15:03 10/08/2017

Xung đột Mỹ-Triều có thể tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

Bình Minh

Nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước, nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu tác động không nhỏ

Hai binh sỹ Triều Tiên ở khu phi quân sự ở giới tuyến giữa hai miền bán đảo Triều Tiên hôm 27/7 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hai binh sỹ Triều Tiên ở khu phi quân sự ở giới tuyến giữa hai miền bán đảo Triều Tiên hôm 27/7 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Những lời đe dọa tấn công lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên mấy ngày qua đã khiến thị trường toàn cầu lo ngại.

Nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước, thì thiệt hại lớn nhất sẽ là thiệt hại về con người. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu tác động không nhỏ, theo nhận định của Bloomberg.
 
Hãng tin này dẫn một phân tích của công ty nghiên cứu Capital Economics nói rằng nguồn cung và hoạt động sản xuất của hàng loạt sản phẩm từ điện thoại thông minh (smartphone) và xe hơi cho tới TV màn hình phẳng sẽ chịu tác động mạnh, gây tổn thất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và đẩy giá cả tăng cao. Đó là do Hàn Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng giúp duy trì hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử.

Theo số liệu mà phân tích đưa ra, Hàn Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới màn hình tinh thể lỏng sử dụng cho TV và các thiết bị điện tử khác. Nước này hiện chiếm 40% sản lượng màn hình tinh thể lỏng của thế giới.

Hàn Quốc cũng là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ nhì thế giới. Các sản phẩm con chip của Hàn Quốc được dùng chủ yếu cho smartphone và chiếm 17% sản lượng con chip toàn cầu.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn là một trong những nước sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, và sở hữu 3 công ty đóng tàu lớn nhất thế giới.

“Nếu hoạt động sản xuất của Hàn Quốc chịu thiệt hại nặng bởi một cuộc chiến tranh, thì sự khan hiếm một loạt mặt hàng sẽ xảy ra trên khắp thế giới”, hai chuyên gia kinh tế Gareth leather vfa Krystal Tan của Capital Economics nhận định. “Sự gián đoạn như vậy có thể kéo dài một thời gian. Phải mất khoảng hai năm để xây một nhà máy sản xuất chất bán dẫn từ con số 0”.

Tiếp đó là ảnh hưởng đến các tuyến vận tải biển. Bất kỳ một cuộc xung đột Mỹ-Triều Tiên nào cũng có thể gây cản trở đối với các tuyến đường biển quan trọng ở phía Đông của Trung Quốc - nước có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.

“Nếu việc ra vào các cảng biển của Trung Quốc trở nên quá rủi ro đối với các tàu container, thì sự gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ còn lớn hơn”, Capital Economics phân tích.

Riêng đối với nước Mỹ, những tổn thất gây ra bởi một cuộc chiến tranh với Triều Tiên có thể rất lớn. Nợ chính phủ của nước này có thể bị đẩy tăng cao do chi phí cho cuộc chiến và hoạt động tái thiết sau chiến tranh. Nếu Mỹ phải chi số tiền để tái thiết bán đảo Triều Tiên lớn như số tiền mà nước này đã chi để tái thiết Iraq và Afghanistan, thì nợ công của Mỹ sẽ tăng thêm 30% - theo Capital Economics.

Ở thời điểm hiện tại, giới phân tích đều cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh Mỹ-Triều Tiên không phải là lớn. Thực tế là nhiều đợt căng thẳng trước đây giữa hai bên đã lắng xuống sau khi bị đẩy cao.

Nhưng dù chưa có hành động quân sự, căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành tin xấu đối với tăng trưởng kinh tế ở châu Á, theo Bloomberg. Trong đó, đối với Hàn Quốc, bất ổn lơ lửng khiến niềm tin suy giảm, dẫn tới suy giảm đầu tư và tuyển dụng nhân sự.

Còn đối với Nhật Bản, đồng Yên tăng giá gây thiệt hại cho lợi nhuận doanh nghiệp và cản trở kế hoạch kích thích lạm phát của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ). Do lo ngại tình hình Triều Tiên, các nhà đầu tư đã mạnh tay mua vào những tài sản an toàn, trong đó có đồng Yên Nhật, khiến đồng tiền này tăng giá.