Xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch
Tập trung phát huy các giá trị di sản văn hóa của thành phố Hội An nhằm kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị Hội An theo kiểu mẫu cấu trúc “Phố - Làng”...
Sáng 6/7, tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 12, khóa XXII, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã trình bày Tờ trình số 66-TTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030.
Theo Tờ trình, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân.
Hội An tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, là thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh Quảng Nam; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Cùng đó là xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và khu du lịch quốc gia.
Kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc “Phố - Làng”; đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước.
Tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, “Điểm đến thành phố văn hoá hàng đầu” của thế giới, phấn đấu theo mô hình đô thị kiểu mẫu “thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt”.
Trình bày Tờ trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhấn mạnh những năm qua dù đã đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát triển nhưng công tác quy hoạch và thu hút nguồn lực đầu tư của Hội An không theo kịp nhu cầu phát triển, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, mất cân bằng trong phát triển đang đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, Nghị quyết ra đời kỳ vọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, lấy sinh thái văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển”, “phát triển để bảo tồn”.
Về kinh tế, theo Nghị quyết, Hội An sẽ cơ cấu lại kinh tế theo hướng đa ngành, liên ngành trong đó kinh tế du lịch đóng vai trò mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch bền vững với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm từ 13,5% - 14%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng; không có hộ nghèo trên địa bàn thành phố, không có người ăn xin. Giá trị sản xuất ngành du lịch tăng bình quân trên 10%/năm, tổng lượt khách đến Hội An đạt từ 3 - 4 triệu lượt/năm, tổng lượt khách lưu trú tăng bình quân 7%/năm.
Thành phố Hội An nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn có diện tích tự nhiên là 6.354 ha; dân số 100.503 người; có 13 đơn vị hành chính trực thuộc (09 phường và 04 xã). Cách đất liền 15 km là xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), gồm nhiều đảo lớn nhỏ với diện tích 1.654 ha.
Diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di sản văn hóa Hội An khá đa dạng, phong phú và đậm bản sắc đặc trưng. Khu phố cổ Hội An là di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Những năm gần đây, Hội An được chọn là nơi tổ chức các lễ hội hiện đại, các sự kiện chính trị, văn hóa - du lịch mang tầm khu vực, quốc gia, quốc tế, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư và du khách.
Để cụ thể hóa Nghị quyết, Tờ trình cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, đổi mới tư duy… nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tranh thủ huy động nguồn lực để bảo tồn, phát huy môi trường sinh thái, các giá trị di sản văn hóa của Hội An, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đề ra và bảo đảm sự phát triển bền vững của Hội An trong những năm tới.