06:04 21/04/2021

Xử lý triệt để tình trạng đầu cơ, nâng giá vật liệu cao tốc Bắc – Nam

Ánh Tuyết

Đảm bảo công trình trọng điểm cao tốc Bắc – Nam về đích đúng tiến độ, Thủ tướng kiên quyết nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng

Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam
Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo chung về nguồn vật liệu của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Bộ triển khai thực hiện với 11 dự án thành phần, tổng chiều dài 654 km, đi qua địa bàn 13 tỉnh. 

Nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án với khối lượng rất lớn. Cụ thể, khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án, một số nhà thầu sau khi trúng thầu và triển khai thi công có phản ánh với chủ đầu tư, ban quản lý dự án về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo nhu cầu của dự án.

Lý do là, các mỏ đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác của địa phương đang triển khai xây dựng, dẫn đến các nhà thầu tranh mua mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành và công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp so với tiến độ yêu cầu. Một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép. Một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Một số mỏ do tư nhân đang khai thác chưa sẵn sàng ký kết hợp đồng để chờ giá lên cao…

Mặc dù việc giải phóng mặt bằng khá tốt nhưng hiện các vướng mắc nổi cộm của dự án này lại là việc thiếu nguồn vật liệu đất cho thi công. Đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022.

Thực tế nguồn vật liệu cung cấp cho dự án không thiếu về trữ lượng. Một số khó khăn vừa qua là do nhu cầu vật liệu tăng cao đột biến để phục vụ xây dựng dự án. Thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo quy định cần nhiều thời gian, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương rút ngắn thời gian và thủ tục tại văn bản nêu trên, công tác quản lý nhà nước về giá vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo các tỉnh và các sở, ngành liên quan của địa phương.

Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Đồng thời, nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.

Vào giữa tháng 4, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có buổi làm việc với đại diện UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An và các đơn vị của Bộ GTVT về tình hình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, nguồn vật liệu phục vụ thi công. Qua đó, giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ Nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù việc giải phóng mặt bằng khá tốt nhưng hiện các vướng mắc nổi cộm của dự án này lại là việc thiếu nguồn vật liệu đất cho thi công. Đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022. Đề nghị các địa phương trong thẩm quyền phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ.