06:00 07/07/2023

4 quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng

Nhật Dương

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội…

Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“PHAO CỨU SINH” CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI THẤT NGHIỆP

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong đó, về tiền trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, tiền trợ cấp thất nghiệp được chi trả hằng tháng cho người lao động. Mỗi tháng, người lao động thất nghiệp phải đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm mới được nhận tiền trợ cấp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thêm 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Thời gian hưởng tối đa bằng 12 tháng.

Về hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động bị bị thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

Về hỗ trợ học nghề, căn cứ Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề như sau: Khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Về hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, theo Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động như sau: Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

CHÍNH SÁCH NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN, THÊM NHIỀU ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THỤ HƯỞNG

Đánh giá về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, sau hơn 14 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, bệ đỡ cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc.

Theo ông Tú, kể từ khi chính sách được thực hiện vào năm 2009, ban đầu dự kiến có khoảng 4,5 triệu người tham gia, nhưng ngay năm đầu tiên đã có 5,9 triệu người tham gia. Hiện nay, cùng với lộ trình mở rộng đối tượng, công tác tuyên truyền, thì số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hàng năm đều tăng. Do đó, ngày càng nhiều người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Cao điểm nhất năm 2020 có hơn 1 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay có hơn 8 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 270.000 người được hưởng hỗ trợ học nghề từ chính sách này, trên 13 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Chính sách càng phát huy hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 năm 2020, 2021, thông qua một số chính sách từ Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 03, Nghị quyết 24 về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở sử dụng kết dư Quỹ này.

Riêng trong hai năm 2021, 2022, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho trên 13 triệu người lao động, với số tiền trên 31 nghìn tỷ đồng, giảm đóng cho trên 446.000 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền trên 9.100 tỷ đồng. Tổng số hỗ trợ qua gói từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Qua đó, đã khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh bình thường, và trong bối cảnh bất thường như dịch Covid-19.

Hiện nay chính sách này cũng càng ngày càng được hoàn thiện hơn, đặc biệt sắp tới khi sửa đổi Luật Việc làm. Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, Luật Việc làm sẽ sửa đổi 4 nhóm chính sách lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững.

Trong đó, với nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp làm công cụ quản trị thị trường lao động, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.