06:51 24/03/2023

WSJ: "Không chỉ Credit Suisse, Thụy Sỹ cũng cần được giải cứu"

Hoài Thu

Suốt nhiều thập kỷ qua, mô hình kinh tế cũng như bản sắc quốc gia của Thụy Sỹ được gây dựng dựa trên hoạt động bảo vệ tài sản của thế giới. Do đó, với cuộc khủng hoảng đang diễn ra, không chỉ các ngân hàng, chính quốc gia châu Âu này cũng cần được “giải cứu”...

Cảnh sát chống bạo động đứng trước trụ sở của Credit Suisse sau thông báo về thương vụ giải cứu - Ảnh: Getty Images
Cảnh sát chống bạo động đứng trước trụ sở của Credit Suisse sau thông báo về thương vụ giải cứu - Ảnh: Getty Images

Tuần trước, chủ tịch của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS AG nhận được một cuộc gọi khẩn cấp. Ở đầu dây bên kia là 3 quan chức cấp cao của Thụy Sỹ với một đề xuất. Đó là UBS cần giải cứu ngay đối thủ đang gặp khó Credit Suisse Group AG.

Theo Wall Street Journal (WSJ), đối với bất kỳ quốc gia nào, đây là một tình huống tài chính khẩn cấp, nhưng với Thụy Sỹ, đây là một tình huống sống còn. Suốt nhiều thập kỷ qua, mô hình kinh tế cũng như bản sắc quốc gia của Thụy Sỹ được gây dựng dựa trên hoạt động bảo vệ tài sản của thế giới. Do đó, với cuộc khủng hoảng đang diễn ra, không chỉ các ngân hàng, chính quốc gia châu Âu này cũng cần được “giải cứu”.

ĐỊA VỊ TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH BỊ LUNG LAY

Đó là ngày thứ Năm, gần 24 giờ đồng kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse bắt đầu leo thang và ngân hàng này đang bị rút tiền mạnh. Nhà băng 167 năm tuổi khi đó dường như chỉ còn vài ngày nữa là phá sản. Để đảm bảo Credit Suisse tồn tại được tới cuối tuần, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) chuẩn bị tăng gấp 4 lần hạn mức tín dụng cho ngân hàng này. Các nhà chức trách của Mỹ và Anh cũng kêu gọi những người đồng cấp Thụy Sỹ đảm bảo không để Credit Suisse kéo sập thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter, Thống đốc SNB Thomas Jordan và chủ tịch cơ quan quản lý tài chính FINMA Marlene Amstad đã gọi điện cho ông Colm Kelleher, Chủ tịch UBS, đề xuất hai lựa chọn - nhưng thực tế chỉ có một lựa chọn duy nhất.

UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD - Ảnh: Getty Images
UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD - Ảnh: Getty Images

Lựa chọn đầu tiên là mua lại Credit Suisse dù không có cơ hội hiểu đầy đủ bảng cân đối kế toán khổng lồ và phức tạp của ngân hàng này. Lựa chọn còn lại là để cho Credit Suisse sụp đổ - điều mà chính các giám đốc của UBS lo rằng có thể thiêu rụi uy tín là một trung tâm ngân hàng toàn cầu của Thụy Sỹ.

Sau loạt cuộc gọi dồn dập và các cuộc họp do nhà chức trách Thụy Sỹ tổ chức tại Bern, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD. Chính phủ Thụy Sỹ đã vội vã sử dụng điều luật khẩn cấp để thúc đẩy thương vụ này, dù từng cam kết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 rằng sẽ không bao giờ dùng ngân sách để giải cứu ngân hàng.

“Credit Suisse không chỉ là một doanh nghiệp Thụy Sỹ mà là một phần của bản sắc Thụy Sỹ”, ông Thierry Burkart, người đứng đầu đảng Tự do cánh hữu - đảng lớn thứ ba tại Thụy Sỹ, nói. “Việc phá sản một ngân hàng toàn cầu của Thụy Sỹ sẽ lập tức tác động trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, uy tín của Thụy Sỹ sẽ chịu thiệt hại lâu dài và nặng nề”.

Cuộc khủng hoảng chóng vánh của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ đã làm chao đảo thị trường tài chính và gia tăng áp lực cho cuộc khủng hoảng ngân hàng đang nổ ra ở Mỹ với sự sụp đổ của ngân hàng Silion Valley Bank.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Thụy Sĩ có thể kiểm soát hoàn toàn thiệt hại hay không. Việc sở hữu 2 ngân hàng đẳng cấp được xem là một “phao cứu sinh” để duy trì vị thế của quốc gia này trên thị trường toàn cầu. Cuộc sáp nhập mang tính ép buộc giữa hai ngân hàng này đã khiến Thụy Sỹ chỉ còn một “phao cứu sinh” và làm lung lay niềm tin của cả những người dân bình thường về mô hình kinh tế, chính trị của đất nước.

“Nếu ngành ngân hàng chỉ còn một ngân hàng lớn, vậy sẽ ra sao nếu có trục trặc xảy ra”, ông Mark Pieth, từng làm giám đốc tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện làm việc tại Viện Quản trị Basel, đặt câu hỏi. “Khi đó, cả đất nước cũng như sự ổn định tài chính của nước sẽ rơi vào vòng nguy hiểm”.

NHIỆM VỤ GIẢI CỨU QUỐC GIA

Thụy Sỹ từ lâu tự xem mình là một trường hợp đặc biệt ở châu Âu: Một nước trung lập và sở hữu nền dân chủ nghiêm ngặt với các ngân hàng được xem là “thiên đường trú ẩn” kín đáo cho các nhà đầu tư cũng như người giàu trên thế giới. Hệ thống ngân hàng của nước này có quy mô gấp 5 lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) và lớn hơn hệ thống ngân hàng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Ngân hàng sau khi sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse có bảng cân đối kế toán lớn gấp 2 lần quy mô nền kinh tế Thụy Sỹ.

Suốt nhiều năm, chủ nghĩa ngoại lệ đã không tồn tại ở Thụy Sỹ. Sau năm 2008, Mỹ đã ban hành các đạo luật yêu cầu các ngân hàng Thụy Sỹ chuyển thông tin về các khách hàng Mỹ cho Sở Thuế vụ Mỹ. Đây được xem là một đòn giáng chí mạng vào sự kín đáo của hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ.

Mối quan hệ giữa Thụy Sỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trở nên căng thẳng sau khi nước này rút khỏi các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm nhằm ràng buộc Thụy Sỹ chặt hơn với EU.

Bên cạnh đó, Thụy Sỹ cũng đang chật vật để bảo vệ chính sách trung lập đã tồn tại suốt 200 năm qua trong bối cảnh xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine. Năm ngoái, Nga đã đưa Thụy Sỹ và “Danh sách các quốc gia không thân thiện” sau khi nước này - dưới áp lực của các nước láng giềng lớn hơn và Mỹ, đã cùng EU áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh thân cận.

Thụy Sỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh: Getty Images
Thụy Sỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh: Getty Images

Song song với đó, Thụy Sỹ cũng từ chối cho phép cấp phép cho Đức, Tây Ban Nha hoặc Đan Mạch xuất khẩu thiết bị quân sự của Thụy Sỹ sang Ukraine. Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc trung thành với thế trung lập của Thụy Sỹ có làm tổn hại danh tiếng của họ ở châu Âu hay không.

Từng là nơi không thể thiếu để tổ chức các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột của các cường quốc, Thụy Sỹ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ gạt ra khỏi vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Ukraine.

“Thụy Sỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, với thách thức lớn để được công nhận là một đối tác chiến lược của phương Tây”, cựu Tổng thống Thụy Sỹ, bà Micheline Calmy-Rey , nhận xét.

Tuần trước, đại sứ Mỹ tại Thụy Sỹ nói rằng quốc gia châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Các nhà đầu tư nước ngoài chịu thiệt hại do sự sụp đổ của Credit Suisse đang cân nhắc lại việc đầu tư của mình.

“Tuần trước, chúng tôi được trấn an rằng mọi thứ đều ổn”, ông Roger Köppel, biên tập viên tại tạp chí tuần Die Weltwoche và cũng là thành viên Đảng Nhân dân cánh hữu của Thụy Sỹ, nói. “Nhưng thực tế đã trở lại và đang giáng một đòn mạnh vào Thụy Sỹ”.

Từ thời Đức Quốc xã, Credit Suisse đã trở thành nơi cất giữ tiền cho các khách hàng đáng ngờ, bên cạnh những khách hàng hạng A gồm các tỷ phú, quỹ đầu tư quốc gia và các gia đình giàu có. Trong một vụ dàn xếp năm 2014 với Bộ Tư pháp Mỹ, ngân hàng này đã phải trả 2,6 tỷ USD và thừa nhận các nhân viên của mình đã giao tiền mặt và tiêu hủy tài liệu nhằm giúp nhiều người Mỹ che giấu tài sản.

Ngân hàng này cũng vướng phải nhiều vụ bê bối như một nhân viên ở London đã hối lộ để thực hiện khoản cho vay tại Mozambique, hay nhân viên giả mạo chữ ký của khách hàng và tham ô hàng trăm triệu USD. Gần đây hơn, năm 2021, Credit Suisse mất hơn 5 tỷ USD khi quỹ đầu tư Archegos Capital Management sụp đổ - bắt đầu chuỗi khủng hoảng trước khi ngân hàng này về tay UBS.

Trải qua nhiều vụ bê bối, các ngân hàng Thụy Sĩ, thậm chí cả Credit Suisse, vẫn duy trì được hình ảnh là “pháo đài” cho giới nhà giàu.

Bộ máy quản lý của Credit Suisse cũng có một số người từng làm việc tại UBS, bao gồm chủ tịch Axel Lehmann và CEO Ulrich Körner. Theo nguồn tin thân cận, ban lãnh đạo ngân hàng này đã cam kết kết làm sạch bộ máy và hồi sinh Credit Suisss như một nhiệm vụ quốc gia.

Cả thế giới giờ đây hướng sự quan tâm về Thụy Sỹ để xem nhiệm vụ nói trên có thể được hoàn thành hay không.