1.800 tỷ ưu tiên 3 dự án dở dang "đội vốn" trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Quốc lộ 70 vẫn chờ vốn
Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ Giao thông vận tải chưa thể cân đối được nguồn vốn để nâng cấp Quốc lộ 70. Thay vào đó cân đối khoảng 1.810 tỷ đồng để hoàn thành ba dự án dở dang "đội vốn" chậm tiến độ và dự kiến khởi công mới một dự án...
Cử tri tỉnh Yên Bái, cho biết Quốc lộ 70 là tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia quan trọng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương vùng Tây Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai được xây dựng từ năm 1970.
Đến nay, "lượng xe lưu thông hàng ngày trên tuyến đường này rất lớn, tuy nhiên quy mô đường cấp IV miền núi với bề rộng mặt đường hẹp 7,5m, do đó thường xuyên xảy ra tai nạn gây ùn tắc, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân", cử tri tỉnh Yên Bái Cử nêu rõ bất cập. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu, đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường để các phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi và an toàn.
KHÓ KHĂN CÂN ĐỐI NGUỒN LỰC, CHƯA BỐ TRÍ VỐN NÂNG CẤP QUỐC LỘ 70
Trả lời cử tri tỉnh Yên Bái, Bộ Giao thông vận tải, cũng khẳng định Quốc lộ 70 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã đưa Quốc lộ 70 vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tuyến Quốc lộ 70 được quy hoạch với chiều dài khoảng 200km, trong đó, đoạn qua tỉnh Yên Bái có chiều dài khoảng 85km, quy mô cấp IV, 2-4 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái về nhu cầu đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 70 nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho nhân dân trong vùng, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo quốc phòng an ninh cho tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung.
Tuy nhiên, "do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho tuyến quốc lộ này", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp tuyến đường.
Trong khi chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
BA DỰ ÁN DỞ DANG "ĐỘI VỐN" CHẬM TIẾN ĐỘ ĐƯỢC ƯU TIÊN
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối được khoảng 1.810 tỷ đồng để hoàn thành ba dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước và dự kiến khởi công mới một dự án.
Theo đó, ba dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước gồm dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - Tp. Yên Bái; Quốc lộ 37 đoạn Km280 - Km340. Đồng thời, dự kiến khởi công mới dự án tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Về các dự án đang triển khai dở dang trên địa bàn tỉnh, với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Việc "đội vốn" giải phóng mặt bằng hơn 700 tỷ đồng khiến tiến độ thi công dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi, đặc biệt là qua địa phận tỉnh Lai Châu ảnh hưởng lớn. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng, tăng khoảng 707 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo UBND TP. Lai Châu cùng ba huyện có dự án đi qua và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục, chi trả tiền đền bù, tuyên truyền vận động các hộ dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đối với các phạm vi còn lại trước ngày 15/4.
Còn hai dự án nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái (Km79 - Km96+500) và dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km280 - Km340 đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái cũng bị “vỡ” kế hoạch về đích do "đội vốn" mặt bằng và nhà thầu thi công chậm. Bộ Giao thông vận tải đã cho hai dự án vào diện theo dõi đặc biệt đối với các công trình phải hoàn thành trong năm 2022.
Với dự án dự kiến khởi công năm nay, tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 từng được đề xuất với tổng chiều dài khoảng 83km, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.