Xả mạnh ở nhóm blue-chips, VN-Index mất 8 điểm, cổ phiếu đầu tư công ngược sóng
Mặc dù FED tăng lãi suất đêm qua đúng như thị trường dự kiến, nhưng tâm lý lo sợ chung tiếp tục tạo sức ép lên các thị trường tài chính khắp thế giới. Trong nước đà giảm tiếp tục sáng nay và càng về cuối phiên giảm càng mạnh. Nhóm cổ phiếu blue-chips rất yếu trong khi độ rộng tổng thể cũng tiêu cực. Duy có một số mã đi ngược dòng, bao gồm đầu tư công và một số cổ phiếu bất động sản...
Mặc dù FED tăng lãi suất đêm qua đúng như thị trường dự kiến, nhưng tâm lý lo sợ chung tiếp tục tạo sức ép lên các thị trường tài chính khắp thế giới. Trong nước đà giảm tiếp tục sáng nay và càng về cuối phiên giảm càng mạnh. Nhóm cổ phiếu blue-chips rất yếu trong khi độ rộng tổng thể cũng tiêu cực. Duy có một số mã đi ngược dòng, bao gồm đầu tư công và một số cổ phiếu bất động sản.
Thị trường khởi động yếu, với nhóm VN30 giảm chiếm ưu thế. Trọn phiên sáng chỉ số này đỏ, lúc tốt nhất độ rộng cũng chỉ có 11/30 mã tăng giá. Nửa sau phiên sáng các mã vốn hóa lớn nhất chìm sâu, độ rộng trước giờ nghỉ chỉ còn 7 mã tăng/23 mã giảm.
VCB giảm 1,55%, VHM giảm 2,02%, CTG giảm 1,91%, MSN giảm 2,33%, VNM giảm 1,57% là 5 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,99% nhưng có tới 15 mã giảm hơn 1%. NVL giảm 3,85%, MWG giảm 2,68%, PDR giảm 2,47% là những mã yếu nhất, dù lợi thế vốn hóa nhỏ nên ảnh hưởng tới chỉ số hạn chế. Nhóm tăng ngược dòng đáng kể chỉ có POW tăng 1,53%, BVH tăng 1,22%, ACB tăng 1,03%, FPT tăng 1,03%.
Độ rộng thay đổi theo thời gian trong diễn biến yếu sẵn từ đầu. Thời điểm mạnh nhất lúc 9h35, VN-Index giảm khoảng hơn 1 điểm, HoSE ghi nhận 153 mã tăng/155 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên sáng, độ rộng chỉ còn 131 mã tăng/244 mã giảm. Sàn này đang có 72 mã tăng trên 1% và 113 mã giảm trên 1%. Thanh khoản ở nhóm giảm trên 1% đang chiếm 31% tổng giá trị khớp của sàn, trong khi thanh khoản ở nhóm tăng trên 1% chiếm hơn 34%.
Như vậy nhìn từ góc độ thanh khoản thì bức tranh tăng giảm giá cũng không quá xấu. Tuy nhiên dòng tiền có vẻ đang tập trung quá mức vào một vài cổ phiếu. DIG tăng 1,87% với 290,5 tỷ đồng, KBC tăng 2,91% với 195,4 tỷ, VIX tăng 3,9% với 140,3 tỷ, HHV tăng 2,33% với 61,3 tỷ, BAF tăng 1,96% với 57,6 tỷ, LCG tăng 2,98% với 51,4 tỷ và AAA tăng 1,9% với 50,4 tỷ là các mã thanh khoản cao nhất nhóm này, chiếm 58% giao dịch cả nhóm.
Hiện tượng phân hóa tăng giảm nhìn từ độ rộng không rõ ràng, số mã giảm luôn áp đảo số tăng. Về lý thuyết độ rộng càng hẹp thì xác suất nhà đầu tư có cổ phiếu bị giảm giá càng cao lên. Với mức độ tập trung thanh khoản cao như mới nói ở trên, dòng tiền cũng đang “đánh” rất trọng điểm và các cổ phiếu còn lại tăng giá với nền thanh khoản thấp cũng có rủi ro kém ổn định.
Hiện tượng xả sáng nay cũng khá rõ, với thanh khoản hai sàn tăng 18% so với sáng phiên trước, đạt 4.951 tỷ đồng. HoSE tăng 17% đạt 4.375 tỷ đồng. Trong Top 20 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất sàn HoSE và chiếm 50% giao dịch sàn, thì một nửa là giảm giá, với NVL, HPG, STB, VNM, DXG, SBT đều rớt mạnh và thanh khoản cao.
Nhìn chung thị trường phân hóa ít nhưng tập trung được thanh khoản thì cơ hội chỉ đến với các nhà đầu tư chọn đúng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu điện, đầu tư công và một số mã bất động sản tăng ngược sóng sáng nay không mang tính đại diện, mà là các diễn biến đơn lẻ. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 ở nhóm tăng ngược sóng này cũng không có ảnh hưởng trực tiếp. Dòng tiền đổ vào mạnh là động lực duy nhất giúp giá tăng.
Khối ngoại sáng nay tăng mạnh giao dịch cũng là nguyên nhân giúp thanh khoản tăng. Dù tăng mạnh cả chiều mua lẫn bán, nhưng vị thế bán ròng cũng gia tăng theo. Cụ thể, khối này giải ngân trên HoSE 467,5 tỷ đồng, tăng 83% so với sáng hôm thứ Sáu tuần trước. Mức bán ra tăng tới 180%, đạt 638,2 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 170,7 tỷ đồng. VNM bị xả lớn nhất -23,11 tỷ, HPG -18,7 tỷ, CTG -13,1 tỷ. Phía mua có chứng chỉ quỹ FUEVFVND +30,6 tỷ, VPB +19,8 tỷ.