12:09 08/12/2021

Nếu Omicron “thắng” Delta, dấu hiệu đại dịch sắp kết thúc?

Hoài Phương

Mặc dù có khả năng dễ lây lan và nguy cơ tái nhiễm cao hơn biến thể Delta, các ca nhiễm Omicron hầu hết có các triệu chứng nhẹ và không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Omicron được báo cáo cho đến nay…

Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan khắp miền nam châu Phi và xuất hiện tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ "cuộc cạnh tranh" có thể định hình tương lai của đại dịch. Câu hỏi được đặt ra là liệu Omicron, có áp đảo được biến chủng Delta trên toàn cầu hay không?

OMICRON ĐÃ LAN RỘNG TỚI NHIỀU NƠI TRÊN THẾ GIỚI

Theo Thời báo New York, đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 17 bang của Mỹ, bao gồm những bang đông dân nhất nước này là California và New York. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đang dõi theo chặt chẽ tình hình liên quan đến biến thể Omicron và dự báo, số ca nhiễm biến thể mới này ở Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng.

Một số chuyên gia cũng viện dẫn dữ liệu ban đầu từ Nam Phi và Anh, cho rằng Omicron có thể sẽ trở thành biến chủng phổ biến toàn cầu. "Hiện vẫn còn quá sớm, nhưng ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy Omicron dường như có khả năng áp đảo Delta ở rất nhiều nơi, nếu không nói là mọi nơi," tiến sĩ Jacob Lemieux, người hợp tác với đại học Y Harvard trong nghiên cứu theo dõi các biến chủng SARS-CoV-2, cho biết.

Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng, còn quá sớm để kết luận liệu Omicron có lây lan mạnh hơn Delta hay không và nếu có, liệu quá trình này diễn ra trong bao lâu. Matthew Binnicker, giám đốc virus học lâm sàng tại tổ chức Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, cho biết: "Tại Mỹ, Delta hiện đang gây ra những đợt bùng dịch lớn. Để biết được liệu Omicron có thay thế nó hay không, tôi nghĩ chúng ta sẽ biết được điều đó trong 2 tuần tới".

Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về vấn đề lây lan, các nhà khoa học đã chỉ ra diễn biến ở Nam Phi, nơi Omicron lần đầu bị phát hiện. Tốc độ lây lan của Omicron và việc nó đang trở thành chủng vượt trội ở đây đã khiến các chuyên gia lo lắng. Từ giữa tháng 11, Nam Phi ghi nhận ít hơn 200 ca mới mỗi ngày và đến cuối tuần qua, số ca bệnh mới ở Nam Phi là hơn 16.000 ca/ngày. Omicron chiếm hơn 90% ca mắc mới ở tỉnh Gauteng, tâm dịch bùng phát chủng mới, và tiếp tục áp đảo tại 8 tỉnh khác ở Nam Phi.

Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế Châu Phi cho biết, so với 3 làn sóng trước, Omicron đang tạo ra một làn sóng lây nhiễm với tốc độ rất nhanh và đây là bằng chứng cho thấy nó có thể là virus rất dễ lây lan. Tuy nhiên, ông Hanekom nhấn mạnh, Omicron xuất hiện khi Nam Phi có số người mắc Delta không cao, vì vậy cách diễn đạt Omicron áp đảo Delta dường như chưa chính xác ở Nam Phi vào thời điểm hiện tại.

KHÁC BIỆT TRIỆU CHỨNG SO VỚI BIẾN CHỦNG DELTA

Kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, giới khoa học liên tục tranh cãi về độ nghiêm trọng, mức lây lan và khả năng áp đảo Delta của nó. Chuyên gia y tế sẽ mất vài tuần để kết luận, song các nghiên cứu đầu tiên đã cung cấp cái nhìn cơ bản về về triệu chứng của biến chủng mới. Các bác sĩ cho biết biểu hiện của Omicron "cực kỳ nhẹ".

Hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 đến 30 - nhóm tuổi nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi virus. “Đến nay, hầu như triệu chứng của tất cả các ca nhiễm đều giống cúm: ho khan, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, đau nhức cơ thể", bác sĩ Unben Pillay, tỉnh Gauteng, nơi ghi nhận 81% số bệnh nhân, thông báo.

 
Ngay cả khi chứng minh được là biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn Delta, biến thể này vẫn là vấn đề, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo. Mọi người cần tiêm vaccine và đeo khẩu trang, nhất là ở những môi trường kín.

Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC), trong một báo cáo sớm về tình hình dịch bệnh ở tỉnh Gauteng, cho biết hầu hết bệnh nhân nhập viện không cần phải thở oxy, chỉ một số ít xuất hiện viêm phổi hoặc cần chăm sóc kỹ, số phải nằm giường chăm sóc tích cực (ICU) càng ít hơn nữa. Thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân nhiễm Covid-19 đợt này là 2,8 ngày, ngắn hơn so với 8,5 ngày của các đợt dịch trong 18 tháng trước ở cùng khu vực.

Nhiều bệnh nhân được phát hiện ở khắp nơi thậm chí không có bất cứ triệu chứng bệnh đường hô hấp nào, chỉ phát hiện ra bệnh do xét nghiệm tầm soát. Một số chuyên gia cho rằng đây  có thể là tín hiệu tốt, cho thấy virus cuối cùng sẽ phát triển theo hướng lành tính, giúp con người có thể sống chung an toàn với nó, giống như bệnh cúm thông thường.

"Biến thể mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan hơn, song lại gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Biến thể này không làm tổn hại phổi. Tôi nghĩ đây có thể là tín hiệu cho thấy cơn ác mộng sắp kết thúc," chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Vladimir Nikoforov thuộc Cơ quan Y tế Liên bang Nga mowisddaay đã phát biểu. “Người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng tương đối nhẹ, không bị mất vị giác và khứu giác, có điểm khác biệt so với Delta”.

Theo chuyên gia Nikiforov, Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia đưa ra trước đó. “Trong tự nhiên, không có gì là vô hạn. Một lúc nào đó, virus sẽ đạt đến ngưỡng “lây nhiễm tuyệt đối” (maximum transmission).  Sau đó, đột biến mới không mang lại lợi thế lây nhiễm nữa. Khi virus ổn định, biến chủng cuối cùng sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội, trải qua các thay đổi nhỏ lẻ và không thường xuyên," một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành khoa học Nature nhận định.

Dù là Omicron hay Delta, càng tiêm chủng vaccine nhiều, chúng ta càng có nhiều cơ hội ngăn chặn nhiều biến thể mới xuất hiện.
Dù là Omicron hay Delta, càng tiêm chủng vaccine nhiều, chúng ta càng có nhiều cơ hội ngăn chặn nhiều biến thể mới xuất hiện.

Tuy nhiên, giáo sư Peter White, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học New South Wales (Úc) lại dự đoán biến thể Omicron chưa phải là sự tiến hóa cuối cùng của virus gây đại dịch Covid-19. Theo giáo sư White, nếu chúng ta tạo ra một loại thuốc chống lại các enzym cụ thể của virus, nhưng không đủ mạnh để triệt tận gốc thì virus sẽ tạo ra các đột biến. Bởi nếu không đột biến, thuốc sẽ tiêu diệt nó. 

"Nếu 100% dân số thế giới được tiêm vaccine chống lại chủng Alpha và sau đó virus đột biến. Lúc đó, các kháng thể mà cơ thể chúng ta tạo ra sẽ không liên kết với protein đột biến của biến thể mới. Nếu vaccine yếu đi, chúng ta phải nhanh chóng cải tiến vaccine để chặn đầu biến thể mới," giáo sư White nhận định. 

Ngoài ra, theo vị chuyên gia người Úc, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ có thể tạo ra một loại virus dễ lây lan hơn. Theo giáo sư White, giãn cách xã hội không phải là mỗi người sống trên một hoang đảo, nên không thể có tình trạng hoàn toàn không tiếp xúc. Và bất kỳ sự tiếp xúc nào dù chớp nhoáng cũng làm lây lan tiếp diễn, dù chậm hơn. Ông kết luận rằng nếu càng tiêm chủng vaccine nhiều, chúng ta càng có nhiều cơ hội ngăn chặn nhiều biến thể mới xuất hiện.