Áp lực bán tăng, số mã giảm gấp 3 lần số tăng, gần 90 cổ phiếu giảm sàn
Thị trường suy yếu rất đáng kể trong phiên chiều, dù những nỗ lực nâng đỡ của các mã lớn khiến VN-Index chỉ giảm hơn 6 điểm. Tuy nhiên cổ phiếu thì giảm sâu hàng loạt, số mã giảm trong chỉ số này gấp 3,2 lần số tăng, với 86 mã giảm sàn và riêng HoSE là 38 mã...
Thị trường suy yếu rất đáng kể trong phiên chiều, dù những nỗ lực nâng đỡ của các mã lớn khiến VN-Index chỉ giảm hơn 6 điểm. Tuy nhiên cổ phiếu thì giảm sâu hàng loạt, số mã giảm trong chỉ số này gấp 3,2 lần số tăng, với 86 mã giảm sàn và riêng HoSE là 38 mã.
Hiện tượng chỉ số được bù điểm số bằng trụ đang phản ánh diễn biến thị trường không chính xác. Mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống thấp hơn hẳn buổi sáng. HoSE kết phiên với 104 mã tăng/335 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng mới là 136 mã tăng/260 mã giảm. Không chỉ vậy, phiên sáng có 140 cổ phiếu giảm trên 1%, chiều nay tăng vọt lên 200 mã.
VN-Index đóng cửa chỉ giảm nhẹ 6,12 điểm tương đương -0,64% so với tham chiếu. Lực đỡ tốt từ BID tăng 2,61%, CTG tăng 2,09%, MSN tăng 1,2%, VJC tăng 2,34%, STB tăng 3,55%, ACB tăng 1,47%. Phần nhiều trong số này xuất hiện cú giật giá đợt ATC. MSN thậm chí đang từ giảm 2% được kéo vọt tăng 1,2%. CTG tăng chung cuộc 2,09% thì riêng đợt ATC tăng 1,88%.
Với mức sụt giảm giá ở cổ phiếu mạnh thêm buổi chiều, rõ ràng áp lực bán đã tăng lên. Thanh khoản tại HoSE chiều nay đã tăng 16% so với buổi sáng, đạt 3.719 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu chịu áp lực tăng vọt, kéo thanh khoản lên rất cao. HPG chốt phiên sáng mới giảm 1,01%, phiên chiều bị xả tới trên 331 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, giá lao thẳng xuống mức sàn cuối phiên. DIG từ giảm 5% cũng rơi về sàn, thậm chí mất thanh khoản. SSI giảm 3,36%, VND giảm 6,19%, GEX giảm 2,77%... đều là các cổ phiếu thanh khoản rất lớn.
Thực ra giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết cả ngày hôm nay khoảng 7.600 tỷ đồng là không cao. Đây thậm chí là mức thấp nhất 14 phiên vừa qua. Do đó mức giảm mạnh ở cổ phiếu có yếu tố kiệt sức mua, trong khi nhu cầu bán ngắn hạn vẫn gia tăng từng ngày từ khối lượng hàng về liên tục. Chỉ những nhà đầu tư bắt đáy hôm 16/11 là còn có lãi chắc chắn, số còn lại bắt đầu gánh chịu rủi ro tăng dần và vòng T+2,5 gần nhất phần lớn là lỗ.
Thanh khoản thấp cũng thể hiện sự khác biệt đáng kể trong quan điểm về thị trường từ phía người mua. Phần lớn lực cầu nằm ở vùng giá thấp để chờ đợi bên bán hạ giá xuống. Trong khi một bộ phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu hi vọng thị trường phát tín hiệu tạo đáy sẽ kích động dòng tiền sốt ruột mua đuổi giá lên thì rõ ràng thanh khoản sụt giảm này tạo sự dãn cách trong cung cầu. Cuối cùng một bên sẽ phải chấp nhận lùi bước. Chiều nay đó là một bộ phận nhà đầu tư cầm cổ cố gắng vớt vát lợi nhuận còn lại.
Với số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều hơn hẳn số tăng, VN-Index có phần khiến nhà đầu tư hiểu nhầm. Tuy chỉ số giảm khá ít, khoảng 2,4% trong 3 phiên vừa qua, thì hàng loạt cổ phiếu điều chỉnh mạnh gấp nhiều lần. Do đó nếu nhà đầu tư chỉ đánh giá thị trường qua chỉ số sẽ bỏ lỡ cơ hội chốt lời ngắn hạn tốt.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên này giao dịch cân bằng, với mức ròng +57,1 tỷ đồng ở HoSE. Cụ thể, tổng giá trị mua vào là 1.109,2 tỷ đồng, bán ra 1.052,1 tỷ đồng. NVL vẫn bị bán rất lớn với 180,1 tỷ ròng. Tuy vậy các cổ phiếu khác bán không đáng kể. Phía mua ròng có STB +81 tỷ, MSN, POW, BID, PHR quanh 20 tỷ đồng ròng.
Khối này giảm mua ròng nhưng cơ bản vẫn đang giao dịch cân bằng. Thực tế cũng có hoạt động chốt lời ngắn hạn tương đối rõ vào phiên đầu tuần này và thứ Sáu tuần trước, khi ghi nhận mức bán ròng. Đó cũng là hai phiên thị trường quanh đỉnh ngắn hạn. Dù vậy không có tín hiệu rõ ràng nào về ưu thế của bên bán, nên có thể đây cũng chỉ là các giao dịch đầu cơ nhanh. Dù sao tổng thể khối này vẫn đang bỏ ròng vốn vào thị trường mạnh trong tháng 11.