19:01 06/03/2024

Yuanta: Thị trường duy trì đà tăng trong tháng 3, VN-Index hướng đến 1.400 điểm

Tuệ Lâm

Theo mô hình giá, thị trường đang giao dịch trong giai đoạn sóng tăng 03, đây cũng là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của chu kỳ thị trường và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng đến mức 1.400 điểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 3 trong đó nhấn mạnh VN-Index đang trong giai đoạn sóng tăng 03 và có thể đạt 1.400 điểm.

Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,252.73 điểm tăng 7,6% so với tháng trước và đây cũng là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 07/2023. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực trong dài hạn. Ngoài ra, rủi ro dài hạn vẫn ở mức thấp.

Yuanta kỳ vọng thị trường sẽ duy trì đà tăng trong tháng 03, nhưng đà tăng có thể chậm lại trong tuần giao dịch 18-22/03/2024 khi các quỹ ETF cơ cấu danh mục.

Theo mô hình giá, thị trường đang giao dịch trong giai đoạn sóng tăng 03, đây cũng là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của chu kỳ thị trường và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng đến mức 1.400 điểm. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục mua và nắm giữ danh mục dài hạn.

Về vĩ mô, các chỉ số kinh tế tháng 2 có phần suy giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2, tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ vẫn cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực. Vốn FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng (+36.7% YoY), đà hồi phục của vốn đăng ký FDI đã kéo dài từ tháng 4/2023 tới nay, và sẽ còn duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới.

Vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực Chế biến chế tạo dẫn đầu cho thấy đà hồi phục bền vững và tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế qua lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp hồi phục từ tháng 8/2023 tới nay tuy với tốc độ còn chậm nhưng khả quan hơn nhiều so với đầu năm 2023. Số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều liên tục tăng trong 2 tháng đầu năm.

Xuất nhập khẩu đã qua giai đoạn khó khăn nhất, dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ do số ngày làm việc trong tháng 2 ít hơn cùng kỳ. Nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển đang dần hồi phục và sẽ rõ nét hơn sau khi Fed giảm lãi suất vào cuối Q2/2024, qua đó sản lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng tốt hơn. Trong khi đó, cầu tiêu dùng trong nước trong tháng 2 vẫn trong xu hướng tăng nhưng với tốc độ chậm.

Lạm phát trong tháng 2 có xu hướng tăng nhẹ trong dịp Tết, cũng như vẫn còn chịu áp lực từ giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, áp lực tăng giá điện trong thời gian tới.

Lãi suất và tỷ giá có những biến động trong tháng nhưng nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát: Lãi suất qua đêm tăng đột biến 2-3 phiên trong tháng do nhu cầu thanh khoản ngắn hạn tại một số ngân hàng, tuy nhiên đã bình ổn trở lại, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tại các NHTM vẫn ở mức thấp, hỗ trợ cho nền kinh tế; Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 2 do giá USD trên thị trường thế giới tăng mạnh và chênh lệch lãi suất USD-VNĐ vẫn còn cao.

Tuy nhiên, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, mức độ mất giá VNĐ đang ở mức thấp hơn. Kỳ vọng tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024.