12:16 19/05/2010

ADB cảnh báo về dòng vốn “không ổn định” vào châu Á

Hoàng Vũ

ADB khuyến cáo chính phủ các nước châu Á mới nổi cần cẩn trọng và sẵn sàng hành động với những dòng vốn không ổn định

Trụ sở của ADB tại Manila, Philippines.
Trụ sở của ADB tại Manila, Philippines.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến cáo chính phủ các nước châu Á mới nổi cần cẩn trọng và sẵn sàng hành động, trong trường hợp những dòng vốn “không ổn định” đe dọa các thị trường tài chính khu vực.

Ngày 18/5, ADB phát đi thông cáo với nội dung tập trung vào bản báo cáo về thị trường vốn khu vực vừa công bố. Thông cáo trên nhấn mạnh: các thị trường vốn ở khu vực châu Á mới nổi đã công bố các mức lợi nhuận ngày càng tăng khi sự phục hồi kinh tế ở khu vực đang tiến triển, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ bên ngoài. Tác động của vấn đề nợ nần leo thang ở châu Âu không lớn.

Tuy nhiên, các nền kinh tế và các thị trường đang đối mặt với hàng loạt những rủi ro khác khi lạm phát, cho dù có thể kiểm soát được, đang tăng cao và khi các chính phủ chuẩn bị kết thúc các gói kích thích kinh tế.

Và theo báo cáo “Asia Capital Markets Monitor” (“Theo dõi các thị trường vốn châu Á”, là đánh giá hàng năm của ADB về tình hình hoạt động và triển vọng của các thị trường tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu của khu vực), vừa công bố, việc quản lý các dòng vốn lớn vào các thị trường khu vực đang là một thách thức chủ yếu.

“Các nhà đầu tư nước ngoài đã vội vã quay lại với các thị trường châu Á mới nổi, do sự phục hồi nhanh chóng của khu vực từ khủng hoảng toàn cầu, sự khao khát chấp nhận rủi ro quay trở lại, và lợi nhuận thu được từ tài sản ở các nền kinh tế phát triển chỉ đạt rất thấp”, ADB nhận định.

Srinivasa Madhur, quyền Vụ trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, đơn vị chuẩn bị báo cáo trên, nói: “Mặc dù các dòng vốn quay trở lại là một điều đáng hoan nghênh, nhưng sự tăng vọt của các dòng vốn ngắn hạn có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước nguy cơ nguồn vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều đột ngột hoặc các chuyển dịch tiền tệ đột biến”.

Ông này cũng nhận định thêm: “Nói chung, khu vực đang rất vững vàng trước khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và tác động lan truyền tiềm tàng của nó”.

Theo phân tích của bản báo cáo, giá cổ phiếu ở các nước châu Á mới nổi đã tăng thêm 73% tính theo đồng đô-la Mỹ trong năm 2009 trong khi tổng giá trị phát hành của các trái phiếu bằng đồng bản tệ đạt 3,69 nghìn tỉ Đô la Mỹ, cao hơn 41,4% so với tổng giá trị năm 2008. Kèm với phân tích này, ADB cho rằng “vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đã tạo ra áp lực đáng kể đối với các đồng tiền khu vực”.

Theo bản báo cáo, mặc dù có những bước phát triển theo chu kỳ thuận lợi, kết quả khả quan của các cổ phiếu của các nước châu Á mới nổi trong năm 2009 hạn chế mức độ đem lại lợi nhuận hơn nữa. Đường cong sinh lời của các trái phiếu chính phủ khu vực đã có hướng dốc và nó có thể còn tiếp tục khi các kỳ vọng về lạm phát tăng lên và các cơ quan quản lý tiền tệ tăng lãi suất chính thức.

Các đồng tiền của các nước châu Á mới nổi đã tăng giá so với đồng đô-la Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau. Áp lực tăng giá trị đồng tiền sẽ ngày càng tăng khi dòng vốn tiếp tục chảy vào, điều này sẽ gây ra biến động đối với một số đồng tiền.

Báo cáo cho rằng sự tăng vọt mới đây của dòng vốn chảy vào bắt nguồn từ dòng vốn đầu tư gián tiếp khi các nhà đầu tư tận dụng khả năng thu lời ngày càng chênh lệch giữa các thị trưởng châu Á mới nổi và các thị trường đã phát triển.

Việc áp dụng kiểm soát vốn có thể phù hợp trong một số tình huống khi dòng vốn đầu tư chỉ mang tính chất tạm thời, tạo thêm áp lực không phù hợp lên tỷ giá hối đoái và khi tính hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô đối phó với biến động về tỷ giá và biến động về dòng vốn là không chắc chắn.

Và để quản lý dòng vốn, theo ông Madhur, đòi hỏi hàng loạt các biện pháp chính sách như có sự quản lý kinh tế vĩ mô chắc chắn, một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, một hệ thống tài chính vững vàng, và đôi khi cả việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời và có trọng điểm.

Báo cáo “Asia Capital Markets Monitor” đề cập đến 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.