Xu hướng áp dụng công nghệ AI trong ngành làm đẹp
Từ y tế đến du lịch, nhiều ngành công nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ AI nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ngành làm đẹp cũng không phải là ngoại lệ…
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lực lượng chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực và đã ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp làm đẹp. Ngày nay, thế hệ người tiêu dùng hiện đại đã quen thuộc với những giải pháp chăm sóc da cá nhân hóa hay việc thử trang điểm ảo - tất cả đều nhờ AI, công nghệ đang cách mạng hóa cách mọi người tương tác với mỹ phẩm và làm đẹp.
Với khả năng tiếp cận lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ, các công cụ AI không chỉ giúp nhận diện xu hướng, tối ưu hóa công thức mà còn có thể gợi ý những sản phẩm hoàn toàn mới, phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của InsightAce Analytic, quy mô thị trường AI trong ngành làm đẹp và mỹ phẩm toàn cầu dự kiến đạt 13,34 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ấn tượng 19,7% trong giai đoạn 2021 – 2030.
Nhờ những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ AI và đặc thù của ngành làm đẹp - một thị trường được cá nhân hóa cao, hấp dẫn và tạo ra khối lượng dữ liệu lớn - AI được xem như giải pháp tối ưu để xử lý những thách thức phức tạp. Điều này đã thúc đẩy các công ty mỹ phẩm đưa ra các chiến lược dựa trên dữ liệu nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Sự tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo trong thị trường làm đẹp và mỹ phẩm có thể được lý giải bởi việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI vào lĩnh vực này. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm làm đẹp cùng những tiến bộ công nghệ được dự đoán sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của AI trong ngành hàng làm đẹp.
PHÁT TRIỂN MẠNH TRONG HẠNG MỤC MARKETING
AI đang thay đổi hoàn toàn diện mạo của ngành tiếp thị làm đẹp, mở ra kỷ nguyên mới về tương tác và cá nhân hóa khách hàng. Các công cụ thử nghiệm sản phẩm ảo, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và thực tế ảo (AR) cho phép người tiêu dùng hình dung sản phẩm sẽ trông như thế nào trên làn da của mình trước khi mua, mang lại trải nghiệm mua sắm sản phẩm làm đẹp phong phú và tiện lợi hơn.
Nhà phân phối mỹ phẩm Sephora đã tiên phong trong việc áp dụng AI với tính năng Virtual Artist, một công cụ thực tế tăng cường (AR) cho phép khách hàng thử nghiệm sản phẩm trang điểm ảo bằng cách quét khuôn mặt. Công nghệ AI phân tích các đặc điểm khuôn mặt và tông màu da của người dùng để gợi ý sản phẩm phù hợp, từ đó nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Chiến dịch này giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt hơn, góp phần tăng doanh số bán hàng và giảm tỷ lệ trả lại sản phẩm.
Trong khi đó, L'Oréal cũng đã triển khai nhiều sáng kiến AI, nổi bật là Smart Skin Scan – một công cụ cung cấp các khuyến nghị chăm sóc da cá nhân hóa dựa trên chẩn đoán tình trạng da chuyên sâu. Công cụ này phân tích tình trạng da và sở thích cá nhân của khách hàng để đề xuất sản phẩm phù hợp, nâng cao trải nghiệm mua sắm cả trực tuyến lẫn tại cửa hàng. Việc tích hợp AI vào chiến lược tiếp thị giúp L'Oréal hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đổi mới các giải pháp giúp đáp ứng yêu cầu của thị trường một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh các công nghệ tiên tiến, chatbot ứng dụng AI đang cách mạng hóa dịch vụ khách hàng bằng cách cung cấp hỗ trợ tức thời và tư vấn làm đẹp cá nhân hóa 24/7. Sự sẵn sàng hoạt động không ngừng này giúp tối ưu hóa tương tác và đảm bảo khách hàng nhận được sự hỗ trợ cần thiết bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, các công cụ phân tích dự đoán còn giúp thương hiệu đón đầu xu hướng và hành vi người tiêu dùng, hỗ trợ đưa ra các quyết định sáng suốt trong việc phát triển sản phẩm và xây dựng chiến lược tiếp thị.
Có thể kể đến Estée Lauder đã ra mắt chatbot tương tác đóng vai trò như một chuyên gia làm đẹp số, hướng dẫn người dùng chọn sản phẩm dựa trên sở thích và loại da của họ. Công cụ AI này không chỉ hỗ trợ khách hàng đưa ra lựa chọn sản phẩm mà còn nâng cao trải nghiệm mua sắm thông qua các gợi ý sản phẩm cá nhân hóa và các mẹo làm đẹp, tạo nên một hành trình mua sắm hấp dẫn và tương tác hơn.
Ngoài ra, thương hiệu này vào năm 2023 đã ra mắt một ứng dụng sử dụng AR và AI để phân tích khuôn mặt của người dùng, đề xuất phản hồi bằng âm thanh để đánh giá lớp trang điểm và xác định các khu vực cần chỉnh sửa. Ứng dụng này được hình thành nhằm mục đích giúp những người khiếm thị chủ động và tự tin hơn khi trang điểm.
KIẾN TẠO TƯƠNG LAI NGÀNH LÀM ĐẸP
Bằng cách tận dụng sức mạnh của phân tích dữ liệu, các thuật toán AI cung cấp những gợi ý sản phẩm phù hợp với sở thích cá nhân, qua đó nâng cao đáng kể sự hài lòng của khách hàng và thúc đẩy tỷ lệ mua hàng. Đây cũng chính là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại sự kiện Beauty Summit 2024, diễn ra vào ngày 5 - 6/12 vừa qua tại Hà Nội.
“Công cụ phân tích dữ liệu là chìa khóa để khai thác thông tin và đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả trong ngành làm đẹp. Từ việc phân tích dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích, hành vi mua sắm, từ đó đưa ra các chiến lược tiếp thị phù hợp và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tony Dzung, chủ tịch HBR Holding, nhận định trong một phiên thảo luận tại sự kiện.
Với chủ đề "AI Revolution - Kiến tạo tương lai ngành làm đẹp cùng AI", Beauty Summit 2024 thu hút hơn 3.000 khách hàng tham dự cùng 102 gian hàng trưng bày từ các thương hiệu mỹ phẩm, thiết bị hàng đầu trong nước và quốc tế. Sự kiện tập trung vào các trải nghiệm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực làm đẹp, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sắc đẹp, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, đưa ra nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành như tối ưu nhân sự và đạt được hiệu quả kinh doanh tối đa nhờ các giải pháp từ công nghệ. Từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Ông Thân Minh Hoàng, Trưởng ban tổ chức Beauty Summit 2024 khẳng định công nghệ AI đang tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong ngành làm đẹp, không chỉ ở cấp độ cá nhân hóa dịch vụ, mà còn trong quản trị doanh nghiệp và phát triển sản phẩm.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Thái Lai, Giám đốc Trung tâm truyền thông Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng Chương trình sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động thương mại trong ngành làm đẹp, thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ và quy trình tiên tiến. Đồng thời, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế của ngành làm đẹp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Beauty Summit 2024 dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên và không ngừng khẳng định vai trò như một động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành làm đẹp. Sự kiện này minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng lớn của ngành trong nền kinh tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác và mở rộng kinh doanh giữa các bên.