14:18 29/06/2023

Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD ngay trong năm 2023

Chu Khôi

Xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 1 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3 tỷ USD, gần bằng con số 3,16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022…

Sầu riêng đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong ngành hàng trái cây.
Sầu riêng đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong ngành hàng trái cây.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tiếp tục được thị trường Trung Quốc đón nhận như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài…

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5/2023 khi đạt trên 400 triệu USD; tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó. Tháng 5/2023, xuất khẩu rau quả cũng đã thiết lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 656 triệu USD, tăng hơn 80% so với tháng 5/2022 và tăng 67,7% so với tháng 4/2022

XUẤT KHẨU RAU QUẢ TĂNG ĐỘT BIẾN

Tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả “bùng nổ” mạnh mẽ, với mức tăng gấp 2,7 lần so với tháng 6/2022, đã đưa kim ngạch lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Đây là con số gần như “không tưởng”, bởi từ trước tới nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả bình quân mỗi tháng luôn dao động dưới 300 triệu USD.

 

Chỉ trong vòng 1 tháng, xuất khẩu rau quả thu về 1 tỷ USD là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này tham gia xuất khẩu.  Ngành nông nghiệp tính đến thời điểm này cũng chỉ có nhóm hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong một tháng.

Phân tích về thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt. Riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ ghi nhận mức sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng Việt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: Hiện nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu.

Đặc biệt, vú sữa, chôm chôm gần như có thể sản xuất quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên giá bán cũng cao gấp nhiều lần. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ chiếm trên 54% tổng sản lượng.

Đối với chủng loại trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD). Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.

Tốc độ tăng trưởng này là thành quả từ việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022.

Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho các mặt hàng rau quả khác như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa…, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Đối với sản phẩm rau quả chế biến, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 550 triệu triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là phân khúc hàng hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.

NHIỀU DƯ ĐỊA CHO TRÁI CÂY TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU

Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới, do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).

Trong ngành hàng trái cây, thanh long chiếm giữ vị trí hàng đầu về xuất khâu xuất nhiều năm. Từ năm 2022 đến nay, sầu riêng đã “soán ngôi” thanh long để dẫn đầu về giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác, cụ thể như trái bơ. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), xuất khẩu bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD vào năm 2030, đưa bơ trở thành mặt hàng trái cây nhiệt đới có giá trị nhất.

Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu.

Nhu cầu từ các thị trường khác như Trung Quốc và Trung Đông, dự kiến cũng sẽ tăng đáng kể. Đây có thể là một trong những “cánh cửa” mới mà Việt Nam có thể tính đến để phát triển sản xuất và xuất khẩu bơ.

Hiện xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu với nhiều cơ hội rộng mở.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Theo đó, nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu.

Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, EU. Do đó, nông sản Việt ngoài đảm bảo chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa. Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.