07:06 10/11/2016

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng

An Huy

Có lẽ tính cách và sức hấp dẫn của Trump quá mạnh, đến nỗi bê bối không thể “vùi dập” nổi ông

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.<br>
Donald Trump đã đi ngược lại tất cả những kỳ vọng ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống cách đây hơn một năm.

Hầu như chẳng có ai nghĩ ông sẽ thực sự chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng ông đã tranh cử thật. Mọi người nghĩ Trump sẽ chẳng “ngóc đầu dậy nổi” trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng ông đã tiến những bước dài và nhanh. Họ nghĩ ông sẽ không thắng được bầu cử sơ bộ, nhưng ông đã thắng. Họ cho rằng ông sẽ không giành được tấm vé đề cử của Đảng Cộng hòa, nhưng ông vẫn trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng.

Thế rồi, họ nói ông chẳng thể nào đấu nổi với đối thủ đến từ Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, chứ đừng nói gì đến chuyện thắng trong cuộc tổng bầu cử. Và giờ nước Mỹ đã có một vị Tổng thống đắc cử mang tên Donald Trump.

Hãng tin BBC đã phân tích 5 lý do đưa Trump đến chiến thắng trong cuộc bầu cử gay cấn và lịch sử này:

Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri là người lao động da trắng

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng 1
Ảnh: Getty.

Một loạt bang “chiến trường” - nơi cử tri không rõ nghiêng về bên nào, khiến hai ứng cử viên phải quyết liệt vận động tranh cử - từ Ohio cho tới Florida và North Carolina lần lượt xướng tên người chiến thắng là Trump.

Loạt chiến thắng giòn giã của vị tỷ phú nhà đất đẩy bà Clinton về “bức tường lửa màu xanh” - những bang “thành lũy” của Đảng Dân chủ. Nhưng rồi “bức tường lửa” rốt cục cũng bị phá vỡ.

Thành trì cuối cùng của cựu đệ nhất phu nhân nằm ở các bang vùng Midwest. Đó là những bang mà các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đã thắng liên tiếp trong nhiều thập kỷ nhờ sự ủng hộ của cử tri da màu và cử tri là người lao động da trắng.

Những người lao động da trắng, đặc biệt là những người có chút bằng cấp, cả nam giới và phụ nữ, đã ồ ạt quay lưng lại với vị ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Cử tri ở các vùng nông thôn đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao. Những người Mỹ cảm thấy bị lãng quên bởi hệ thống chính trị truyền thống và tụt hậu so với tầng lớp tinh hoa ở các thành phố ven biển cũng đi bỏ phiếu đông đảo để thể hiện tiếng nói của mình.

Bà Clinton đã giữ được hai bang Virginia và Colorado, nhưng thất thủ ở Wisconsin và những niềm hy vọng Nhà Trắng của bà cũng tắt theo thất bại ở bang này.

Cuối cùng, bà Clinton có thể giành đa số phiếu của cử tri da màu ở California và New York, hay thua với tỷ lệ phiếu sít sao hơn so với dự kiến ở những bang trung thành với Đảng Dân chủ như Utah, nhưng làn sóng cử tri da trắng ủng hộ ông Trump đã dâng cao ở những bang này, và đưa ông tới chiến thắng.

Bê bối “chào thua” Trump

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng 2
Ảnh: Getty.

Trong quá trình tranh cử, Trump đã buông lời xúc phạm cựu binh Mỹ John McCain, một thượng nghị sỹ có ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa. Ông “gây chiến” với người dẫn chương trình được ưa thích của kênh Fox News, bà Megyn Kelly.

Ông chế nhạo một cựu Hoa hậu Hoàn vũ bị tăng cân. Ông xin lỗi nửa vời về đoạn video bị rò rỉ cho thấy ông có những lời khiếm nhã về phụ nữ. Màn thể hiện của ông trong ba cuộc tranh luận trực tiếp với bà Clinton cho thấy ông chẳng chuẩn bị trước gì nhiều.

Nhưng rồi Trump vẫn chẳng “hề hấn” gì. Sau mỗi vụ bê bối hay phát ngôn gây tranh cãi, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò dư luận lại giảm mạnh, chỉ để rồi tăng nhanh trở lại.

Có lẽ những câu chuyện gây sốc về Trump diễn ra quá nhanh và liên tiếp, đến nỗi chẳng sự việc nào có thể gây tổn thất cho ông. Có lẽ tính cách và sức hấp dẫn của Trump quá mạnh, đến nỗi bê bối không thể “vùi dập” nổi ông. Cho dù lý do là gì, thì Trump vẫn là một người có khả năng “chống đạn”.

Trump bị chính Đảng Cộng hòa “ghét”

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng 3
Ảnh: AP.

Trump chạy đua với những người Dân chủ. Ông cũng chạy đua với chính những thế lực trong Đảng Cộng hòa của ông. Và ông đã đánh bại tất cả.

Trump đã xây cho mình một “ngai vàng” bằng chính thất bại của những đối thủ cùng đảng trong cuộc đua sơ bộ. Một loạt đối thủ đã bị Trump đánh bại như Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Christie, hay Ben Carson sau đó đều chấp nhận ủng hộ ông, trừ một số người như Jeb Bush và John Kasich.
 
Đối với những người khác trong nội bộ đảng, từ Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan trở xuống, Trump thậm chí không cần sự giúp đỡ từ họ. Trên thực tế, Trump thắng có lẽ vì chính ông sẵn sàng giữ lập trường chống lại họ.

Sự “bất cần” của Trump có thể đã minh chứng cho sự độc lập và địa vị “người ngoài” của ông trong Đảng Cộng hòa vào thời điểm mà người Mỹ đã chán ngán với những chính trị gia chuẩn mực truyền thống.

Một số ứng cử viên khác cũng cảm nhận được tâm trạng này của công chúng, như Bernie Sanders của Đảng Dân chủ hay Cruz. Tuy nhiên, không ai nắm bắt tốt hơn Trump, và Trump đã giành được Nhà Trắng.

Nhân tố Comey

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng 4
Ảnh: Reuters.

Các cuộc thăm dò dư luận đã làm một công việc quá tệ khi dự báo về tâm lý của cử tri, đặc biệt là ở các bang vùng Midwest. Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, có một thực tế là kết quả thăm dò dư luận đủ sát nút để Trump có cơ hội thắng.

Cách đó hai tuần, cơ hội thắng của Trump không được rõ như vậy. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey tuyên bố mở lại cuộc điều tra về máy chủ e-mail cá nhân của bà Clinton. Vài ngày sau, ông Comey lại tuyên bố không tìm thấy bằng chứng bà Clinton phạm luật.

Chính trong khoảng thời gian giữa hai tuyên bố này của người đứng đầu FBI, tỷ lệ ủng hộ Trump trong các cuộc thăm dò dư luận tăng mạnh hơn bao giờ hết. Có vẻ như khoảng thời gian đó chính là cơ hội để Trump củng cố lực lượng, đưa những cử tri theo trường phái bảo thủ trở lại phe của ông, đồng thời khiến bà Clinton không thể chốt hạ một thông điệp thuyết phục đối với cử tri.

Dĩ nhiên, hành động của ông Comey sẽ không thể là một nhân tố giúp Trump thắng nếu trước đây bà Clinton chỉ sử dụng máy chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ để trao đổi thư từ khi làm Ngoại trưởng. Chuyện này hoàn toàn là lỗi của bà.

Trump tin vào bản năng

5 lý do đưa Donald Trump vào Nhà Trắng 5
Ảnh: AP.

Trump đã có một trong những chiến dịch tranh cử “khác người” nhất từ trước đến nay, nhưng xem ra ông hiểu chuyện hơn tất cả mọi chuyên gia.

Ông đã chi nhiều tiền cho việc mua mũ phát cho cử tri hơn là chi cho các nhà thăm dò dư luận. Ông dành thời gian đi tới những bang như Wisconsin và Michigan, những bang mà các học giả nói là ngoài tầm tay của ông. Ông tổ chức những sự kiện vận động tranh cử với đám đông lớn khán giả, thay vì cho nhân viên đi gõ cửa từng nhà thuyết phục cử tri.

Ông có một kỳ đại hội toàn quốc của đảng đầy bất hòa và đôi lúc náo loạn, nhưng khép lại là một bài phát biểu nhận đề cử phác họa hình ảnh nước Mỹ u ám hơn bất kỳ bài phát biểu nào khác trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại.

Số tiền mà ông chi cho chiến dịch tranh cử chỉ bằng một phần so với những gì mà bà Clinton đã chi, tương tự như cách chi trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ông đã đảo ngược quan niệm truyền thống về làm thế nào để trúng Tổng thống.

Tất cả những quyết định này của ông, và nhiều quyết định khác nữa, từng bị những người “hiểu biết” đem ra làm chuyện cười.

Nhưng sau tất cả, đó là cách làm mang lại hiệu quả. Trump và những người gần gũi nhất của ông - vợ con và một vài cố vấn - là những người có thể mỉm cười ở phần cuối của câu chuyện. Và họ sẽ mỉm cười từ Nhà Trắng.