường sá trong vùng sản xuất chưa được quan tâm.

Để hóa giải những thách thức trên, ông Nguyễn Văn Việt cho biết năm 2023, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai một số dự án trọng điểm cho vùng.

Cụ thể là: dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thịnh vượng (WB11); dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) giai đoạn 2 do GIZ tài trợ không hoàn lại, với tổng kinh phí tài trợ hơn 11 triệu EUR (giai đoạn từ năm 2022-2025).

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM CƠ GIỚI HÓA VÙNG

Ngày 30/1/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ về việc tham vấn xây dựng và phát triển Trung tâm Cơ giới hóa vùng.

Trung tâm này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là đơn vị sự nghiệp, hoạt động theo hình thức xã hội hóa, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Trung tâm có sự tham gia của 4 chủ thể, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước với vai trò định hướng cơ chế chính sách; các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là Trường Đại học Cần Thơ - đơn vị đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các doanh nghiệp, hợp tác xã và ngân hàng.

Theo đề xuất của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Cơ giới hóa vùng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy móc trong nước dựa trên sự hợp tác của các viện, trường, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo xanh, chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cơ giới hóa. Đồng thời, sẽ cung cấp hoạt động tư vấn, ứng dụng máy, thiết bị, công nghệ vào sản xuất; cung ứng máy thiết bị, công nghệ và dịch vụ cơ giới hóa, dịch vụ bảo hiểm, sửa chữa.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2023 phát hành ngày 06-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào các dự án lớn - Ảnh 1