11:09 24/12/2018

Ấn Độ “qua mặt” Đức về quy mô thị trường chứng khoán

Bình Minh

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục được minh chứng

Thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện lớn thứ 7 thế giới về vốn hóa - Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện lớn thứ 7 thế giới về vốn hóa - Ảnh: Bloomberg.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục được minh chứng khi thị trường chứng khoán nước này vượt qua thị trường chứng khoán Đức về giá trị vốn hóa, theo đó chiếm vị trí thứ 7 thế giới.

Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, đây là lần đầu tiên trong 7 năm, thị trường chứng khoán tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới "qua mặt" thị trường chứng khoán tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu về quy mô.

Điều này đồng nghĩa với việc khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3 năm sau, khối này chỉ còn duy nhất một quốc gia là Pháp nằm trong top 7 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.

Ấn Độ “qua mặt” Đức về quy mô thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Diễn biến vốn hóa thị trường chứng khoán Đức (màu xanh) và Ấn Độ (màu trắng) từ năm 2011 đến nay. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

Nhờ nhu cầu thị trường trong nước tăng trưởng vững, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Ấn Độ năm nay đã tránh được sự sụ giảm diễn ra ở các thị trường mới nổi khác, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng.

Việc quy mô của thị trường chứng khoán Ấn Độ vượt Đức cũng phản ánh những thách thức mà EU đang phải đương đầu, bao gồm mối quan hệ với nước Anh hậu Brexit, mâu thuẫn với Italy về ngân sách, và phong trào ly khai ở Tây Ban Nha.

Trong khi chỉ số MSCI Emerging Markets Index của thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi đã giảm 17% từ đầu năm, chỉ số S&P BSE Sensex của chứng khoán Ấn Độ đã tăng 5%.

Năm nay, khi thị trường toàn cầu bị phủ bóng bởi nỗi lo về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thuế quan trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi giới đầu tư trở nên thận trọng với các quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Đối với Đức, xuất khẩu đóng góp 38% tổng sản phẩm trong nước (GDP) - theo dữ liệu 2017 từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tỷ lệ này đối với Ấn Độ chỉ là 11%, đồng nghĩa với việc phần lớn cơ hội trên thị trường chứng khoán nước này xuất phát từ nhu cầu của thị trường trong nước.

Kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 7,5% trong năm nay và tăng 7,3% trong năm 2019. Trong khi đó, kinh tế Đức được dự báo chỉ tăng 1,6% trong cả năm nay và năm tới.