Yêu cầu Bộ Giao thông thẩm định dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là dự án gây sự chú ý của dư luận khi có sự đề xuất tham gia của khá nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng cơ quan quản lý lại chỉ định ACV làm nhà đầu tư
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư dự án nhà ga hành khách T3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-ACV (Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, ACV đã xây dựng mốc thời gian cụ thể đối với dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp.HCM). Việc thực hiện sẽ được tiến hành ngay sau khi ACV được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo Nhà ga T3 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào quý 2/2022.
Tháng 1/2019, ACV trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ để khắc phục quá tải hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự kiến công suất nhà ga mới đạt 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Tổng kinh phí dự án hơn 11.430 tỷ đồng được ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm.
Liên quan đến chủ trương đầu tư nhà ga T3, từ cuối 2018 đã có một số doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia đầu tư dự án này như Vietjet, IPP, FLC...
Tuy nhiên, cả Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất về việc chọn ACV là đơn vị đầu tư xây dựng nhà ga T3 để bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có.