NVL và PDR được "giải cứu", thị trường liệu đã tạo đáy?
Áp lực giải chấp và giải chấp chéo diễn ra trên diện rộng đặc biệt tại nhóm bất động sản mà NVL và PDR là hai cổ phiếu khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất trong những ngày qua đã khiến Vn-Index bục đáy 900. Tuy nhiên nhóm này đã được "giải cứu", kỳ vọng thị trường sớm tạo đáy.
Sau 12 phiên cổ phiếu NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Novaland rơi tự do, giảm kịch sàn với hơn trăm triệu cổ phiếu chất la liệt không ai mua thì hai phiên giao dịch gần đây lượng khổng lồ này đã được sang tay. Riêng phiên giao dịch ngày 22/11, 129 triệu cổ phiếu được khớp lệnh tổng giá trị giao dịch 3.000 tỷ đồng. Trong phiên sáng 23/11, thêm 25,6 triệu cổ phiếu được hấp thụ.
Tương tự, PDR cũng được mua với khối lượng 35 triệu cổ giá sàn trong cùng thời điểm giao dịch ngày 22/11, giá trị khớp lệnh vào khoảng 558 tỷ đồng. Vẫn còn một lượng lớn 121,8 triệu cổ phiếu PDR nữa đang chất sàn.
Một trong những vấn đề lớn nhất của thị trường trong thời gian qua là thanh khoản bị tắc nghẽn. Áp lực giải chấp và giải chấp chéo diễn ra trên diện rộng đặc biệt tại nhóm bất động sản, trong đó NVL và PDR là hai cổ phiếu khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất trong những ngày qua. NVL với mức giảm hơn 60% đã cướp đi của thị trường gần 21 điểm còn PDR khiến chỉ số mất 4 điểm từ đầu tháng 11. VN-Index đã có lúc bục đáy 900 điểm.
Tuy nhiên, động thái giải cứu NVL và PDR trong hai phiên gần đây đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tạo đáy.
Diễn biến thực tế cho thấy, ngoài NVL và PDR, nhiều cổ phiếu bất động sản bị bán tháo trong thời gian vừa qua do áp lực giải chấp, giải chấp chéo như DIG, DXG, BCG, DXS đã có dấu hiệu hồi phục với ít nhất 2 phiên kịch trần. Trong khi đó, NLG và KDH bật tăng mạnh trong 5 phiên trước đó. Riêng trong tuần giao dịch vừa qua, nhóm ngành bất động sản cũng hồi phục tốt với các mã như VHM (+8,7%), VIC (+20,8%), DIG (+2,1%), NLG (+11,1%), KDH (+9,4%)...
Sau khi một lượng lớn cổ phiếu NVL và PDR được hấp thụ, kỳ vọng 2 cổ phiếu này sẽ sớm bật tăng kéo theo tâm lý tích cho nhóm bất động sản và cả thị trường. Bất động sản là nhóm chiếm vốn hóa lớn chỉ đứng sau ngân hàng.
Chuyển động của thị trường trong những phiên gần đây cũng đã phát đi tín hiệu khá tích cực. Tính từ phiên 16/11 - phiên VN-Index thanh khoản bùng nổ 1,2 tỷ cổ phiếu được sang tay, chỉ số đã tăng 33 điểm, tương đương mức tăng gần 4%.
Thanh khoản 5 phiên gần nhất trung bình đạt 9.540 tỷ đồng/phiên, tăng đáng kể so với một tháng qua chỉ khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/phiên, dấu hiệu bắt đáy khá rõ ràng ở những phiên bùng nổ như 16/11, 1,2 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh. Phiên giao dịch hai ngày sau đó, lượng hàng T2 về nhưng không còn áp lực bán tháo nữa mà thị trường hồi phục đi lên.
Một dấu hiệu khác cho thấy thị trường nhiều khả năng đã tạo đáy là dòng vốn ngoại tích cực. Khối ngoại có tuần mua ròng thứ hai liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 5.155,09 tỷ đồng. Tính 10 phiên qua, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 10.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Dòng vốn của khối ngoại là một số chỉ tiêu cho thấy quá trình hình thành đáy của Vn-Index. Thống kê trong 5 đợt thị trường giảm giá cho thấy, sau 1 tháng kể từ khi đáy hình thành thì dòng tiền có xu hướng rút ròng và sau 3 tháng trở đi dòng tiền quay trở lại mua ròng.
Cụ thể, đợt 2 19/10/2009 - 2/01/2012 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 102,2 tỷ đồng nhưng sau đó 3 tháng quay lại mua ròng 11,73 tỷ đồng. Đợt gần đây nhất là 20/1/2020 - 30/3/2020, nhóm này bán ròng 311 tỷ đồng trong một tháng sau đó 3 tháng sau mua ròng trở lại 123 tỷ đồng. Nếu chiểu theo diễn biễn trong quá khứ thì nhiều khả năng đây đã là vùng đáy của VN-Index.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, thị trường vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, chưa thể khẳng định đã chạm vùng đáy hay chưa, nguy cơ giảm vẫn có thể tái diễn liên quan đến thanh khoản, thắt chặt tín dụng, tăng trưởng doanh nghiệp có thể chậm lại vào năm 2022.
Tuy nhiên, đánh giá mới nhất của VinaCapital, cuộc thắt chặt tín dụng hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty bất động sản và một số công ty nhỏ hơn. Các công ty lớn ngoài công ty bất động sản vẫn tiếp tục tiếp cận đến các nguồn tín dụng, do đó, nỗi lo về thắt chặt tín dụng sẽ sớm lắng dịu với thị trường chứng khoán.
GDP Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng 8% vào năm 2022 và gần 6% vào năm 2023, trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp trên đà tăng trưởng với dự báo khoảng 17% trong năm nay và năm sau. Sự kết hợp giữa giá cổ phiếu giảm và lợi nhuận tăng đã khiến hệ số P/E năm 2022 của VNI giảm từ mức trên 17 lần vào đầu năm 2022 xuống còn 9 lần hiện tại, và P/E dự phóng 2023 là 8 lần, thấp hơn 40% so với định giá P/E dự phóng của các nước trong khu vực.
Còn Chứng khoán ACBS cho rằng, dự đoán đáy của thị trường có thể là một việc ngớ ngẩn, nhưng mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại cho các nhà đầu tư dài hạn cơ hội để tích lũy chứng khoán ở mức định giá hấp dẫn.