12:14 06/07/2022

Xuất khẩu gạo sôi động nhưng nông dân trồng lúa vẫn chịu thiệt thòi do chi phí tăng cao

Chu Khôi

Trong nửa đầu năm nay, mặc dù lượng gạo xuất khẩu tăng, nhưng giá gạo xuất khẩu giảm. Trong bối cảnh giá phân bón cao khiến giá thành sản xuất lúa tăng mạnh, và giá các loại lương thực khác trên toàn cầu đều tăng do ảnh hưởng của lạm phát, thì giá gạo thấp đang gây thiệt thòi cho nông dân trồng lúa…

Trồng lúa tốn nhiều diện tích đất, nhưng lợi nhuận thấp.
Trồng lúa tốn nhiều diện tích đất, nhưng lợi nhuận thấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 3,52 triệu tấn gạo đem về 1,72 tỷ USD, tăng 16,2% về khối lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

KHỐI LƯỢNG GẠO XUẤT KHẨU TĂNG

Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Bởi vì, sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.

 

Nếu như bình quân 4 tháng đầu năm mỗi tháng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo thì trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 800.000 tấn, tăng 60% so với các tháng trước đó. Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6/2022 đạt mức 720.000 tấn, cũng rất cao so với lượng xuất bình quân chung trong nhiều năm qua.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một dấu ấn của ngành lúa gạo, là vào tối 30/6/2022, sự kiện quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đã thu hút sự tham dự của đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc phân phối và bày bán sản phẩm gạo Việt Nam. Lô hàng gạo A An đầu tiên bán tại thị trường Nhật Bản là gạo giống ST25 nổi tiếng với sản lượng 100 tấn.

Theo chia sẻ của chính các doanh nghiệp, phải mất 1 năm đàm phán, đạt 600 chỉ tiêu kỹ tiêu thuật những tấn gạo ST25 đầu tiên mang thương hiệu của một doanh nghiệp Việt đã được bày bán tại các kệ siêu thị trên nước đất nước Nhật - một thị trường có 30 năm kinh nghiệm nhập khẩu gạo với tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Xuất khẩu gạo đang rất sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.

Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Bởi thông thường mọi năm, Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhưng năm nay Philippines nhập khẩu sớm nên từ tháng 5/2022, thị trường lúa gạo đã rất sôi động.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, so sánh giá gạo có thể thấy, vào đầu tháng 6/2022, gạo 5% tấm Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan tới 32 USD/tấn, gạo 25% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan tới 41 USD/tấn.

Tuy nhiên, nửa cuối tháng 6, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm mạnh. Nếu đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan lên đến 455 USD/tấn, gạo 25% tấm được xuất khẩu với giá 444 USD/tấn, thì đến thời điểm này giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện đang bán ra lần lượt ở các mức: 408 USD/tấn và 393 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm.

Ngược với xu thế giảm của gạo Thái Lan, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn được điều chỉnh tăng. Ngày 24/6/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 10 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 403 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 2 USD/tấn.

Sở dĩ giá gạo trung bình của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Ấn Độ, là bởi lượng gạo đặc sản thơm ngon, gạo phẩm cấp cao của Việt Nam đã tăng lên chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay nhiều quốc gia châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn.

NÔNG DÂN TRỒNG LÚA VẪN THIỆT THÒI

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân lại giảm so với 6 tháng đầu năm 2021. Trong bối cảnh, giá hầu hết các mặt hàng lương thực trên toàn cầu đều tăng giá rất mạnh do lạm phát, thì giá gạo không tăng, thậm chí giảm đang gây thiệt thòi cho nông dân trồng lúa.

Theo báo The Wall Street Journal (Hoa Kỳ), lạm phát đang đẩy giá nhiều loại lương thực tăng cao, thì giá gạo năm nay lại rẻ hơn so với năm ngoái. Gạo là loại lương thực không thể thiếu đối với người dân Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á sản xuất và tiêu thụ hơn 80% lượng gạo trên thế giới...

Nguồn cung lúa mì, bắp và dầu thực vật đang gặp gián đoạn do giao tranh ở Ukraine - nước xuất khẩu hàng đầu những nông sản này.  Tính đến giữa tháng 6/2022, giá bắp và lúa mì toàn cầu tăng 27% và 37% so với tháng 1/2022. Giá khí đốt, thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng vọt cũng khiến các sản phẩm như đậu nành và thịt gà "đắt xắt ra miếng", góp phần làm gia tăng nạn đói toàn cầu.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, giá gạo thấp hơn khoảng 17% và lý do chính là nhờ nguồn cung dồi dào. Tình hình trên khiến ông Josef Schmidhuber, Giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nhận định: "Gạo chính là mỏ neo của thời điểm hiện tại. Đồng thời mang đến sự ổn định cho an ninh lương thực toàn cầu".

 

Dữ liệu của FAO cho thấy sản lượng thu hoạch tốt ở những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan - giúp sản lượng gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái với 521 triệu tấn. Vụ mùa năm nay dự kiến đạt gần 520 triệu tấn.

Dữ liệu sơ bộ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy lạm phát ở châu Á trong tháng 5 chỉ tăng hơn 4%, bằng khoảng 1/2 so với Mỹ và khu vực đồng euro, khoảng 1/4 so với châu Mỹ Latin và khu vực châu Phi cận Sahara. ADB nhận định tỉ lệ lạm phát ở châu Á tương đối thấp một phần do giá gạo ổn định.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Iran và Iraq đã mua thêm gạo từ nước ngoài. Tổ chức này cho biết các nước châu Phi sẽ nhập khẩu thêm 10% gạo trong năm 2022, đưa lượng gạo nhập khẩu lên mức cao nhất mọi thời đại là 19,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, chuyên gia nông nghiệp của FAO nhận định gạo không đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu. Giá phân bón, xăng dầu có thời điểm tăng lên tới 40% làm đội giá thành giá lúa tăng lên, nhưng giá gạo xuất khẩu không tăng hoặc tăng rất ít.

Chi phí sản xuất tăng, khiến lợi nhuận từ gạo thấp nên một số nông dân Nhật Bản và Indonesia dự tính chuyển sang trồng lúa mì, đậu nành, đậu phộng… Trong những năm tới, lượng gạo sản xuất có nguy cơ sụt giảm, sẽ đe dọa đến nạn đói trên thế giới.