08:54 08/02/2024

Áo dài nam giới: Hành trình trở lại

Nhà thiết kế Chương Đặng

Mặc dù ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của người đàn ông Việt, nhưng qua những thăng trầm của lịch sử, có một khoảng thời giàn chiếc áo dài nam không còn hiện diện trong đời sống thường ngày... 

Ảnh: Đại Ngô
Ảnh: Đại Ngô

Không như áo dài nữ, áo dài nam trong lộ trình trở lại với xu hướng thời trang những năm gần đây gặp nhiều trắc trở. Cùng quay trở lại, áo dài cách tân của nữ ngay lập tức rơi vào vòng tranh luận, rồi tranh cãi gay gắt nên quá trình gạn lọc rất nhanh, chỉ trong một thập kỉ là các kiểu mẫu, chất liệu từ hoài cổ kinh điển đến phá cách tinh nghịch, từ lộng lẫy thảm đỏ đến bình dân váy đụp đều tìm thấy sự an toàn bền vững với nhóm người ủng hộ, lượng người yêu thích nhất định và trở thành trào lưu.

Trong khi thị trường áo dài nữ được hưởng ứng và đáp ứng đầy đủ thì áo dài nam lại chịu số phận “hẩm hiu” hơn. May thay, trong bối cảnh các chị em yêu thích thời trang và có tài chính tốt sẵn sàng chi tiêu cho những bộ áo dài lộng lẫy thì họ phát hiện ra các "đấng lang quân" dìu bước lên thảm đỏ, đi ăn cưới cặp, thậm chí mẫu chụp ảnh chung... đang thiếu một chiếc áo dài nam!

Thế là một cuộc chạy đua với thời gian xảy ra nhằm đáp ứng nhu cầu cho một nửa còn lại của thế giới. Nhưng cũng chính vì nhu cầu áo "có cặp có đôi" đã biến rất nhiều nam nhân buộc phải mặc một chiếc “áo nữ may rộng”. Những hình ảnh “sai sai” này đã bóp chết niềm hứng khởi mong manh vừa mới nhen nhóm trong nhóm đàn ông Việt yêu thích thời trang về một chiếc áo truyền thống của phái mạnh.

TÍNH NAM CHUẨN MỰC CỦA ĐÀN ÔNG VIỆT

Khác biệt lớn nhất của chiếc áo dài Việt Nam với những loại áo tà dài khác của Ấn Độ hay Trung Quốc chính là chiếc áo dài Việt Nam không có đường cắt trên vai áo, mà tà trước và tà sau là một mảnh vải nguyên. Ví dụ dài áo là 1,6 mét thì người ta phải cần khúc vải dài hơn 3,2 mét để cắt áo. Chính vì đặc điểm này mà phần vai và nách áo tạo thành những nếp gấp hợp lí khi vận động.

Đàn ông Việt thường có vai xuôi, thân hình vừa phải không cao lớn, nhưng khi mặc chiếc áo dài vào người ta dễ nhận thấy một hình tượng của phái nam á đông điển hình: sự dịu dàng nhưng không uỷ mị, sự dẻo dai, nhẫn nại và phóng khoáng, lãng mạn. Một bờ vai lí tưởng ấm áp, một khuôn ngực đủ chở che nồng nàn. Những tính nam quyến rũ chuẩn mực của một người đàn ông Việt.

Nhà thiết kế Chương Đặng tâm huyết với trang phục áo dài nam giới.
Nhà thiết kế Chương Đặng tâm huyết với trang phục áo dài nam giới.

Đàn ông Việt mặc áo dài đi đâu? Người ta cứ nghĩ chỉ những người hay ra ngoài giao tế, những doanh nhân, chính khách, những người thường lui tới những sự kiện quan trọng mới cần đến áo dài. Đúng, nhưng chưa đủ! Người nam giới nước Việt nào cũng nên có một chiếc áo dài như trang phục dự phòng trong bất kì dịp quan trọng nào. Mà muốn mặc đồ trang trọng đẹp, một người cần thực tập rất nhiều cho cơ thể làm quen với bộ trang phục.

Chiếc áo dài của nam hay nữ nó đều tạo ra gió! Từ dáng đi, thế ngồi đều đòi hỏi những dòng khí đối lưu khiến chiếc áo tạo thành điểm tựa quan trọng cho một phong cách. Với dáng vẻ khiêm tốn hơn so với các dân tộc phương Tây, đàn ông Việt thường có điểm thu hút nam tính bằng thần thái của ánh nhìn, của cử động và thái độ với cuộc sống. Áo dài nam truyền thống làm tôn lên một bờ vai mở rộng, nó khiến người khác cảm nhận sự phóng khoáng và bao dung; tà áo nam vừa phải thường là chất liệu thẳng, và cứng không rũ rượi mà đủ thẳng thớm như một nan quạt dịu dàng, chỉ phất nhẹ là có thể tạo gió vỗ về.

Áo dài nam giới: Hành trình trở lại - Ảnh 1

Theo cách trên thì tà áo dài xuất hiện ở đâu cũng là hợp lí: đi nhà thờ hay lễ chùa, ngồi cà phê với bạn hay dạo phố với người yêu, đi tiệc hiếu-hỉ hay họp phụ huynh cho con... Đâu cũng có thể là những background hoàn hảo khiến chiếc áo dài không còn là hình ảnh mang tính sân khấu; mà ngược lại: chính là phong cách thời trang của một người, trong sự chú tâm cẩn trọng với tình huống, tôn trọng người gặp mặt.

VẺ ĐẸP TỪ SỰ KHIÊM NHƯỜNG

Ưu thế cạnh tranh của chiếc áo dài cho đàn ông Việt hơn hẳn những bộ veston vốn ngay từ khi được tạo ra đã nhằm tôn vinh hình thể và vóc dáng của đàn ông phương Tây. Sự chỉn chu, mực thước, nghiêm nghị từ hình thức dựng phom áo, chất liệu, đường may mũi chỉ đến quy trình “fitting” khiến bộ đồ vest phương tây mang đầy màu sắc của tính nam quyền quí, chiếm ưu thế và áp đảo. Chiếc áo dài Việt Nam thì khiêm tốn hơn, nhưng lại có ưu điểm riêng nhờ tính linh hoạt, dẻo dai và thơ thới bao dung.

Có lẽ vì thế, từ rất lâu những chính khách, doanh nhân, nhà văn hoá và giới nghệ sĩ, giới sáng tạo Việt nam đều thích chọn áo dài như một trang phục cho phong cách thời trang, cũng như phần nào nói lên tính cách, phông nền văn hoá và khiếu thẩm mỹ của đàn ông nước Việt. Không những thế, khi trang phục truyền thống cũng chính là một sản phẩm thời trang có ngôn ngữ thẩm mỹ, chiếc áo dài còn là lựa chọn của những chàng trai nước ngoài yêu thích văn hoá phương Đông.

Người mẫu: Pierric Calmette. Ảnh: Nguyễn Hoài Hương.
Người mẫu: Pierric Calmette. Ảnh: Nguyễn Hoài Hương.

Giống như bất kì sản phẩm thời trang nào khác, chiếc áo dài cho nam giới có những sự tự do nhất định trong đổi mới sáng tạo, nhưng sau cùng chính mỗi người mặc sẽ chịu trách nhiệm cho phong cách thời trang của mình và đón nhận phản ứng từ người xung quanh. Để mặc đúng, có khi không khó bằng mặc đẹp. Mặc đẹp là lựa chọn phù hợp với cá tính, sở thích, phong thái của riêng mình nhưng lại có tính thuyết phục cao với số đông.

Bản sắc văn hóa của áo dài là sự khiêm nhường, giản dị. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có câu: “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng của dân tộc thì gặp nhân loại”. Bản chất của vấn đề là sự giản dị, khiêm nhường, thẩm mỹ tinh tế. Nếu như trước đây, khi có áo mới, vải áo vẫn còn màu sắc gấm vóc rực rỡ, thì để thể hiện tính khiêm nhường, các cụ khoác áo the ra bên ngoài. Ngày nay, các nhà thiết kế phải làm sao mang được nét văn hóa khiêm nhường, giản dị ấy vào trang phục.

Áo dài nam giới: Hành trình trở lại - Ảnh 2
Áo dài nam giới: Hành trình trở lại - Ảnh 3
 
Ảnh: Tùng Phan 
Ảnh: Tùng Phan 

Còn về phía người tiêu dùng, khi chọn áo dài nam, cần lưu ý 2 điều quan trọng:

Về chất liệu, cũng giống như vải dùng may vest, chất liệu của vải sẽ nói lên công năng, mục đích, điều kiện tài chính và thói quen sinh hoạt của người sử dụng. Nhóm vải cứng, thì không nên có bề mặt bóng, hoạ tiết cầu kì. Nhóm vải mềm thì cấu trúc bề mặt nên có gân, khối, sợi đan sẽ giúp cho chiếc áo dài khi đạt đến phom dáng lí tưởng sẽ đủ trang nhã, lịch lãm. Màu sắc cũng phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu. Cũng là màu xanh lá nhưng trên chất liệu linen có thể dễ chịu hơn một loại sợi bóng, cứng. Hiệu ứng màu sắc trong sự kiện, ngoài trời, trong nhà, di chuyển ít hay nhiều … cũng đều là những dữ kiện lưu ý và sử dụng khi lựa chọn.

Về phom dáng của áo,với khổ người của đàn ông Việt Nam, việc mặc áo dài ngắn ngang gối sẽ rất thách thức, vừa khó khăn trong tạo hiệu ứng các chỉ số hình thể, vừa khó tìm các phụ kiện đi kèm. Tìm được chiếc quần mặc kèm với áo ngắn cho đàn ông sẽ rất vất vả. Tương tự: vạt áo quá rộng, hoặc dài gần bằng gấu quần cũng đều tạo nên sự phức tạp không đáng có. Những yếu tố này gây cản trở trong việc “tạo gió”, tức là sự thoáng đãng, dễ chịu, tự nhiên khi di chuyển.

Tại hội thảo khoa học “Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại”, đã có ý kiến cho rằng cần thay đổi cách nhìn của nam giới về trang phục áo dài trong đời sống. Thậm chí, đã có đại biểu quốc hội cho rằng việc cho phép mặc áo dài nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài về lại với đời sống người Việt.

Còn trước mắt, khi Tết truyền thống đã gần kề, chọn một chiếc áo dài đẹp là chọn được cả mùa xuân an vui!