Xu thế dòng tiền: “Ôm” cổ phiếu cơ bản tốt vẫn lỗ 30%-50%, xử lý thế nào?
Thị trường có tuần giảm sốc 11% ở chỉ số VN-Index tương đương giai đoạn trung tuần tháng 3/2022 khi đại dịch Covid bắt đầu bùng nổ. Dưới áp lực chung, đại đa số cổ phiếu đều sụt giảm. Hàng đầu cơ, cổ phiếu rác bốc hơi đã đành, nhưng ngay cả những nhà đầu tư chân chính cũng đang phải nếm trải vị đắng của tài sản sụt giảm hàng ngày...
Thị trường có tuần giảm sốc 11% ở chỉ số VN-Index tương đương giai đoạn trung tuần tháng 3/2022 khi đại dịch Covid bắt đầu bùng nổ. Dưới áp lực chung, đại đa số cổ phiếu đều sụt giảm. Hàng đầu cơ, cổ phiếu rác bốc hơi đã đành, nhưng ngay cả những nhà đầu tư chân chính cũng đang phải nếm trải vị đắng của tài sản sụt giảm hàng ngày...
Việc nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt, chất lượng cao của doanh nghiệp đầu ngành nhưng mức lỗ vẫn cứ 30%-50% là trải nghiệm cay đắng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cổ phiếu tốt vẫn có những giá trị riêng, và thị trường sau khi trải qua những biến động ngắn hạn sẽ tích cực hơn.
Lời khuyên quan trọng nhất là các chuyên gia đưa ra là nhà đầu tư cơ bản không cần thiết phải bán tống bán tháo cổ phiếu tốt đã lỗ 30-50% giá trị, mà chỉ nên giảm tỷ trọng danh mục, thực hiện các chiến lược giao dịch ngắn hạn để giảm thiệt hại và thu hẹp danh mục để dự trữ tiền mặt cho sóng hồi xuất hiện. Tuy nhiên điều quan trọng là nhà đầu tư phải đánh giá lại danh mục hiện tại, chỉ thật sự nắm giữ các cổ phiếu phù hợp tiêu chí cơ bản tốt cho chiến lược đầu tư dài hạn.
Việc giao dịch ngắn hạn giảm giá vốn hay chờ thời điểm mua các cổ phiếu hồi mạnh để giảm thiệt hại là việc cần kỹ năng, sự kiên trì và có rủi ro cao, không phù hợp với tất cả mọi người. Nhà đầu tư có thể chờ đợi chính các cổ phiếu cơ bản tốt đang nắm giữ kết thúc nhịp giảm để tăng tỷ trọng cho chu kỳ tăng mới.
Theo tôi khi đã có khoản lỗ lớn như vậy việc bán hết tài khoản bây giờ là rất khó. Việc nhà đầu tư cần làm bây giờ là trading giảm giá vốn với lượng hàng 10-20% cổ phiếu sẵn có dựa vào các nhịp hồi phục hoặc điều chỉnh để mua bán hợp lý giảm dần giá vốn lô cổ phiếu nắm giữ.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index bốc hơi 146 điểm tuần qua, tương đương -11,02% và thị trường lại có những phiên báo tháo như thể bị giải chấp với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn liên tục. Tuần trước anh chị đã nhận định thị trường cân bằng hơn, giải chấp đã cạn, đồng thời sau nhiều đợt giải chấp và thua lỗ, hẳn nhu cầu margin đã giảm đi nhiều, nhưng tại sao hoạt động bán tháo bằng mọi giá vẫn mạnh như vậy?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tâm lý nhà đầu tư đang hoảng loạn sau nhịp giảm sốc, kết hợp với các yếu tố thông tin bên ngoài không thực sự tích cực như số liệu về lạm phát ở Mỹ hay diễn biến dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng bán tháo, bán giải chấp khiến thị trường trải qua tuần lao dốc mạnh.
Chúng ta cũng cần lưu ý là với việc dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng vượt trội trong giá trị giao dịch toàn thị trường, với 1 tỷ trọng không nhỏ là nhà đầu tư mới lần đầu trải qua nhịp sụt giảm kéo dài như hiện nay, thì yếu tố tâm lý đang có sự chi phối vượt trội hơn hẳn so với những thông tin tích cực về cơ bản, vĩ mô hay hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thị trường giai đoạn này yếu và giảm mạnh do dòng tiền sụt giảm rất nhiều và chưa có dấu hiệu dòng tiền quay trở lại. Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này rất yếu, chỉ cần 1 cổ phiếu trong ngành sàn là tâm lý bán theo xảy ra. Mặt khác khi phái sinh bị short mạnh là tâm lý bên cơ sở yếu cũng bán theo.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi vẫn giữ quan điểm như những tuần trước, áp lực giải chấp chỉ là hệ quả trong một downtrend của thị trường chung. Thị trường liên tục xuất hiện các phiên giảm mạnh, với nhiều phiên có số lượng cổ phiếu giảm sàn chiếm áp đảo. Ngoài nguyên nhân phụ là sự cộng hưởng bởi hoạt động giải chấp chồng lên giải chấp, thì nguyên nhân chính tới từ việc dòng tiền đã rút khỏi kênh chứng khoán do giá cổ phiếu đã bị đẩy lên mức rất cao và không còn hấp dẫn sau một chu kỳ tăng nóng hai năm qua.
Dòng tiền rút đi dẫn tới lực cầu yếu sẽ khiến những nhà đầu tư muốn thoát khỏi thị trường nhằm chuyển kênh đầu tư khi nền kinh tế bình thường trở lại, chỉ còn cách bán hạ giá. Giá giảm, lực cầu lại giảm, kéo theo hệ quả là thị trường xuất hiện giải chấp và sau đó là giải chấp chồng lên giải chấp. Vòng luẩn quẩn liên tục lặp lại đã tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường, với nhiều cổ phiếu dư bán sàn mà không tìm thấy lực mua đối ứng.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ yếu tố tâm lý vẫn đang chi phối hành vi nhà đầu tư: Danh mục cổ phiếu giảm thêm cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng; Cảm giác thất vọng cũng như bị tác động mạnh bởi nhiều thông tin đồn thực hư trên cũng khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu cho dù nhiều cổ phiếu tốt đã giảm về mức giá chiết khấu lớn.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
VN-Index kể từ đầu tháng 4 đến nay, đã từ hơn 1.500 điểm về 1.182 điểm, giảm hơn 300 điểm trong vòng 6 tuần giao dịch. Tâm lý bi quan đã bao trùm lên cả thị trường trong những phiên giao dịch vừa qua. Hiện tượng margin call đã xuất hiện trên diện rộng toàn bộ thị trường.
Diễn biến này có thể đến từ việc chiến tranh Nga- Ukraine, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics đẩy lên cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều doanh nghiệp trên sàn.
Hệ lụy của việc siết chặt hơn phát hành trái phiếu, khiến các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khăn hơn trong vấn đề dòng tiền để thực hiện dự án, và ngân hàng cũng khó tăng trưởng tín dụng bất động sản trong giai đoạn này.
Về vĩ mô, chứng khoán Mỹ và toàn cầu đang vật lộn cùng lúc với ba cuộc chiến: Tăng trưởng chậm lại, Chi phí cao hơn, Lãi suất tăng và cuộc chiến thứ tư – chính sách tiền tệ cũng đang được thắt chặt.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản đang tụt dốc không phanh nhưng cổ phiếu vẫn giảm sâu hơn thay vì đạt được cân bằng. Đang có những lo ngại rằng nhịp giảm quá khốc liệt này khiến nhà đầu tư thua lỗ phải rút bỏ khỏi thị trường, các “kho” phá sản, “đội lái” cũng tháo chạy... khiến dòng tiền trên thị trường yếu ớt như vậy, chứ không phải cạn kiệt thanh khoản thông thường. Quan điểm của anh chị thế nào? Anh chị tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, có hay không hiện tượng bỏ mặc tài khoản, rút khỏi thị trường?
Sau 1 giai đoạn điều chỉnh mạnh là giai đoạn hồi phục, thậm chí khá mạnh có thể diễn ra ngay sau đó đó là lúc nhà đầu tư bi quan và hoảng sợ nhất. Các nhà đầu tư nên bình tĩnh hơn và kiên trì nắm giữ cổ phiếu chất lượng cho dù đang thua lỗ tạm thời và tốt hơn là mua cổ phiếu nên chọn lọc kỹ lưỡng với việc nắm giữ trong một khoảng thời gian hơn là quá tập trung vào các giao dịch ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, thanh khoản tụt dốc là một tín hiệu tiêu cực trong bối cảnh hiện tại. Điều này cho thấy, dòng tiền trên thị trường quá yếu ớt và nhiều cổ phiếu ngay cả bán sàn cũng chưa chắc đã tìm được người mua.
Đúng là tôi cũng gặp một bộ phận nhà đầu tư rút khỏi thị trường, nhưng không phải tất cả những người rút đi là vì thua lỗ, mà tôi vẫn gặp những người thành công chuyển hướng nhằm tìm cơ hội ở các kênh đầu tư khác. Nhưng cũng phải thừa nhận, vẫn có số lượng nhà đầu tư tôi gặp rút khỏi thị trường hay bỏ mặc tài khoản vì thua lỗ.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Diễn biến sụt giảm mạnh về thanh khoản của thị trường xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: i) Nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn là nhóm đóng góp chính vào mức tăng của giá trị giao dịch toàn thị trường trong vài quý trước do sự quay vòng vốn nhanh, đã không thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong thời gian gần đây sau khi Chính phủ có các động thái quyết liệt để xử lý các sai phạm về thao túng cổ phiếu; ii) Một phần dòng tiền rút ra khỏi thị trường khi mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng và các hoạt động kinh tế được khôi phục hậu Covid-19; iii) Bản thân giá trị giao dịch toàn thị trường cũng thường suy yếu ở các nhịp điều chỉnh mạnh do nhà đầu tư có tâm lý chán nản, rút ra khỏi thị trường hoặc đóng bảng bỏ mặc tài khoản.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Luôn có những lý do, nguyên nhân có thể giải thích được hoặc không thể giải thích được tại sao thị trường lại giảm điểm như vậy. Sau mỗi giai đoạn giá tăng rồi lại đến giai đoạn giá giảm và nhà đầu tư luôn đi tìm các nguyên nhân khi sự kiện đã xẩy ra rồi.
Năm nay cũng hội tụ nhiều yếu tốt bất ngờ mà nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm cũng đã không lường được trước. Tôi chỉ nghĩ một điều, thị trường sau một giai đoạn điều chỉnh mạnh sẽ có những giai đoạn hồi. Hiện nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận không làm gì cho dù danh mục thua lỗ.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn thị trường thuận lợi nhà đầu tư sử dụng margin rất nhiều, thậm chí sử dụng đòn bẩy ở kho, nhưng khi thị trường khó như giai đoạn hiện tại nhiều nhà đầu tư tham gia với đòn bẩy cao đều thiệt hại rất lớn và cũng nhiều nhà đầu tư bán xong vẫn đứng ngoài thị trường chưa tham gia trở lại (do vừa trải qua mất mát nên cần thời gian cân bằng lại tâm lý). Nhiều nhà đầu tư tài khoản không dùng margin thì đã không quan tâm tới tài khoản để khoản đầu tư dài hạn. Các nhịp giảm lớn của thị trường thường khiến nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường hoặc tạm đóng băng tài khoản.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Giai đoạn này là một thách thức, cũng là cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư giá trị. Trong giai đoạn uptrend, thì ta khó có thể mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ. Còn trong giai đoạn giảm mạnh như hiện nay, nhiều cổ phiếu giảm giá rất sâu, một số cổ phiếu đã được “discount” (chiết khấu) với mức vốn hóa gần như bằng với tài sản ngắn hạn của công ty, nhưng giá vẫn giảm.
Và chắc chắn một điều, cổ phiếu nhóm đầu cơ, khi không còn “đội lái”, yếu tố cơ bản không có, thì sẽ “đi về nơi xa”. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư giá trị, vẫn kiên nhẫn ôm hàng và mua vào dần ở những phiên giảm mạnh.
Do đó, chuyện rút khỏi thị trường hay bán tháo, sẽ tùy thuộc rất lớn vào cổ phiếu bạn đang tham gia, thuộc nhóm nào.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index đã có tuần giảm thứ 6 liên tiếp. Từ chỗ các chuyên gia kỹ thuật kỳ vọng mốc 1.440 điểm rồi 1.400 điểm, tới 1.300 điểm nay lại trông chờ vào 1.200 điểm và cũng thủng nốt. Mốc nào ban đầu cũng được cho là “cứng” cả, nhưng đều xuyên thủng. Vậy anh chị kỳ vọng thị trường sẽ có thể tạo đáy ở đâu?
Theo tôi, chúng ta vẫn cần quan sát thêm diễn biến thị trường, khi nào có dấu hiệu dòng tiền vào bắt đầu kha khá, thanh khoản bắt đầu tăng với vài phiên liên tục, thì khi đó mới có thể kỳ vọng thị trường dần thoát khỏi downtrend.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi có thể tuần 16/5 – 20/5 là tuần tạo đáy của thị trường khi VN-Index đã giảm sát về vùng hỗ trợ rất mạnh 1.100 – 1.150 điểm. Khả năng thị trường phục hồi tuần tới là rất cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, việc tìm đáy hay đoán đỉnh luôn là công việc khó khăn nhưng lại rất ít giá trị đối với giao dịch cổ phiếu, mà yếu tố quyết định tới thành bại của tài khoản nằm ở việc hạn chế mức lỗ trong downtrend bằng cách cắt lỗ sớm hay năng lực gồng lãi trong uptrend bằng cách chậm chốt lời, mà các nhà giao dịch vẫn thường nằm lòng là “lãi có thể thực hiện chậm nhưng lỗ thì phải cắt bỏ ngay”.
Như chúng ta thấy trong giai đoạn vừa qua, việc dò mức đáy luôn cho sai số lớn, và để lại hậu quả rất thê thảm đối với những nhà đầu tư không giữ nguyên tắc cắt lỗ.
Dưới góc nhìn cá nhân, việc theo dõi dòng tiền mới là yếu tố đóng vai trò quyết định vùng đáy của thị trường, chứ không phải là một mức điểm số nào đó, và tôi nhận thấy thị trường chỉ có thể tạo được đáy khi xuất hiện những phiên giao dịch có chùm khối lượng cực lớn kéo dài liên tục từ 3 tới 5 phiên, thì khi đó, xác suất hình thành đáy ngắn hạn mới tăng lên.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi kỳ vọng thị trường sẽ tạo đáy ngắn hạn vào tuần sau và khả năng điểm số sẽ dừng lại quanh mốc 1.160 +/- 20 điểm khi rất nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng nền tích lũy trước khi tăng giá giai đoạn năm 2019-2020.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi không rõ đáy của thị trường ở đâu, tuy nhiên nếu tham chiếu về mức định giá của thị trường chung, của các nhóm cổ phiếu, trong tương quan nội tại tăng trưởng nền kinh tế cũng như sức khoẻ doanh nghiệp, vùng giá hiện tại đang rất hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Các lo ngại về khủng hoảng, chu kỳ kinh tế ở Mỹ do FED thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát tăng cao là có cơ sở, tuy nhiên xác suất là tương đối thấp (Goldman Sach, một trong những tổ chức có cách tiếp cận thận trọng nhất, cũng đánh giá xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 24 tháng tới chỉ là 30%).
Việc theo dõi dòng tiền mới là yếu tố đóng vai trò quyết định vùng đáy của thị trường, chứ không phải là một mức điểm số nào đó, và tôi nhận thấy thị trường chỉ có thể tạo được đáy khi xuất hiện những phiên giao dịch có chùm khối lượng cực lớn kéo dài liên tục từ 3 tới 5 phiên, thì khi đó, xác suất hình thành đáy ngắn hạn mới tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Hiện tại, khó có thể nói đáy thị trường về 1.100 điểm hay 1.000, hay là 900 điểm. Các dự báo phân tích kỹ thuật đều không chính xác khi VN-Index lần lượt phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng, và xuyên thủng MA200 một cách rất nhanh chóng. Tuy hiện tại quán tính giảm vẫn còn nhưng với dòng tiền bắt giá thấp đang gia tăng, có khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại vùng quanh 1.150 điểm và nhanh chóng hồi phục trở lại.
Theo tôi, chúng ta vẫn cần quan sát thêm diễn biến thị trường, khi nào có dấu hiệu dòng tiền vào bắt đầu kha khá, thanh khoản bắt đầu tăng với vài phiên liên tục, thì khi đó mới có thể kỳ vọng thị trường dần thoát khỏi downtrend.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tốc độ thua lỗ của nhà đầu tư đang rất nhanh, chỉ cần “tiếc của” lỡ một nhịp cắt là mức lỗ tăng lên. Nhà đầu tư cầm cổ phiếu bằng “tiền thịt” nhưng đã thua lỗ 30-50% thì nên xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi khi đã có khoản lỗ lớn như vậy việc bán hết tài khoản bây giờ là rất khó. Việc nhà đầu tư cần làm bây giờ là trading giảm giá vốn với lượng hàng 10-20% cổ phiếu sẵn có dựa vào các nhịp hồi phục hoặc điều chỉnh để mua bán hợp lý giảm dần giá vốn lô cổ phiếu nắm giữ.
Việc thực hiện như vậy cần rất kiên trì và mất thời gian nhưng đổi lại thời gian hòa vốn sẽ giảm xuống nhiều. Cách thứ 2 là nhà đầu tư có thể bán thẳng quanh 30% tài khoản để tham gia đầu tư vào các cổ phiếu khỏe trên thị trường. Tuy nhiên cách này khá khó khi tâm lý nhà đầu tư đang yếu.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nếu tham chiếu về mức định giá của thị trường chung, của các nhóm cổ phiếu, trong tương quan nội tại tăng trưởng nền kinh tế cũng như sức khoẻ doanh nghiệp, vùng giá hiện tại đang rất hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Ông Trần Đức Anh
Điều quan trọng hiện tại là nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, tìm đến những cổ phiếu cơ bản, tăng trưởng cao, không nên vì tâm lý gỡ lỗ mà mạo hiểm đầu tư ở những cổ phiếu có tính đầu cơ, biến động mạnh, rủi ro cao.
Thị trường có thể tạo đáy và đi lên bất cứ lúc nào khi các yếu tố thuận lợi hội tụ ở vùng giá thấp hiện tại. Vì vậy việc bán tháo nên hạn chế, tuy nhiên không nên sử dụng margin đề phòng những biến động xấu trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Hiện trên thị trường, mỗi nhà đầu tư đang có vị thế khác nhau, full margin và đang chịu áp lực giải chấp, full cash, hoặc giữ cổ phiếu bằng “tiền thịt”... Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư có vị thế giữ cổ phiếu bằng “tiền thịt” tuy tài khoản lỗ 30-50% nhưng áp lực sẽ nhẹ nhàng hơn so với thị trường, nên sẽ có được lựa chọn để xử lý. Một trong số đó, theo tôi là nhà đầu tư nên đánh giá lại yếu tố cơ bản của từng cổ phiếu đang nắm giữ, với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản yếu thì nên chấp nhận thoát, và chỉ nên giữ lại những cổ phiếu có cơ bản tốt và có triển vọng kinh doanh tích cực trong 3 - 4 quý tới. Sau đó, chờ đợi thị trường tạo đáy và các cổ phiếu tốt còn lại trong tài khoản về vùng giá rẻ để gia tăng thêm tỷ trọng nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong một chu kỳ mới của thị trường.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo dõi lịch sử diễn biến của nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam thì sau 1 giai đoạn điều chỉnh mạnh là giai đoạn hồi phục, thậm chí khá mạnh có thể diễn ra ngay sau đó đó là lúc nhà đầu tư bi quan và hoảng sợ nhất. Các nhà đầu tư nên bình tĩnh hơn và kiên trì nắm giữ cổ phiếu chất lượng cho dù đang thua lỗ tạm thời và tốt hơn là mua cổ phiếu nên chọn lọc kỹ lưỡng với việc nắm giữ trong một khoảng thời gian hơn là quá tập trung vào các giao dịch ngắn hạn.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Theo tôi, điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là không xài margin, bởi áp lực vay nợ trong giai đoạn thị trường giảm sẽ nhanh bào mòn giá trị tài sản của nhà đầu tư.
Tiếp theo, xem xét thật kỹ danh mục mình đang nắm giữ, xem cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư giá trị hay là đầu cơ? Kết quả kinh doanh trong tương lai của nhóm cổ phiếu này có thể kỳ vọng như thế nào? Giá trị vốn hóa thị trường của công ty đó hiện tại đang mắc hay rẻ so với yếu tố cơ bản của chính công ty đó?
Hiện có một số công ty, đang bán với giá bằng tài sản ngắn hạn của chính công ty đó, chưa kể đến tài sản dài hạn, và tiềm năng tăng trưởng, khả năng tạo tiền trong tương lai của công ty, nhưng lại đang được bán với giá rất rẻ. Đó là những cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân mua vào để đầu tư trong 1-5 năm tới.
Còn lại nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ, giá thị trường đang xa rời yếu tố cơ bản, thì nhà đầu tư cần xem xét lại để thoát vị thế nắm giữ.