500 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam đạt hơn 9 triệu tỷ đồng doanh thu năm 2023
Với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 84,2%, nhóm 500 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam (Value500) đạt doanh thu năm 2023 hơn 9 triệu tỷ đồng…
Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp Value 500 thuộc Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về các doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam cho thấy tổng doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam đạt hơn 9 triệu tỷ đồng.
Trong đó, năng lượng – dầu khí dẫn đầu về doanh thu với hơn 1.939 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là các ngành như điện tử, ngân hàng – tài chính, thực phẩm – đồ uống… Đáng chú ý, dù tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn, nhưng các doanh nghiệp Value500 vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu. Có 93,1% doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng so với năm trước, trong đó 34,5% doanh nghiệp tăng doanh thu từ 15-30%.
Dù vậy, ngân hàng – tài chính mới là ngành có lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong danh sách Value 500 với gần 253 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là năng lượng – dầu khí, công nghệ thông tin – viên thông và bất động sản…
Đối với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, có 82,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết triển vọng lợi nhuận tăng, cụ thể có 37,9% doanh nghiệp triển vọng tăng ít hơn 15%; 27,6% doanh nghiệp tăng từ 15-30% và 17,2% doanh nghiệp tăng trên 30%.
Về tổng đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong năm 2023, các doanh nghiệp trong khảo sát đã nộp 551,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng chiếm tỷ trọng 32,1% trong tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê (ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng).
Ngành năng lượng – dầu khí đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm 2023, tiếp đến là các ngành logistics, ngân hàng – tài chính, công nghệ thông tin – viễn thông…
Về tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tạo giá trị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong năm 2023, các doanh nghiệp trong khảo sát đã tạo việc làm cho gần 1,9 triệu lao động, thu nhập bình quân của lao động trong năm là 20,3 triệu đồng/tháng.
Liên quan tới cam kết ESG và đổi mới sáng tạo, có đến 90% doanh nghiệp được hỏi đã cam kết về ESG trong 3-5 năm tới. Đồng thời, 96% doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về việc đưa các tiêu chí này vào các hoạt động chiến lược, thể hiện sự cam kết trong việc phát triển bền vững và quản trị minh bạch. Trong đó, 79,3% doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động giảm thiểu tác động môi trường như đánh giá và quản lý rủi ro tác động lên biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với cổ đông và các bên liên quan, minh bạch tài chính là một yếu tố được chú trọng hàng đầu. 96,5% doanh nghiệp đã thực hiện việc quản trị tài chính minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho cổ đông, góp phần củng cố niềm tin và mối quan hệ hợp tác lâu dài. Bên cạnh đó, 93,1% doanh nghiệp đã cam kết liên tục đổi mới và phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi 86,2% doanh nghiệp đã thực hiện chi trả cổ tức ổn định và đảm bảo lợi ích tài chính lâu dài cho cổ đông.
Cùng với các cam kết, các doanh nghiệp cũng đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp, sáng kiến và chính sách để đạt được các mục tiêu liên quan đến ESG.
96,5% doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR), 82,7% doanh nghiệp đang cải tiến sản phẩm và dịch vụ để thân thiện hơn với môi trường, đồng thời 75,9% doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược tăng trưởng dài hạn để đảm bảo lợi nhuận bền vững cho cổ đông.
Ngoài ra, 72,4% doanh nghiệp đã tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững vào toàn bộ hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, 68,9% các doanh nghiệp đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển các giải pháp công nghệ mới. Việc ứng dụng công nghệ cũng được đẩy mạnh với 56,7% doanh nghiệp sử dụng AI, Big Data và IoT để tối ưu hoá quy trình sản xuất và quản lý. Đáng chú ý, hơn một nửa tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát (55,2%) đã thiết lập các quỹ dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, giúp duy trì sự ổn định và bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo, 43,3% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên ngân sách cho đổi mới và 26,7% có kế hoạch tăng ngân sách này. Các doanh nghiệp đã tích cực triển khai các công nghệ mới như bảo vệ dữ liệu, phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP) và trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hiệu suất và khả năng cạnh tranh.
Theo kết quả khảo sát có tới 82,8% doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng, 79,3% doanh nghiệp đã triển khai các phần mềm quản trị doanh nghiệp cho thấy một xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ trong việc tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý.