Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu phục hồi kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương
Kết quả kinh tế có được nhờ vào hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, khả năng tận dụng sự khởi sắc của thương mại quốc tế, năng lực của chính phủ trong việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ
Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các nền kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phục hồi không đồng đều sau hơn một năm trải qua đại dịch Covid-19. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V vượt mức trước đại dịch.
VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC DẪN ĐẦU VỀ TỐC ĐỘ PHỤC HỒI KINH TẾ
Theo báo cáo, sản lượng của các nền kinh tế lớn còn lại thấp hơn bình quân khoảng 5% so với giai đoạn trước đại dịch. Trong đó, các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kết quả kinh tế có được đến nay vẫn nhờ vào hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, khả năng tận dụng sự khởi sắc của thương mại quốc tế, năng lực của chính phủ các nước trong việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ.
WB dự báo tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ được nâng lên từ khoảng 1,2% năm 2020 lên 7,5% trong năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi tại khu vực diễn ra theo ba thốc độ khác nhau.
Dẫn đầu là kinh tế Việt Nam và Trung Quốc với mức tăng trưởng dự kiến cao hơn trong năm 2021, lần lượt ở mức 8,1% và 6,6% so với 2,3% và 2,9% trong năm 2020.
Tiếp đến là các nền kinh tế lớn còn lại được dự báo chỉ tăng trưởng bình quân ở mức khoảng 4,6%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng. Sản lượng của Indonesia và Malaysia dự kiến phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2021, trong khi của Thái Lan và Philippiones được dự báo vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch cho đến gần hết năm 2022.
Cuối cùng là tăng trưởng khó khăn của các nền kinh tế quốc đảo vốn phụ thuộc vào du lịch. Khoảng một nửa các quốc đảo phải chịu tăng trưởng âm, mặc dù các nước này cơ bản miễn nhiễm với đại dịch.
Báo cáo của WB ước tính gói kích cầu của Mỹ có thể sẽ nâng tốc độ tăng trưởng năm 2021 của các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thêm 1 điểm phần trăm, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi lên trung bình khoảng 3 tháng. Triển vọng trên vẫn có rủi ro nếu vaccine Covid-19 bị triển khai chậm, khiến cho tăng trưởng giảm đến 1 điểm phần trăm ở một số quốc gia.
TIẾP TỤC HỖ TRỢ NỀN KINH TẾ VÀ NHỮNG RỦI RO TƯƠNG LAI
Hiện tại các quốc gia đang phải đối mặt với sự đánh đổi khi cố gắng cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ kinh tế với rủi ro bất ổn trong tương lai.
Theo các chuyên gia WB, để làm được điều này, các chính phủ trong khu vực có thể làm nhiều điều để nâng cao hiệu suất chi tiêu.
"Trong quá trình phục hồi, các khoản hỗ trợ cho hộ gia đình và doanh nghiệp nên được thực hiện theo hướng lựa chọn đối tượng tốt hơn", báo cáo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, WB khuyến nghị, thay vì vội vàng cắt giảm hỗ trợ hoặc tăng thuế, chính phủ các quốc gia có thể cam kết chắc chắn về những cải cách nhằm nâng cao hiệu suất và kỷ cương chi tiêu trong thời gian tới.
Ngoài các chính sách tài khóa, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương có tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ để chia sẻ gánh nặng hỗ trợ kinh tế, báo cáo khuyến nghị.
WB cũng cho rằng phối hợp quốc tế có thể giúp khuếch đại tác động chung của chính sách tài khóa bởi vì các chính phủ trong khu vực có xu hướng thực hiện các gói kích thích thấp hơn so với mức tối ưu toàn cầu do lo ngại thất thoát cầu từ nhập khẩu.
BẤT BÌNH ĐẲNG GIA TĂNG
Trong năm 2020, tỷ lệ nghèo của khu vực lần đầu tiên ngừng giảm sau vài thập kỷ. Khoảng 32 triệu người dân trong khu vực mất đi cơ hội thoát nghèo (theo chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày) vì đại dịch.
"Cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra chặn đứng giảm nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng", bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của WB, cho biết. "Khi bước vào giai đoạn phục hồi năm 2021, các quốc gia cần hành động khẩn trương để phòng vệ cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời phải đảm bảo phục hồi bao trùm, xanh và bền vững".
WB kêu gọi các quốc phải hành động để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi. Các chuyên gia của ngân hàng này cảnh báo với khối lượng và cách phân bổ vaccine như hiện nay, trên 80% dân số các quốc gia phát triển sẽ được tiêm vaccine vào cuối năm 2021. Trong khi đó, mức độ bao phủ vaccine tại các quốc gia đang phát triển chỉ đạt khoảng 55%.
Tại nhiều quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương, mức độ hỗ trợ cho tổn thất về thu nhập còn thấp, gói kích cầu chưa khắc phục hết được sự sụt giảm về nhu cầu, đầu tư công vẫn chưa đóng vai trò lớn trong các nỗ lực phục hồi, kể cả khi tỷ lệ nợ công trên GDP tăng thêm bình quân đến 7 điểm phần trăm.
"Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác quốc tế, để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi," ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, kêu gọi. "Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách gia tăng xuất khẩu các sản phẩm y tế, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, và tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn về khí hậu. Quốc gia này cũng sẽ được hưởng lợi khi thế giới an toàn hơn và tăng trưởng cân bằng hơn".
WB kêu gọi các quốc gia hợp tác trong sản xuất, phê chuẩn và phân phối vaccine dựa trên nhu cầu để giúp ngăn chặn Covid-19. Phối hợp trong chính sách tài khóa sẽ làm tăng tác động tập thể vì một số chính phủ có xu hướng hỗ trợ chưa đầy đủ. Bên cạnh hợp tác trong giảm phát thải, các quốc gia đang phát triển còn nghèo cũng cần hỗ trợ quốc tế để tiến hành các biện pháp có chiều sâu hơn về khí hậu.