WB: Việt Nam cần hỗ trợ thêm cho các lĩnh vực tổn thương nặng vì Covid
WB cho rằng Việt Nam cần có thêm biện pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ở những lĩnh vực như du lịch để họ không bị bỏ lại phía sau
Trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đang tiếp tục phục hồi sau cú sốc Covid-19 nhưng kết quả phục hồi giữa các ngành còn chưa đồng đều.
Quý 1/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,5% so cùng kỳ năm trước và tương đương với quý 4/2020. Theo các chuyên gia của WB, kết quả này tuy vẫn thấp hơn so trước đại dịch nhưng cho thấy quá trình phục hồi đang diễn ra bất chấp dịch bệnh bùng phát hồi tháng 2.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cú sốc nhờ nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại, ngành dịch vụ tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến du lịch vẫn suy giảm nặng nề khi dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đạt kết quả ngoạn mục, nhờ sức cầu mạnh mẽ đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và máy móc từ khu vực kinh tế đối ngoại. Tăng trưởng xuất khẩu vững chắc chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp nước ngoài có sức chống chịu tốt hơn.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong tháng thứ hai liên tiếp với 4,6 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn 34% so với tháng trước đó. Mức tăng này chủ yếu do dự án đầu tư mới trị giá 3,1 tỷ USD vào nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Long An.
Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh khi các hoạt động kinh tế được khôi phục tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3/2021. Theo WB, tốc độ tăng này gần sát với các mức trước Covid-19, cho thấy tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó giúp cung cấp vốn đầy đủ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Quá trình phục hồi của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhưng còn chưa đồng đều, khi một số lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc Covid-19", các chuyên gia của WB nhận định. "Mặc dù chuyển sang chính sách tài khóa trung lập hơn là chính sách đúng đắn khi nền kinh tế phục hồi, nhưng quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực của nền kinh tế".
Theo đó, ngân hàng này khuyến nghị các cấp có thẩm quyền của Việt Nam nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến. Tiếp tục hỗ trợ cho các cá nhân và hộ gia đình vẫn đang chịu ảnh hưởng của cú sốc cũng là cách để đẩy mạnh nhu cầu từ khu vực tư nhân. Trong điều kiện tác động của khủng hoảng đến doanh nghiệp còn kéo dài, khu vực tài chính cần được theo dõi chặt chẽ.
"Thời gian tới, vấn đề công bằng cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam. Cần có thêm biện pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ở những lĩnh vực như du lịch, vì họ có thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình khôi phục kinh tế sau cú sốc Covid-19", các chuyên gia WB nhấn mạnh.