Xuất khẩu chè giảm cả lượng và trị giá
Triển vọng vẫn chưa hết khó khăn trong năm 2019
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt 12.000 tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng trước đó. Cả năm 2018, lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt 128.000 tấn, thu về 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với năm 2017.
Trong số 10 thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam trong năm 2018, chiếm thị phần lớn nhất là thị trường Pakistan với lượng chè xuất khẩu 33,25 ngàn tấn, đạt 71,98 triệu USD, tăng 14,76% về lượng và 15,88% trị giá, giá xuất bình quân 2164,96 USD/tấn, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm 2017.
Thứ hai là thị trường Đài Loan đạt 17,35 ngàn tấn, trị giá 26,81 triệu USD, tăng 7,26% về lượng và 5,75% trị giá, tuy nhiên giá xuất bình quân giảm 1,41% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường Nga, Trung Quốc đạt lần lượt 12,8 và 9,3 ngàn tấn, đều giảm lần lượt 17,43% và 9,21%. Ngoài ra, mặt hàng chè của Việt Nam còn được xuất sang các thị trường như Ba Lan, Ấn Độ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ....
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè đen, chè xanh, chè ướp hoa và chè ô long. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng chè xanh tăng lên 45,7% từ mức 39,4% trong 11 tháng năm 2018. Lượng xuất khẩu đạt 52.900 tấn, trị giá 103,5 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Giá chè xanh xuất khẩu trung bình đạt gần 1.959 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kì năm 2017.
Nhìn chung, 11 tháng đầu năm nay xuất khẩu chè sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm, trong đó giảm nhiều nhất ở thị trường UAE và Ấn Độ đều giảm trên 50%, theo đó UAE giảm 57,4% về lượng và 56,37% trị giá; Ấn Độ giảm 55,61% về lượng và 63,86% trị giá so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia lại tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam, tuy chỉ đạt 1,8 ngàn tấn, trị giá 4,8 triệu USD, nhưng tăng 25,78% về lượng và 30,66% trị giá, giá xuất bình quân tăng 3,88% đạt 2.585,12 USD/tấn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu chè của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2018 đạt 1.425 tấn và 18,4 triệu USD, tăng 25,6% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Đơn giá nhập khẩu trung bình của Hàn Quốc đạt 12.914,1 USD/tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Hàn Quốc nhập khẩu chè chủ yếu từ các thị trường chính, như: Trung Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Ấn Độ, Hoa Kỳ... Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 10 cho Hàn Quốc, nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Thị phần chè của Việt Nam mặc dù được mở rộng tại Hàn Quốc nhưng chỉ chiếm 2,3% tổng lượng chè nhập khẩu của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2018.
Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ chè Hàn Quốc có nhiều khả năng và cơ hội phát triển tốt vì người tiêu dùng ngày càng có nhận thức về tác dụng tốt đối với sức khoẻ của chè. Tuy nhiên, Hàn Quốc đòi hỏi chất lượng các loại chè nhập khẩu phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được Cơ quan kiểm dịch thực vật Hàn Quốc cấp chứng nhận đã qua kiểm dịch trước khi được nhập khẩu. Để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam cần chú ý tới các tiêu chuẩn và quy định đối với mặt hàng chè của Hàn Quốc.
Dự báo, năm 2019, hoạt động xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do áp lực cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu của thị trường.
Năm 2018, Tổ chức Lương nông của Liên hợp quốc (FAO) ước tính lượng chè thặng dư khoảng 75.000 tấn và dự kiến sẽ tăng lên 128.000 tấn trong năm 2020. Trong khi tiêu thụ chè ít biến động, khối lượng chè tiêu thụ năm 2018 ước tính tương đương so với năm 2017.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu chè không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2019, xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng khả năng sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu. Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo trong bối cảnh nhu cầu không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm.