Xây dựng Đề án lập Viện Vaccine quốc gia
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine…
Chỉ đạo trên được nêu trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Y tế về một số nội dung khoa học công nghệ ngành Y tế hôm 18/7.
Theo đó, Viện Vaccine quốc gia sẽ được thành lập trên cơ sở rà soát, sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp trong nghiên cứu của Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chỉ đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện xây dựng đề án thí điểm thành lập, kiện toàn các đơn vị phù hợp với chức năng, định hướng phát triển, bảo đảm hoạt động hiệu quả. Bộ Y tế chỉ đạo, hỗ trợ việc thành lập, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành Y tế, đặc biệt là công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế chủ động đề xuất các nhiệm vụ với Bộ Khoa học và Công nghệ để đặt hàng và ưu tiên kinh phí hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định.
Đối với các dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống đại dịch, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng có thể hỗ trợ ở mức tối đa đến 100% tổng mức kinh phí đầu tư.
Thời gian qua, Việt Nam đã bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng 11/12 loại vaccine, xuất khẩu sang 10 nước, góp phần bảo đảm an ninh vaccine quốc gia.
Việt Nam cũng đã tiếp thu, làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm…
Tuy nhiên, khoa học công nghệ trong ngành Y tế chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, mới chỉ tập trung ở các trung tâm, thành phố lớn; nghiên cứu còn nhỏ lẻ, trang thiết bị còn thiếu và không đồng bộ do không được đầu tư...
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu còn thấp, chưa khai thác được hết tiềm năng của y học cổ truyền, thị trường chủ yếu là các nước kém phát triển. Các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn còn chưa được coi trọng. Còn ít nghiên cứu tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế và ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Các tồn tại trên một phần là do các khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách và đầu tư.