15:27 07/11/2021

Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ

Nguyễn Hoàng

Tuần đầu tiên kể từ khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử thành công lại không gắn liền với đà đi lên của các blue-chips dẫn dắt. Thay vào đó là sự bùng nổ của các cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ, đặc biệt các mã trên sàn UpCOM...

Chỉ số VnSmallcap trên đồ thị tuần đang tăng dựng đứng.
Chỉ số VnSmallcap trên đồ thị tuần đang tăng dựng đứng.

Tuần đầu tiên kể từ khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử thành công lại không gắn liền với đà đi lên của các blue-chips dẫn dắt. Thay vào đó là sự bùng nổ của các cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ, đặc biệt các mã trên sàn UpCOM.

Các chuyên gia đều cho rằng hiệu ứng của dòng tiền đang quá mạnh và là yếu tố quyết định. Thị trường xác lập kỷ lục thanh khoản tuần qua và số liệu mới nhất về số lượng tài khoản cá nhân mở trong tháng 10 là bằng chứng về dòng tiền mới gia nhập. Dòng vốn này đang chịu sức ép giải ngân và các lợi nhuận tăng rất nhanh ở các cổ phiếu nhỏ tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Các chuyên gia cũng không cho rằng yếu tố đầu cơ là xấu trên thị trường, vì giá đang ở giai đoạn vận động theo sức mạnh dòng tiền. Nhiều cổ phiếu có yếu tố cơ bản kém vẫn tăng giá là điều bình thường, khi tâm lý FOMO – sợ nhỡ tàu – vẫn đang dâng cao. Đó là lý do tại sao biên độ 15% ở sàn UpCOM đột nhiên trở thành tâm điểm quan tâm của nhà đầu tư.

Mặc dù về mặt thị trường, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể nương theo dòng tiền trong các giao dịch ngắn hạn, nhưng cũng nên tìm hiểu nhất định về doanh nghiệp để nắm được những yếu tố cơ bản. Tâm lý mua đuổi giá sẽ có rủi ro cao; các cổ phiếu chưa tăng nóng, có quá trình tích lũy hay mô hình kỹ thuật đẹp sẽ an toàn hơn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị có đề cập đến hiệu ứng FOMO và tuần này xác lập kỷ lục thanh khoản trên thị trường cao đến mức bất ngờ, dường như dòng tiền đã được khai thông. Tuy nhiên trong quá khứ cũng có những tuần thanh khoản đột biến cao nhưng thiếu ổn định. Anh chị đánh giá cơ hội thu hút dòng tiền lần này có bền vững hơn?

 
Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ - Ảnh 1

Tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn của dòng tiền, dòng tiền và dòng tiền. Có lẽ đây là câu “thần chú” giai đoạn hiện tại của thị trường. Những cổ phiếu hay nhóm ngành nào có dòng tiền vào đều sẽ tăng giá rất nhanh và mạnh tạo hiệu ứng FOMO.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi cơ hội thu hút dòng tiền lần này bền vững hơn những giai đoạn trước đó khi: thị trường vượt đỉnh là tâm điểm thu hút mọi sự chú ý của người dân điều đó thể hiện rõ ở số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng so với giai đoạn trước đó tháng 10 đạt gần 130.000 tài khoản mở mới và thời gian tới khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao tạo tiền đề dòng tiền mới tiếp tục tham gia thị trường.

Thêm vào đó là nhiều nhà đầu tư cũ sẽ tiếp tục tham gia thị trường với nguồn vốn lớn hơn giai đoạn trước đó khi cơ hội gia tăng lợi nhuận đang nhiều và khá dễ dàng.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Chỉ số VN-Index tăng 7,6% trong tháng 10 và lọt Top các thị trường có mức tăng trưởng mạnh trên thế giới, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt 27.371 tỷ đồng. Ngay tuần đầu tiên tháng 11, thanh khoản thị trường đã gây “choáng” khi tăng lên mức 38.932 tỷ đồng/phiên nhờ hiệu ứng chỉ số liên tiếp lập các đỉnh cao mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Như vậy, đã có dòng tiền mới đổ vào thị trường, trong đó số liệu về lượng tài khoản mở mới trong tháng 10 và chuỗi 8 tháng liên tiếp số lượng tài khoản này vượt mốc 100.000 là minh chứng cho kênh chứng khoán đang trở thành vùng trũng hút tiền.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 đã kết thúc với các con số tăng trưởng vượt mức kỳ vọng của thị trường, hoàn toàn trái ngược với các lo ngại trước đó về việc các doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đây là động lực chính hỗ trợ dòng tiền vào thị trường trong thời gian qua, bên cạnh các thông tin liên quan đến các gói kích thích kinh tế.

Nhìn chung, tôi không cho rằng diễn biến tăng của thị trường ở thời điểm hiện tại là thiếu bền vững. Dù vậy, các yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn, đặc biệt liên quan đến số ca nhiễm mới Covid có dấu hiệu tăng khi Việt Nam dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Ngoài ra, việc thị trường kỳ vọng quá cao vào các gói kích thích kinh tế đã hỗ trợ mạnh cho 1 số ngành hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, có thể trở thành yếu tố rủi ro nếu quy mô gói kích thích thực tế không được như kỳ vọng.

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Có thể nói, sự “đứt gãy” chỉ số trong hơn 40 phiên giao dịch trước ngưỡng 1.400 điểm như đã đề cập nguyên nhân đến từ sự thiếu động lực ở nhóm ngân hàng, nhóm ngành chiếm  tới 40% vốn hóa thị trường đã chấm dứt khi phiên giao dịch khép lại quý 3 (27/10/2021) chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.432 điểm, bứt phá thành công ngưỡng kháng cự 1400-1425 điểm, mở ra xu hướng tăng cho  thị trường.

Cây nến tăng dạng “Marubozu” ở phiên giao dịch cuối quý kèm theo GAP tăng giá là điểm nhấn xác nhận kênh tăng ngắn hạn với độ tin cậy cao. Mới đây nhà đầu tư cũng chứng kiến thanh khoản toàn thị trường chứng khoán lên mức kỷ lục lịch sử với gần 52.000 tỉ đồng (tương đương 2,3 tỉ USD trong phiên 3-11). Điều này chứng tỏ dòng tiền nội đã thực sự trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ, bất chấp khối ngoại liên tục bán ròng suốt nhiều tháng qua. Dòng tiền nội đã đưa thị trường lập đỉnh cả về giá trị lẫn thanh khoản. Đây là một tín hiệu tích cực và vững chắc.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng có lẽ thị trường vẫn cần 1 nhịp điều chỉnh tích lũy trước khi có thể tái lập các kỷ lục thanh khoản trong các tháng tới. Tôi vẫn tin tưởng sự hấp dẫn của chứng khoán, cơ hội luôn tồn tại, thị trường sẽ có điều chỉnh và tăng trở lại các điểm cao mới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index tăng hơn 12 điểm trong tuần có dấu ấn khá rõ của các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhiều blue-chips vẫn bị chốt lời mạnh, VN30-Index tăng rất nhẹ. Nhóm cổ phiếu nhỏ, ngược lại, tuy cũng chỉ có một phiên chao đảo mạnh ngày 3/11 và phục hồi khá nhanh. Thậm chí doanh nghiệp kết quả kinh doanh kém quý 3 giá vẫn tăng rất mạnh, thanh khoản cao. Có thể lý giải hiện tượng này như thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ - Ảnh 3

Tư duy thị trường đánh đổi “trụ” để kéo chỉ số tăng trưởng đã “lạc hậu” ở thời điểm hiện tại. Với trạng thái dòng tiền xoay vòng liên tục ở các nhóm ngành khác nhau trong từng phiên giao dịch tuần rồi và đưa chỉ số lập đỉnh đã khiến không ít nhà đầu tư trở nên bối rối...

Ông Lê Minh Nguyên

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Với việc giá trị giao dịch thị trường tuần qua có phiên đạt kỷ lục xấp xỉ 2 tỷ USD, hoạt động mua/bán diễn ra sôi động khiến các nhóm cổ phiếu biến động mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có diễn biến nhìn chung khá hợp lý với sự phân hoá mạnh phụ thuộc vào mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 và những kỳ vọng về tăng trường trong quý 4.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản có biến động bất thường và mang tính đầu cơ, thiếu bền vững hơn với khá nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh yếu kém vẫn tăng giá mạnh, với các kỳ vọng chưa rõ ràng về việc hưởng lợi các gói kích thích kinh tế, đầu tư công.

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Theo tôi dòng tiền bắt đầu vào trở lại đối với những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt trong quý 4 khi nới lỏng giãn cách dù được dự báo có kết quả kinh doanh Q3 kém khả quan.

Đáng chú ý với nhóm bất động sản đã có nhịp biến động mạnh với thanh khoản lớn sau trường hợp tăng giá của cổ phiếu HDC (từ giá 14.000 đồng trong năm 2020 lên hơn 100.000 đồng), tư duy về định giá cổ phiếu bằng giá trị quỹ đất doanh nghiệp nắm giữ, hàng tồn kho lớn ở thời điểm hiện tại, khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản  tăng mạnh.

Thêm vào đó, nhịp tăng nóng của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, thực phẩm bán lẻ, chăn nuôi, nông sản – thủy sản, đang phản ánh phần nào lo ngai về rủi ro lạm phát, làn sóng trú ẩn vào đất, đón đầu giá cả hàng hóa tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt dịp Tết 2022 là điều làm cho  kỳ vọng vào lợi nhuận đột biến ở các nhóm ngành trên tăng mạnh, giá cổ phiếu phi mã.

Đáng nói hơn, sự manh nha tăng giá thịt theo hơi trong nửa cuối tháng 10/2021 và biến động tăng giá giao ngay hàng hóa thực phẩm khiến lo ngại về lạm phát trong giai đoạn cuối năm dâng cao.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn của dòng tiền, dòng tiền và dòng tiền. Có lẽ đây là câu “thần chú” giai đoạn hiện tại của thị trường. Những cổ phiếu hay nhóm ngành nào có dòng tiền vào đều sẽ tăng giá rất nhanh và mạnh tạo hiệu ứng FOMO trên thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Dù nhóm cổ phiếu blue-chips hay nhóm Vn30 đã đi ngang suốt 3 tháng qua nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn từ chối cơ hội ở nhóm này, trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ liên tục lập các đỉnh cao mới đã lôi kéo được dòng tiền mang tính đầu cơ cao, khiến lợi nhuận hấp dẫn hơn so với nhóm bluechips chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang.

Bên cạnh đó, lượng vốn đọng lại ở nhóm bluechips lớn, đồng nghĩa với lượng cung nhiều, giá khó có thể tăng dài như ở nhóm cổ phiếu nhỏ với cùng một lượng cầu. Theo thống kê, thanh khoản thị trường đã tăng lên mức kỷ lục, tương đồng với thanh khoản ở nhóm midcap và smallcap tuần vừa qua nhưng thanh khoản ở nhóm Vn30 vẫn thấp hơn cả đỉnh tháng 7 và tháng 8.

 
Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ - Ảnh 4

Theo tôi có lẽ thị trường vẫn cần 1 nhịp điều chỉnh tích lũy trước khi có thể tái lập các kỷ lục thanh khoản trong các tháng tiếp theo. Nhà đầu tư vẫn cần cảnh giác với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, hiệu quả kinh doanh yếu. 

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Thực chất là dòng tiền tham gia vào thị trường bên cạnh việc mặt bằng chung các cổ phiếu được thiết lập ở vùng giá mới – nhiều cổ phiếu có những thông tin hỗ trợ, dự án mới, quỹ đất, tái cấu trúc hay câu chuyện M&A cũng hấp dẫn dòng tiền tìm kiếm các cơ hội. Tuy nhiên, dòng tiền kích hoạt đà tăng giá của hầu như tất cả các cổ phiếu tốt, xấu, vốn hóa lớn hay vốn hóa vừa và nhỏ. Các nhóm cổ phiếu vẫn tăng điểm tích lũy, điều chỉnh luôn phiên để neo giữ chỉ số. Dòng tiền chốt lời từ nhóm cổ phiếu bất động sản lại quay sang tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu dịch vụ tài chính, xây dựng xây lắp...

Nhà đầu tư vẫn cần cảnh giác với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, hiệu quả kinh doanh yếu. Nếu có cơ hội hãy chọn lựa các cơ hội đầu tư tốt nhất để tránh rủi ro ở các đợt điều chỉnh lớn của thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Về mặt kỹ thuật VN-Index đang đi đúng dự kiến của anh chị, cuối tuần chỉ số đã đạt 1456,51 điểm và mốc 1.500 điểm không còn xa. Với động lực dòng tiền gia tăng vượt kỷ lục, anh chị có thay đổi quan điểm ngắn hạn của mình hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ - Ảnh 5

Chỉ số có thể dao động hoặc tiếp tục đi lên nhưng ít được chú ý hơn là việc tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ nhất là trong bối cảnh thanh khoản đã được nâng lên ở tầm cao mới.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của tuần trước: thị trường tăng lên ngưỡng quanh 1.475 sau đó sẽ điều chỉnh test lại đỉnh cũ quanh 1.420 điểm, sau đó có tăng lên ngưỡng 1.520 hoặc 1.540 sẽ có điều chỉnh. Nếu thị trường vượt 1.500 điều chỉnh khả năng cao chỉ để test lại 1.500 rồi sẽ lên tiếp; kịch bản tăng mạnh rất có thể sẽ xảy ra.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Chỉ số VN-Index tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp trong chuỗi tăng 4/5 tuần vừa qua, đà tăng ở chỉ số đang được hỗ trợ bởi thanh khoản ngày càng cao và được nâng đỡ bởi các trụ. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng có xu hướng xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu như: ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp),…

Tuy vậy cơ hội lại chủ yếu nằm ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ. Do vậy, chỉ số có thể dao động hoặc tiếp tục đi lên nhưng ít được chú ý hơn là việc tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ nhất là trong bối cảnh thanh khoản đã được nâng lên ở tầm cao mới.

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Sau khi vượt mốc 1.400 một cách thuyết phục, tôi thấy rằng tâm lý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua được duy trì khá tốt giúp cho chỉ số chung duy trì được đà hưng phấn. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng đã bắt đầu hiện hữu và khiến cho đà tăng của chỉ số bị thu hẹp phần nào. Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới.

Sự kiểm định các cột mốc chỉ số là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Mặc dù vậy, tôi vẫn đánh giá thị trường đang diễn biến khá tích cực và nhà đầu tư có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và ưu tiên chiến lược lướt sóng theo các nhịp tăng giảm trong phiên của thị trường và chú trọng quản trị rủi ro danh mục.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi thị trường có thể điều chỉnh trong tuần tới nhưng các nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng – quan trọng nhất vẫn là câu chuyện lựa chọn và nắm giữ cổ phiếu đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư cổ phiếu phổ thông.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Rung lắc mạnh nhưng nhìn chung cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu đầu cơ tuần qua vẫn đem lại lợi nhuận dễ dàng nhất, thậm chí biên độ tăng ở sàn UpCom còn “khủng khiếp”. Mặt khác thị phần giao dịch của các blue-chips đang “lép vế”, tuần này thậm chí xuống dưới 30% sàn HoSE, giá lại tăng yếu. Theo anh chị, nhà đầu tư nên phân bổ vốn như thế nào?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng đối với nhà đầu tư cá nhân thường nắm giữ trung bình khoảng 3-5 cổ phiếu thì không cần thiết tuân theo nguyên tắc phân bổ tỷ trọng vào nhóm vốn hoá nhỏ hay vốn hoá lớn. Điều quan trọng là nên nắm giữ những doanh nghiệp mình có sự am hiểu nhất định và tránh đầu cơ theo trào lưu, xu hướng ở những doanh nghiệp cơ bản yếu.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần sau, lượng lớn cổ phiếu ở phiên giao dịch kỷ lục sẽ về tài khoản, hiện cơ hội đi tiếp ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn có triển vọng sáng hơn ở nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là ở sàn Upcom. Do vậy, nhà đầu tư có thể dành 1 tỷ trọng vốn vừa phải cho nhóm cổ phiếu đang có sóng này, trong khi có thể mua gom ở nhóm cổ phiếu bluechips ở các nhịp điều chỉnh trong phiên.

 
Xu thế dòng tiền: Hiệu ứng FOMO gây “bão” tăng giá cổ phiếu nhỏ - Ảnh 6

Nhà đầu tư cá nhân thường nắm giữ trung bình khoảng 3-5 cổ phiếu thì không cần thiết tuân theo nguyên tắc phân bổ tỷ trọng vào nhóm vốn hoá nhỏ hay vốn hoá lớn. Điều quan trọng là nên nắm giữ những doanh nghiệp mình có sự am hiểu nhất định và tránh đầu cơ theo trào lưu.

Ông Trần Đức Anh

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Tư duy thị trường đánh đổi “trụ” để kéo chỉ số tăng trưởng đã “lạc hậu” ở thời điểm hiện tại. Với trạng thái dòng tiền xoay vòng liên tục ở các nhóm ngành khác nhau trong từng phiên giao dịch tuần rồi và đưa chỉ số lập đỉnh đã khiến không ít nhà đầu tư trở nên bối rối khi thậm chí không đủ nhanh tay để chốt lời cổ phiếu.

Quan điểm giao dịch nhanh, phân bổ rộng trên nhiều nhóm ngành được ưu tiên thực hiện trong hơn 1 tháng qua đã mang lại hiệu suất đầu tư cao trong danh mục khách hàng của chúng tôi. Tuy nhiên, ở vùng điểm đỉnh hiện tại, việc giải ngân mới trở nên khá rủi ro. Vì vậy nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc giải ngân mới, chiến lược canh mua trên nền giá đang được tích lũy chặt chẽ phần nào sẽ giảm thiểu được các rủi ro trên, tuy nhiên sẽ không phù hợp với các hoạt động có nhu cầu giải ngân tỷ trọng lớn và có sự dụng margin vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Thanh khoản và giá tăng ở các cổ phiếu Upcom là điều khá dễ hiểu khi hầu hết các công ty chứng khoán đều căng nguồn margin nên nhiều nhà đầu tư hướng đến các doanh nghiệp tốt ở sàn này biên độ 15% trong phiên rất hấp dẫn.

Giai đoạn này theo tôi nhà đầu tư nên phân bổ tỷ trọng hợp lý: với các dòng nóng tăng chỉ do dòng tiền không có cơ bản chỉ nên phân bổ tối đa 30-40% vốn; phần tiền còn lại nên tập trung vào 2-3 mã có cơ bản tăng trưởng tốt và đang hoàn thành mô hình kỹ thuật đẹp và đặc biệt dòng tiền đang dần tham gia mạnh.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Cơ hội đầu tư có thể xuất hiện ở một số cổ phiếu bluechips như BVH, GAS hoặc các cơ hội của các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hoặc bất động sản, phân bón, dịch vụ tài chính chứng khoán kể cả các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nhà đầu tư nên phân bổ tỷ trọng cao ở các cổ phiếu mà khả năng tăng giá còn nhiều, biên độ lớn giữa thị giá và giá mục tiêu hơn là mua dàn trải một danh mục nhiều cổ phiếu khác nhau. Cho dù thị trường có điều chỉnh thì cổ phiếu triển vọng vẫn là cổ phiếu điều chỉnh ít hơn cả và thích hợp với việc nắm giữ với tầm nhìn dài. Nhà đầu tư có thể quản lý danh mục ở một số cổ phiếu nắm giữ dài và một số cổ phiếu giao dịch ngắn, biến động giá nhanh.