06:00 15/09/2021

Yêu cầu chú trọng kiểm toán việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19

Lan Anh

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại phiên thảo luận, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước sáng 14/9...

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này.

BỔ SUNG YẾU TỐ COVID-19 KHI XÂY DỰNG KỊCH BẢN KIỂM TOÁN

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tập, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Kiểm toán nhà nước cần khắc phục.

Cụ thể, về triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật của nhà nước, đề nghị Kiểm toán nhà nước cần lưu ý xây dựng và ban hành Kế hoạch này đúng thời gian theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, làm căn cứ triển khai nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước ngay từ những tháng đầu năm.

"Việc ban hành các văn bản đạt tỷ lệ khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra, Kiểm toán nhà nước cần báo cáo rõ lý do việc chậm ban hành các văn bản theo kế hoạch, trong đó lưu ý báo cáo rõ việc rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019", ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Bên cạnh đó, về tổ chức hoạt động kiểm toán, số lượng các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm có thay đổi, điều chỉnh khá nhiều. Điều này thể hiện chất lượng công tác dự báo, khảo sát, xác định mục tiêu, định hướng… xây dựng kế hoạch kiểm toán chưa sát thực tiễn, yêu cầu.

"Kiểm toán nhà nước cần tăng cường công tác dự báo, đánh giá phạm vi, nội dung kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để thống nhất các nội dung cần kiểm toán ngay từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm, hạn chế tối đa việc điều chỉnh kế hoạch", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ - Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán còn chưa toàn diện, chưa tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm nên chất lượng chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Kiểm toán nhà nước cần bổ sung chi tiết kết quả công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và làm nổi bật hơn các kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân còn những tồn tại, hạn chế trong kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, cơ bản nhất trí với báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán nhà nước cần khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm các giải pháp, phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ này trong năm 2022.

Trong đó, lưu ý bổ sung dự báo tình hình năm 2022, đặc biệt là các yếu tố tác động như dịch bệnh Covid-19, xây dựng các kịch bản tổ chức thực hiện kế hoạch Kiểm toán nhà nước năm 2022.

CHÚ TRỌNG KIỂM TOÁN VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH

Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý về kế hoạch kiểm toán năm 2022, trong đó mục tiêu chung là tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu; đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; làm rõ cơ cấu và tổng mức của tín dụng; làm rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; việc sử dụng tồn ngân kho bạc nhà nước để thực hiện hoạt động cho vay; phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng thêm kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm.

"Tập trung nguồn nhân lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành kiểm toán trong năm nay", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, cần kiểm toán toàn diện, trọng tâm trọng điểm, nêu rõ trách nhiệm tập thể và cá nhận, công khai, minh bạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu định hướng và lĩnh vực Kiểm toán nhà nước năm 2022, đồng thời lưu ý Kiểm toán nhà nước cần tập trung kiểm toán các chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn ngân sách nhà nước, kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tăng cường kiểm toán việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ về những vấn đề liên quan đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý các dự án BOT...

Đối với kiểm toán phục vụ 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước cần bám sát kế hoạch, đề cương giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để xác định nhiệm vụ và kịp thời tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán đảm bảo thời gian để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát.

Đồng thời có phương thức kiểm toán phù hợp khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đẩy mạnh công nghệ thông tin, cân đối thời gian và lực lượng phù hợp để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của Hội đồng nhân dân các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán tại các địa phương, phối hợp tốt với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để xử lý chồng chéo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn chỉnh các báo cáo để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.