WTO sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ “gõ cửa” những thị trường mới
Bà Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc WTO khẳng định: "WTO có thể can thiệp giúp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vững vàng thông qua những quy định về thương mại nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đoán định được thương mại toàn cầu"...
Ngày 17/5, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng dự án SheTrades tại Việt Nam và Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) tổ chức cuộc “Gặp gỡ và đối thoại giữa bà Ngozi Okonjo Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với các nữ doanh nhân Việt Nam” trong khuôn khổ chuyến công tác của bà tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhấn mạnh đến vai trò cơ quan đầu mối của Việt Nam trong việc quản lý, thực hiện, điều phối các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại. Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực triển khai, phối hợp với cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tận dụng hỗ trợ kĩ thuật của các đối tác nước ngoài trong việc giúp đỡ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương của Việt Nam.
Đặc biệt, Cục đã và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ.
Trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), hai bên đã thành lập Văn phòng Dự án SheTrades Việt Nam nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp có mong muốn tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, cho rằng đây là cơ hội để các nữ doanh nhân, doanh nghiệp do nữ làm chủ Việt Nam được cập nhật thông tin về hoạt động của WTO, những chương trình, kế hoạch của WTO phối hợp với Việt Nam trong thúc đẩy và hỗ trợ doanh nhân nữ tham gia thương mại quốc tế và được tham vấn về những vấn đề mà doanh nhân nữ Việt Nam đang quan tâm.
Chủ tịch WeLead hy vọng và tin tưởng những chia sẻ của Tổng Giám đốc WTO sẽ là những kiến thức vô giá giúp cho các doanh nhân nữ Việt Nam vững tin hơn khi tham gia thương mại quốc tế.
Chia sẻ trước hơn 50 doanh nhân nữ Việt Nam, bà Ngozi Okonjo Iweala cho rằng Việt Nam có 26 triệu lao động nữ, là một trong top 15 quốc gia có tỷ lệ lao động nữ lớn nhất.
Đây là lần thứ 4 bà đến Việt Nam, mỗi lần đến bà đều thấy Việt Nam có sự cải thiện, phát triển mới. Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO (năm 2007) đã có rất nhiều tiến triển trong kinh tế và thương mại.
Việt Nam có nhiều cải cách trong vòng 2 thập kỷ qua, tăng 4 lần về GDP, thương mại tăng gấp 7 lần. Và sự phát triển của Việt Nam thông qua việc xuất khẩu hàng hoá ra thế giới, trong đó phải kể đến vai trò của các nữ doanh nhân. Việt Nam là ví dụ hết sức tuyệt vời cho các quốc gia đang phát triển khác.
Với nhiệm vụ của mình, bà Ngozi Okonjo Iweala khẳng định WTO có thể can thiệp giúp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vững vàng thông qua những quy định về thương mại nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đoán định được thương mại toàn cầu.
Ví dụ như xuất khẩu hàng hoá đến một quốc gia nào đó, sản phẩm sẽ phải chịu bất kỳ loại thuế quan nào đó từ quốc gia nhập khẩu, tuy nhiên nếu có thoả thuận với WTO sẽ đảm bảo các quy định thương mại là ổn định, biết được khi nhập khẩu vào thị trường đó sẽ có những quy định gì.
Bên cạnh đó, WTO có một số thoả thuận được ký kết gần đây đó là những dịch vụ trong nước liên quan tới doanh nghiệp nữ gồm những điều khoản, chương trình nghị sự. Cụ thể, những dịch vụ do phụ nữ cung cấp sẽ không bị phân biệt, đối xử.
Ngoài ra, WTO có một số quỹ để hỗ trợ những quốc gia kém phát triển nhưng Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình nên không được hưởng lợi từ quỹ này.
Tuy nhiên theo bà Ngozi Okonjo Iweala, WTO sẽ nỗ lực xây dựng năng lực, nâng cao quyền năng cho những doanh nhân nữ Việt Nam như đẩy mạnh tăng cường chất lượng sản phẩm, xử lý những thách thức doanh nghiệp nữ Việt Nam phải đối mặt, làm sao để họ “gõ cửa” được những thị trường mới…