01:59 04/10/2008

Wells Fargo và Citigroup “đánh nhau” vì Wachovia

Mai Phương

Ngân hàng Wells Fargo của Mỹ vừa gây bất ngờ lớn khi công bố kế hoạch sáp nhập với ngân hàng Wachovia

Wachovia là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn nhất ở Mỹ, với lượng tiền cho vay lãi suất thả nổi tùy chọn (option-ARM, một loại hình cho vay có tỷ lệ vỡ nợ rất cao) lên tới 122 tỷ USD.
Wachovia là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn nhất ở Mỹ, với lượng tiền cho vay lãi suất thả nổi tùy chọn (option-ARM, một loại hình cho vay có tỷ lệ vỡ nợ rất cao) lên tới 122 tỷ USD.
Ngày 3/10 tại Mỹ, ngân hàng Wells Fargo của nước này gây bất ngờ lớn khi công bố kế hoạch sáp nhập với ngân hàng Wachovia.

Cách đó chỉ 4 ngày, tức là vào ngày thứ Hai tuần này, với sự hỗ trợ của các nhà chức trách, Citigroup đã thỏa thuận mua lại bộ phận ngân hàng bán lẻ của Wachovia với giá 2,2 tỷ USD.

Sự khác biệt giữa hai thỏa thuận

Cuối tuần trước, Wells Fargo cũng nằm trong số các ngân hàng muốn mua lại Wachovia, nhưng sau đó đã rút lui vì lo ngại danh mục cho vay của Wachovia. Sau đó, Citigroup đã vượt lên các đối thủ còn lại để đạt thỏa thuận với Wachovia, tuy tới thời điểm này, hai bên vẫn chưa đi tới một thỏa thuận cuối cùng.

Giải thích lý do trở lại với việc chào mua Wachovia, ông John Stumpf, CEO của Wells Fargo, cho biết, sau khi tìm hiểu kỹ, ngân hàng này đã cảm thấy yên tâm hơn vào danh mục cho vay của Wachovia.

Không giống như thỏa thuận sáp nhập một phần giữa Citigroup và Wachovia, Wells Fargo có ý định mua lại toàn bộ Wachovia, bao gồm hệ thống tiền gửi tiết kiệm và bộ phận môi giới, cũng như bộ phận quản lý đầu tư của ngân hàng này. Giá trị của thỏa thuận này ước tính lên tới 15,1 tỷ USD, tương đương với mức giá 7 USD/cổ phiếu Wachovia.

Theo thỏa thuận, các cổ đông của Wachovia sẽ đổi 1 cổ phiếu phổ thông của Wachovia để nhận được 0,1911 cổ phiếu phổ thông của Wells Fargo. Cùng với việc công bố kế hoạch sáp nhập với Wachovia, Wells Fargo cũng cho biết dự định huy động lượng vốn 20 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông nhằm tăng cường vốn.

Và khác với thỏa thuận của Citigroup, thỏa thuận của Wells Fargo sẽ không cần tới sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan chức năng.

Trong thỏa thuận của Citigroup, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ phải chịu trách nhiệm về phần thua lỗ tăng thêm nếu khoản thua lỗ mà Citigroup phải chịu đối với danh mục cho vay của Wachovia vượt quá mức 42 tỷ USD. Về phần mình, với cổ đông lớn nhất là tỷ phú, nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett, Wells Fargo tuyên bố sẽ giữ Wachovia nguyên trạng sau khi sáp nhập và không cần tới sự hỗ trợ của Chính phủ.

Nếu…

Nếu có được Wachovia, Citigroup sẽ trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 3 ở Mỹ sau JPMorgan Chase và Bank of America, đồng thời củng cố vị thế ngân hàng lớn nhất nước này xét về giá trị tài sản. Còn nếu Citigroup không  “thắng” được Wells Fargo trong vụ này, đây sẽ là một đòn giáng vào tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Citigroup, một lĩnh vực mà Citigroup đang đi sau nhiều đối thủ lớn khác.

Nếu thành công trong việc mua lại Wachovia, Wells Fargo sẽ “lên hạng” ngang tầm với các đối thủ như JPMorgan Chase và Bank of America, vì ngân hàng này sẽ có tài sản 1.420 tỷ USD, lớn thứ ba ở Mỹ, kiểm soát tổng số khoảng 800 tỷ USD tiền gửi và 11.000 văn phòng và chi nhánh trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, vụ sáp nhập này cũng có thể khiến Wells Fargo mất 10 tỷ USD chi phí sáp nhập, cũng như phải chịu khoản thâm hụt tài sản và thua lỗ lên tới 74 tỷ USD đối với danh mục cho vay trị giá 498 tỷ USD của Wachovia. Cần phải nói thêm, Wachovia là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn nhất ở Mỹ, với lượng tiền cho vay lãi suất thả nổi tùy chọn (option-ARM, một loại hình cho vay có tỷ lệ vỡ nợ rất cao) lên tới 122 tỷ USD.

Điều gì có thể xảy ra?

Tất nhiên, Citigroup không dễ dàng từ bỏ thỏa thuận mua lại này, và do đó, một “cuộc chiến” giành giật Wachovia đã ngay lập tức diễn ra giữa Citigroup và Wells Fargo. Ngay khi đề nghị đối với Wachovia được phía Wells Fargo đưa ra, phía Citigroup đã tuyên bố yêu cầu Wells Fargo chấm dứt đề xuất này. Giới quan sát cho rằng, có thể Citigroup sẽ có hành động pháp lý để chống lại đề xuất của Wells Fargo, hoặc tăng giá chào mua đối với Wachovia.

Theo một bản copy của bản thỏa thuận giữa Citigroup và Wachovia mà hãng tin CNN có được, Wachovia đã đồng ý không tìm kiếm thêm đối tác mua lại hoặc tham gia đàm phán với một đối tác mua lại khác. Thỏa thuận cũng không đưa ra một mức phí phá vỡ hợp đồng nào.

Ông John Stumpf, CEO của Wells Fargo, thì bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận mà phía Wells Fargo đưa ra cho Wachovia là hợp lý và kỳ vọng sẽ nhận được sự thông qua của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các nhà chức trách sẽ nghiêng về thỏa thuận của Citigroup với Wachovia hơn là thỏa thuận giữa Wells Fargo và Wachovia.

“FDIC ủng hộ thỏa thuận đã được công bố trước đó của cơ quan này với Citigroup”, Chủ FDIC Sheila Bair tuyên bố. Bà cũng cho biết thêm sẽ tìm kiếm một giải pháp có lợi cho cả ba bên. Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Văn phòng Giám sát tiền tệ cùng cho biết họ sẽ xem xét thỏa thuận mà Wells Fargo đưa ra cũng như những vấn đề phát sinh.

Không giống như nhiều đối thủ khác trong ngành ngân hàng ở Mỹ, Wells Fargo đã chống chọi tốt với khủng hoảng tài chính và địa ốc ở nước này. Tới thời điểm này, Wells Fargo vẫn chưa chịu thiệt hại nào đáng kể vì khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhiều tháng qua, Wells Fargo không hề có ý tưởng về một vụ mua lại lớn nào. Cho tới tận giữa tháng 9, Chủ tịch đồng thời là cựu CEO của ngân hàng này là Dick Kovacevich cho rằng đang có rất nhiều cơ hội mua lại hấp dẫn trong ngành ngân hàng.

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, ngành ngân hàng Mỹ đã diễn ra những thay đổi lớn, bao gồm việc Washington Mutual bị JPMorgan Chase thâu tóm, và vụ Bank of America mua lại Merill Lynch.

(Theo CNN, Bloomberg)