07:50 04/05/2023

Fed “rón rén” phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất sau 10 lần nâng không nghỉ

An Huy

Fed ngầm phát tín hiệu rằng đợt tăng lãi suất vào ngày 3/5 có thể là lần nâng cuối cùng trong chiến dịch thắt chặt lịch sử...

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 3/5 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 3/5 - Ảnh: Reuters.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là đã chuyển sang một giai đoạn mới của chính sách tiền tệ thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, khi ngầm phát tín hiệu rằng đợt tăng lãi suất vào ngày 3/5 có thể là lần nâng cuối cùng trong chiến dịch thắt chặt lịch sử. Dù chưa buông lỏng nhiệm vụ chống lạm phát, Fed bắt đầu dành sự quan tâm lớn hơn tới rủi ro về tín dụng và các rủi ro kinh tế khác.

Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Với lần nâng này, lãi suất cơ bản của Mỹ tăng lên mức 5-5,25%. Tuy nhiên, trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed không còn đề cập đến việc “dự kiến” rằng việc tăng thêm lãi suất là cần thiết.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, thay đổi này không đồng nghĩa hoàn toàn khép lại khả năng Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, trong họp báo ngày 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng câu hỏi ngỏ giờ đây là liệu việc tiếp tục tăng lãi suất có còn phù hợp đối với một nền kinh tế còn đương đầu với lạm phát cao nhưng cũng đã có những dấu hiệu của giảm tốc, và còn có những rủi ro thắt chặt tín dụng trong hệ thống ngân hàng đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

“Chúng tôi đã tới gần hơn, và thậm chí đã đến nơi rồi”, ông Powell đề cập đến việc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ - chu kỳ đã có 10 lần nâng lãi suất liên tiếp với tổng mức tăng tròn 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022 đến nay. Tiến độ tăng lãi suất như vậy là nhanh so với lịch sử của Fed, và giờ có lẽ là lúc Fed tạm dừng để sự thắt chặt này phát huy đầy đủ tác dụng trong việc hạ nhiệt nền kinh tế và lạm phát.

Sử dụng ngôn ngữ tương tự như đã dùng khi dừng chu kỳ thắt chặt vào năm 2006, Fed nói “trong quá trình xác định chính sách tiền tệ cần thắt chặt thêm bao nhiêu là phù hợp để đưa lạm phát về mức 2%, uỷ ban sẽ tính đến sự thắt chặt đã có, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với các hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như các diễn biến kinh tế và tài chính”.

Một vấn đề quan trọng ở thời điểm này là lạm phát và ảnh hưởng từ sự thắt chặt đã có mà giới chức Fed cảm nhận được vẫn còn đang biến động trong môi trường vừa có lãi suất cao, vừa có cuộc khủng hoảng ngân hàng với một loạt nhà băng liên tiếp đổ vỡ thời gian gần đây. Tại họp báo, ông Powell nói lạm phát vẫn là mối lo lớn nhất và bởi vậy, vẫn còn quá sớm để nói chắc “như đinh đóng cột” rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc.

“Chúng tôi sẵn sàng hành động thêm”, ông nói và lưu ý rằng các quyết sách trong các cuộc họp từ tháng 6 trở đi vẫn sẽ được đưa ra “theo từng lần họp một”.

Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cũng đẩy lui kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ông nói một động thái như vậy là điều khó xảy ra. “Uỷ ban có quan điểm rằng lạm phát sẽ không giảm quá nhanh, mà sẽ cần một thời gian. Trong điều kiện như vậy, nếu dự báo như vậy là đúng, thì việc cắt giảm lãi suất trong năm nay không phải là phù hợp”, ông Powell nhấn mạnh.

Lãi suất của Fed đã tăng lên gần bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Lãi suất của Fed đã tăng lên gần bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed nhất trí rằng “chính sách đã thắt chặt” và nói việc này đặt ra khả năng Fed đã tăng lãi suất tới mức đủ, nhất là khi xét đến sức ép đang gia tăng trong nền kinh tế, rủi ro các ngân hàng siết chặt việc cho vay có thể gây giảm tốc kinh tế nhiều hơn dự kiến, và những tia hy vọng còn sót lại của Fed rằng nền kinh tế có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Lãi suất chính sách của Fed giờ đây đã gần bằng mức ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 16 năm, và là mức mà phần lớn các quan chức của Fed dự báo hồi tháng 3 là “đủ thắt chặt” để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Lạm phát ở Mỹ hiện nay vẫn cao gấp hơn 2 lần so với mục tiêu đó.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang ở mức khiêm tốn, nhưng “các diễn biến gần đây có thể dẫn tới điều kiến tín dụng thắt chặt hơn đối với cả hộ gia đình và doanh nghiệp, đặt ra sức ép lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát” - Fed nói trong tuyên bố.

Dù vậy, Fed nói tăng trưởng việc làm vẫn “diễn ra mạnh mẽ”. Ông Powell thì lưu ý rằng một số dữ liệu gần đây cho thấy lượng việc làm đăng tuyển giảm xuống và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chậm lại, cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử, là những yếu tố củng cố quan điểm cho rằng nền kinh tế có thể giảm tốc mà không dẫn tới việc tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

“Theo quan điểm của tôi, khả năng tránh được một cuộc suy thoái là cao hơn có suy thoái”, ông Powell nói.

Những rủi ro xung quanh trần nợ Mỹ, khi hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Quốc hội nước này vẫn chưa thống nhất được việc nâng trần nợ giữa lúc Chính phủ sắp cạn tiền, cũng làm gia tăng cảm giác thận trọng đối với việc thắt chặt thêm điều kiện tài chính.

Sự dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ của Fed đã được nhanh chóng phản ánh trên thị trường lãi suất tương lai. Giới đầu cơ đang gia tăng đặt cược vào khả năng Fed không tăng lãi suất trong 2 cuộc họp tiếp theo.

“Đối với tôi, thay đổi quan trọng nhất trong cuộc họp này của Fed nằm ở việc Fed nói họ tin rằng việc cần thiết là xác định có cần tăng lãi suất thêm hay không, trong khi lần trước họ dự kiến việc tăng lãi suất thêm là cần thiết. Từ ‘xác định’ thay thế cho từ ‘dự kiến’, về bản chất, là thông báo với thị trường rằng Fed đã chuyển sang trạng thái dừng”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nói với Reuters.