Xả mạnh, VN-Index bốc hơi 2,15%, thanh khoản tăng vọt
Thị trường bất ngờ xuất hiện đợt bán mạnh chiều nay, đẩy thanh khoản tăng vọt gần 90% so với phiên sáng và cổ phiếu rớt giá hàng loạt. VN-Index giảm 23,45 điểm tương đương -2,15%, xác lập phiên giảm mạnh thứ hai kể từ khi rời đỉnh ngày 1/2 vừa qua...
Thị trường bất ngờ xuất hiện đợt bán mạnh chiều nay, đẩy thanh khoản tăng vọt gần 90% so với phiên sáng và cổ phiếu rớt giá hàng loạt. VN-Index giảm 23,45 điểm tương đương -2,15%, xác lập phiên giảm mạnh thứ hai kể từ khi rời đỉnh ngày 1/2 vừa qua.
Không có thêm thông tin xấu bất ngờ nào chiều nay, thị trường chỉ đơn giản là bị bán nhiều hơn. Hai sàn khớp lệnh tới gần 7.244 tỷ đồng, tăng 89% so với phiên sáng nhưng độ rộng co lại chỉ còn 77 mã tăng/342 mã giảm trên sàn HoSE.
Chốt phiên sáng sàn này mới có 137 mã tăng/221 mã giảm, tuy đà giảm áp đảo nhưng vẫn chưa quá xấu. Buổi sáng cũng mới có 88 cổ phiếu giảm dưới tham chiếu từ 1% trở lên, kết phiên đã là 200 mã. Rõ ràng không chỉ các chỉ số giảm sâu hơn, mà mặt bằng giá cổ phiếu cụ thể cũng hạ xuống.
VN30-Index kết phiên giảm 2,27% với duy nhất 5 mã còn tăng là TPB, PLX, GAS, FPT và STB. Trong đó TPB tăng 1,24% là cổ phiếu duy nhất đáng kể. Phía giảm có PDR rơi xuống tận giá sàn, HPG giảm 6,62%, NVL giảm 5,19%, GVR giảm 5,13% và 15 mã khác giảm trên 2%.
Nhóm blue-chips giảm sâu dĩ nhiên ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số. Tuy vậy đại đa số cổ phiếu khác cũng giảm mạnh chiều nay. Hơn 200 cổ phiếu giảm trên 1% với 12 mã giảm sàn xác nhận trạng thái bán mạnh trên diện rộng. Mặt khác, đà giảm giá này đi kèm với thanh khoản tăng vọt 89% so với buổi sáng. Một số mã bị xả cực lớn và giảm rất sâu: HSG giao dịch 371,3 tỷ đồng và giá rơi xuống mức sàn. NKG giao dịch 180,8 tỷ giá cũng tới mức sàn. HPG giảm 6,62% khớp 878,3 tỷ đồng; DXG giảm 5,93% giao dịch 125,7 tỷ; DIG giảm 5,66% giao dịch 142,1 tỷ...
Với mức thanh khoản tăng vọt, tâm lý đã thay đổi khá nhanh. Hôm qua nhịp đẩy tăng bất ngờ còn tạo hi vọng lớn, sáng nay tuy thị trường giảm nhưng mức giảm không rõ rệt. Chiều nay sức ép hoàn toàn khác biệt so với buổi sáng.
Xét về giá, nếu lượng hàng T+2,5 về tài khoản bán buổi sáng thì có thể hòa vốn hay lãi nhẹ, nhưng bán buổi chiều đa phần lỗ. Ngay cả lượng hàng bắt đáy cũng có xác suất lỗ rất cao. Như vậy nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ một cách chủ động hơn, bên bán hạ giá liên tục chiều này, càng về cuối phiên càng đẩy giá lùi sâu hơn.
Trong 77 mã còn tăng ngược dòng phiên này, áp lực bán cũng có ảnh hưởng nhất định. FRT giao dịch cực tốt buổi sáng, giá tăng 4,79%, chiều nay đóng cửa cũng chỉ còn tăng 4,25%. VCI từ chỗ tăng 2,39% buổi sáng, đóng cửa giảm 0,18%. Loạt cổ phiếu đảo chiều giảm tới 7-9% so với đỉnh buổi sáng như DRH, NKG, KSB, HHV, DXG, PDR, DBC, SCR...
Áp lực giảm từ nhóm blue-chips là rất rõ ràng, nhưng hôm nay không phải là phiên bán mạnh đầu tiên. Những phiên đi ngang trước đó cổ phiếu cũng đã điều chỉnh, chỉ là các trụ nâng đỡ chỉ số. Hôm nay các trụ đảo chiều mạnh đã tác động lớn đến điểm số. VN-Index mất hơn 23 điểm gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý chung. Nếu chỉ đơn giản các trụ giảm giá, độ rộng sẽ không hẹp như vậy và vẫn có những nhóm đi ngược dòng.
Khối ngoại tăng bán ra cũng là thay đổi khá bất ngờ. Chiều nay khối này xả 665,9 tỷ đồng trên HoSE và chỉ mua vào 702,9 tỷ đồng. Tuy vẫn là mua ròng nhưng quy mô mua vào đã giảm đi, trong khi bán tăng nhẹ. Mức ròng cả ngày chỉ khoảng 34,9 tỷ. STB được mua ròng 176 tỷ đồng và CTG +34,9 tỷ, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 +34,8 tỷ là các mã duy nhất đáng kể. Phía bán có cả loạt cổ phiếu như HPG, VCB, VND, VHM, HSG, SHB, DGC, SSI, NKG bị bán ròng trên 20 tỷ đồng.
Phiên giảm hôm nay là tín hiệu thứ hai sau phiên ngày 1/2 vừa qua đi kèm với thanh khoản tăng. Tổng mức khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay đạt 11.082 tỷ đồng, tăng 39% so với hôm qua. Điều này cho thấy lại có thêm hành động bán quyết liệt xuất hiện. VN-Index mất hơn 23 điểm rơi xuống ngưỡng 1065,84 điểm, tức là giảm vượt qua biên độ dao động của 3 phiên đi ngang trước đó. Đây sẽ là một tín hiệu kỹ thuật bất lợi. Thanh khoản thấp trong các nhịp tăng giá, nhưng lại cao trong các nhịp giảm giá. Nhà đầu tư đã từ chối mua giá cao và chịu sức ép cắt lỗ khi giá giảm.