12:06 21/02/2023

Áp lực bán tăng, cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt chỉ số

Kim Phong

Tổng thanh khoản khớp lệnh trên HoSE sáng nay tăng 13% nhưng độ rộng co hẹp lại theo thời gian và phía giảm bắt đầu áp đảo từ 11h trở đi. Đó cũng là thời điểm VN-Index bắt đầu “bổ nhào” xuống dưới tham chiếu. Nhóm blue-chips đang điều chỉnh, trong đó cổ phiếu ngân hàng trượt dốc với biên độ mạnh...

Xếp theo giá trị khớp lệnh, cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo.
Xếp theo giá trị khớp lệnh, cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo.

Tổng thanh khoản khớp lệnh trên HoSE sáng nay tăng 13% nhưng độ rộng co hẹp lại theo thời gian và phía giảm bắt đầu áp đảo từ 11h trở đi. Đó cũng là thời điểm VN-Index bắt đầu “bổ nhào” xuống dưới tham chiếu. Nhóm blue-chips đang điều chỉnh, trong đó cổ phiếu ngân hàng trượt dốc với biên độ mạnh.

Nhịp tăng theo quán tính vẫn xuất hiện đầu phiên, VN-Index lên cao nhất trên tham chiếu 0,77% lúc 9h25. Từ đó trở đi chỉ số trượt dốc. Cổ phiếu hầu hết cũng có nhịp tăng thêm khá cao nửa đầu phiên. Điều này dẫn tới hệ lụy là biên độ trượt giảm trong phiên trở nên rộng hơn mức biến động so với tham chiếu.

Sàn HoSE chốt phiên sáng với 163 mã tăng/217 mã giảm. Độ rộng này tuy khá kém nhưng vẫn ở mức độ phân hóa. Dù vậy so với đỉnh đầu phiên có tới 282 mã tăng/42 mã giảm, thì hàng trăm cổ phiếu đã hạ độ cao.

Thống kê toàn sàn HoSE, có 233 cổ phiếu trượt giảm hơn 1% giá trị chỉ trong buổi sáng so với mức cao nhất ngày, tương đương gần 65% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch. Trong đó, 135 mã trượt giảm trên 2% và khoảng 70% số này giảm hẳn xuống dưới tham chiếu.

Nhóm blue-chips cũng có nhiều cổ phiếu trượt giảm mạnh và điều này ảnh hưởng xấu đến các chỉ số. VN30-Index từ mức tăng cao nhất 0,83% thì chốt phiên đã giảm 0,32%. Chỉ số này trượt giảm khoảng 1,14% nhưng nhiều mã giảm lớn hơn: VCB giảm 1,35% so với đỉnh, chốt dưới tham chiếu 0,58%; BID giảm 1,3%, chốt dưới tham chiếu 1,06%; VPB giảm 2,17%, chốt dưới tham chiếu 1,64%; MBB giảm 1,83% chốt giảm 0,79%; STB giảm 2,3%, chốt giảm 0,78%; VIB chốt giảm 0,68% so với tham chiếu nhưng là đã trượt dốc tới 2,46%....

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 5/10 vị trí khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, nổi bật là BID, VPB và CTG. Độ rộng của VN30 chỉ còn 8 mã tăng/18 mã giảm nên cũng khá nhiều cổ phiếu lớn khác gây ảnh hưởng như VNM, GAS, MSN. Ngay cả một số cổ phiếu vẫn còn đang tăng so với tham chiếu như VHM, VIC, VCB, MWG, GVR... cũng bị ảnh hưởng từ sức ép bán ra khá rõ.

Nhóm còn tăng ngược dòng sáng nay ghi nhận 65 cổ phiếu chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên. Tuy vậy số đạt thanh khoản cao thì không nhiều, nổi lên là IJC, LDG, NVL, SCR, ANV, DGW, DIG, IDI, PDR, TCH, những đại diện đạt thanh khoản trên 30 tỷ đồng. Có thể thấy nhóm bất động sản giao dịch vẫn khá tích cực sau phiên bùng nổ hôm qua. Trái lại, những nhóm ngân hàng, chứng khoán hay nhiều cổ phiếu khác lại hạ nhiệt khá nhanh.

VN-Index vẫn có thêm một nhịp tăng khá nhanh nữa đầu ngày, trước khi áp lực chốt lời xuất hiện.
VN-Index vẫn có thêm một nhịp tăng khá nhanh nữa đầu ngày, trước khi áp lực chốt lời xuất hiện.

Phiên tăng hôm nay mạnh bất ngờ và chỉ một ngày đã gia tăng biên lợi nhuận ngắn hạn rất tốt, thúc đẩy nhu cầu chốt lời hôm nay. Thị trường đã tạo đáy hay chưa vẫn là câu hỏi khó, nên khi có lời, nhà đầu tư có xu hướng hiện thực hóa để chờ các phản ứng tiếp theo. Sáng nay thanh khoản hai sàn niêm yết tăng gần 11%, đạt 5.668 tỷ đồng, nhưng 20 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất (chiếm 43% tổng khớp 2 sàn) thì chỉ có 7 mã tăng, còn lại là giảm.

Khối ngoại không đóng vai trò gì lớn trên thị trường và cũng không có giao dịch nổi bật nào với cổ phiếu. Tổng giá trị bán ra giảm nhẹ so với sáng hôm qua, đạt 477,7 tỷ đồng trong khi mua vào 476.8 tỷ. Mức bán ròng xấp xỉ 1 tỷ đồng là không đáng kể.

Tuy vậy, vị thế cân bằng này có được là do giao dịch mua ròng 34,1 tỷ đồng ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Nếu tính riêng cổ phiếu, khối này đang bán ròng mức độ tương ứng. Dù vậy cũng không có cổ phiếu nào bị bán quá nhiều, lớn nhất là DCM -18,8 tỷ, DXG -17,4 tỷ. Phía mua không có cổ phiếu nào quá 9 tỷ đồng ròng.