Xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ, rau màu bội thu nhờ được giá
Ngành nông nghiệp trong tháng 2/2023 cho thấy nhiều điểm sáng: xuất khẩu thủy sản đổi chiều tăng mạnh. Sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc vừa thu hoạch cây vụ đông vừa tập trung gieo cấy và chăm sóc lúa vụ đông xuân, với niềm vui bội thu nhờ giá bán nhiều sản phẩm tăng cao…
Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 2/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 451,3 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 62,8 nghìn tấn, tăng 0,5%; thủy sản khác đạt 79,3 nghìn tấn, tăng 2,3%.
SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN ĐANG HỒI PHỤC NHANH
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 332,2 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 237,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 51,6 nghìn tấn, tăng 0,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 479,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 100,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác đạt 85,9 nghìn tấn, tăng 2,9%.
Sản lượng cá tra tháng 02/2023 ước đạt 113,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 sản lượng cá tra đạt 223,8 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tôm tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 31,4 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 15,7 nghìn tấn, tăng 1,3%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 2/2023 ước đạt 261,2 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 214,1 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 0,9%; thủy sản khác đạt 35,9 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 247,7 nghìn tấn, tăng 3,1%, trong đó: Cá đạt 205 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 1%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 519,6 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 406 nghìn tấn, giảm 0,4%; tôm đạt 21,1 nghìn tấn, giảm 0,9%; thủy sản khác đạt 92,5 nghìn tấn, giảm 0,9%.
"Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 1.185,5 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 885,6 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 121,5 nghìn tấn, tăng 0,4%; thủy sản khác đạt 178,4 nghìn tấn, tăng 0,9%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sang tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bất ngờ tăng rất mạnh. Trước đó, xuất khẩu thủy sản suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang tháng 1/2023.
Cụ thể, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%...
Đề cập về tình hình xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023, VASEP dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, nửa đầu tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 2 vẫn chưa đủ đề bù đắp sự sụt giảm quá mạnh trong tháng 1/2023.
VASEP ước tính xuất khẩu thủy sản trong cả tháng 2 năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 29% so với tháng 2/2022. Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự phục hồi nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà còn tại các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt.
Sự phục hồi mà Trung Quốc mang lại đối với ngành thủy sản Việt Nam đang dần có kết quả rõ ràng. Việc Trung Quốc đã mở cửa thông quan đã tác động làm giá cá tra nguyên liệu tăng so với tháng trước. Ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…
Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. VASEP cho rằng lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Trước bối cảnh năm 2023, VASEP khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.
BỘI THU CÂY VỤ ĐÔNG
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng 2/2023 tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa vụ động xuân và thu hoạch rau màu vụ đông. Trong tháng 2, nông dân nhiều địa phương ở miền Bắc tập trung thu hoạch cây vụ đông, nhiều sản phẩm vụ đông được giá, khiến nông dân rất phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao. Điển hình như sản phẩm hành củ có giá bán tăng cao gấp đôi so với năm trước. Các sản phẩm cà rốt, củ cải, khoai lang, khoai tây cũng được giá.
Tỉnh Bắc Giang ước tính nông dân thu về 2.000 tỷ đồng từ cây vụ đông. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông năm 2022-2023, trên địa bàn gieo trồng khoảng 22,3 nghìn ha cây rau màu các loại. Qua đánh giá, lợi nhuận cây vụ đông tăng cao so với các năm trước, nhất là các cây trồng chủ lực như: hành, tỏi củ, cà rốt, bắp cải, cà chua...
Lợi nhuận thu được từ trồng bắp cải từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, su hào từ 6 đến 8 triệu đồng/sào, súp lơ từ 7 đến 9 triệu đồng/sào, cà rốt từ 8 đến 13 triệu đồng/sào, hành tỏi 8 đến 12 triệu đồng/sào, cà chua 20 đến 25 triệu đồng/sào. Giá trị sản xuất cây vụ đông tính theo giá thực tế đạt 4.690 tỷ đồng, thu nhập đạt từ 170 đến 700 triệu đồng/ha.
"Tính chung hai tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 18,8 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17 triệu cây, tăng 7,4%. Sản lượng gỗ khai thác trong 2 tháng đầu năm đạt 1.982,1 nghìn m3, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái".
Theo Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Thống kê cho hay tính đến trung tuần tháng 2/2023, cả nước đã gieo cấy được 2.693,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 823 nghìn ha, bằng 105,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.870,4 nghìn ha, bằng 98,5%; riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1.475,1 nghìn ha, bằng 98,2%.
Tại các địa phương phía Bắc, tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân nhanh hơn cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, nông dân tranh thủ xuống giống. Một số địa phương có tiến độ nhanh hơn cùng kỳ năm trước như Thái Bình đạt 52,2 nghìn ha, bằng 254%; Hà Nội đạt 47,3 nghìn ha, bằng 137,6%; Hưng Yên đạt 8,9 nghìn ha, bằng 137,2%; Hải Phòng đạt 18 nghìn ha, bằng 105,9%.
Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân và bắt đầu thu hoạch ở một số trà lúa sớm. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân giảm 28,6 nghìn ha so với cùng kỳ, chủ yếu do chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, đô thị hóa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn chung lúa Đông Xuân phát triển khá tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, ngậm sữa. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 293,9 nghìn ha, chiếm 19,9% diện tích gieo cấy và bằng 98% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 2/2023 ước đạt 10,7 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 12,5 triệu cây, tăng 8,3%. Trong tháng 2, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.026,8 nghìn m3, tăng 4,2% so với tháng 2/2022.