10:54 07/01/2025

Xuất siêu hơn 154 tỷ USD sang châu Âu - châu Mỹ

Vũ Khuê

Năm 2024, hơn 202 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã được các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang các thị trường thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ...

Năm 2024, xuất khẩu dệt may sang thị trường Âu-Mỹ ước đạt 23,4 tỷ USD.
Năm 2024, xuất khẩu dệt may sang thị trường Âu-Mỹ ước đạt 23,4 tỷ USD.

Số liệu đưa ra tại "Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025" cho thấy năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu ước đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%; nhập khẩu ước đạt 47,9 tỷ USD tăng 12,6%. Thặng dư thương mại với thị trường châu Âu - châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong khu vực châu Âu – châu Mỹ đều chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2024 ước đạt 119,3 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2023; thị trường EU ước đạt 51,9 tỷ USD, tăng 18,8%; thị trường các nước CPTPP ở châu Mỹ (Canada, Mexico, Chile, Peru) ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 17%; Anh ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 19,6%; các nước EAEU ước đạt 3,3 tỷ, tăng 31,5%. Duy chỉ có xuất khẩu sang các nước khối Mercosur chứng kiến mức sụt giảm 6,5%, ước đạt 3,4 tỷ USD trong năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương. Nguyễn Hoàng Long chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương. Nguyễn Hoàng Long chủ trì hội nghị.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu – châu Mỹ năm 2024 đều chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 34,6 tỷ USD, tăng 39,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33 tỷ USD, tăng 24,4%; hàng dệt, may ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 12%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 12,5%; giày dép các loại ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,5%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng 21,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt gần 6 tỷ USD, tăng 7%; hàng thủy sản ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,8%.

Có được kết quả trên, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ năm 2024, mặc dù tình hình thị trường thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, tích cực đưa ra nhiều giải pháp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các cơ chế, khung khổ hợp tác hiện hành, xây dựng các khung khổ hợp tác mới: Chủ động triển khai thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong khu vực bao gồm : EVFTA, VN-EAEU, UKVFTA, CPTPP, VCFTA. Chú trọng vào công tác: nghiên cứu tận dụng ưu đãi trong các Hiệp định, phổ biến thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng năm 2025, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tập trung tận dụng tối đa các quan hệ chính trị - ngoại giao để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư với các nước trong khu vực. Chú trọng nắm bắt tình hình, những biến động chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương... những phản ứng chính sách phù hợp, khả thi.

Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu chính sách, nghiên cứu thị trường, khai phá các cơ hội vừa thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư xứng tầm quan hệ chính trị, ngoại giao và vị thế của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, các cơ chế hợp tác hiện có (Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại) với các nước trong khu vực; nghiên cứu việc nâng cấp, ký kết các FTA mới với các thị trường tiềm năng...Đặc biệt, cần làm tốt hơn chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại.