Áp lực bán tăng vọt, cổ phiếu điện vẫn ngược dòng rực rỡ
Với số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 5,2 lần số tăng giá trên sàn HoSE sáng nay, VN-Index bốc hơi 16,9 điểm tương đương 1,31% cũng là bình thường. Tuy nhiên dòng tiền vẫn tìm được những cổ phiếu “thú vị” và nhóm điện đi ngược ròng hoành tráng...
Với số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 5,2 lần số tăng giá trên sàn HoSE sáng nay, VN-Index bốc hơi 16,9 điểm tương đương 1,31% cũng là bình thường. Tuy nhiên dòng tiền vẫn tìm được những cổ phiếu “thú vị” và nhóm điện đi ngược ròng hoành tráng.
VN30-Index giảm 1,58% với 29/30 mã đỏ rực, duy nhất POW xanh, mà còn chốt ở giá kịch trần. Đó là tín hiệu tiêu biểu cho nhóm cổ phiếu điện sáng nay.
POW không phải là cổ phiếu blue-chips gây bất ngờ ở nhịp tăng này. Cho đến trước sáng nay, POW phục hồi khoảng 22% kể từ đáy tháng 5, sau khi đã bốc hơi trên 45% giá trị kể từ đỉnh đầu năm nay. Sáng nay POW đột biến thanh khoản khi dòng tiền đổ xô vào mua, giá được đẩy lên kịch trần. Chỉ mới buổi sáng POW đã khớp gần 34 triệu cổ, cao nhất kể từ tháng 1/2022. Cổ phiếu này hiện đang còn dư bán trần 1,26 triệu cổ và dư địa tăng thanh khoản vẫn còn.
POW chỉ là tiêu biểu cho nhóm cổ phiếu điện, rất nhiều mã khác trong nhóm này cũng tăng đáng kể: NT2 tăng 2,59%, VSH tăng 4,87%, REE tăng 4,58%, PPC tăng 3,2%, GEG tăng 1,18%, PC1 tăng 3,23%... Dĩ nhiên cũng có nhiều cổ phiếu điện không tăng, thậm chí giảm trên sàn HNX và UpCOM, nhưng các mã có thanh khoản tốt hầu hết đều mạnh.
Dĩ nhiên so với tổng thanh khoản của thị trường, các cổ phiếu điện chưa bao giờ đáng chú ý. Tuy nhiên so với từng mã, dòng tiền đang tạo thanh khoản rất tốt. POW là cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường sáng nay, nhưng REE mới phiên sáng cũng giao dịch xấp xỉ cả ngày hôm qua, NT2 hôm qua vừa đột biến thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm...
Điểm sáng nhất chính là bức tranh đằng sau hiện tượng tăng giá đồng loạt của nhóm cổ phiếu điện. Đó là cả thị trường lao dốc với biên độ lớn. Sàn HoSE sáng nay ghi nhận 382 mã giảm/74 mã tăng, trong đó 170 mã đang rơi trên 2%. Hiện tượng bán ra trên diện rất rộng, nhưng vẫn có quan điểm riêng về cơ hội tại nhóm cổ phiếu điện.
Ngay cả nhóm cổ phiếu liên quan đến giá dầu, dù giá dầu thế giới vẫn đang tăng mạnh, thì cũng bị chốt lời như DCM giảm 1,73%, DGC giảm 1,95%. Riêng nhóm dầu khí rung lắc mạnh và đang hồi lại đáng kể: GAS có lúc giảm 4,46% nhưng kết phiên sáng chỉ còn -0,08%. PVC từ giảm 4,76% còn 0,79%; PVS từ -4,44% còn -0,63%; PLX từ -2,45% còn -0,56%, BSR vẫn tăng 1,33%...
Phần còn lại của thị trường chịu áp lực rất lớn. Nhóm tài chính hầu hết là lao dốc nặng; Trong 27 mã ngân hàng không có mã nào tăng, 12 mã đang giảm trên 2%, 12 mã khác đang giảm trên 1%. Cổ phiếu chứng khoán có SBS, DSC, VUA ngược dòng nhưng đại đa số giảm mạnh. SSI giảm 3,97%, HCM giảm 4,3%, VCI giảm 3,05%, VND giảm 3,94%...
VN30-Index giảm 1,58% thể hiện rõ sức ép từ các blue-chips lên VN-Index. VHM giảm 1,59%, VCB giảm 1,25%, MSN giảm 2,14%, BID giảm 1,9%, TCB giảm 2,5%, CTG giảm 1,84% đang là các cổ phiếu gây áp lực nhất. Tuy nhiên các mã này cũng có tín hiệu phục hồi lại một chút cuối phiên. VIC, GAS, VNM, HPG thậm chí cả VCB đang là những ẩn số có thể giúp chỉ số phục hồi lại và thu hẹp đà giảm sang buổi chiều...
Thanh khoản tăng vọt 40% trên hai sàn niêm yết sáng nay phản ánh rõ nét áp lực tháo chạy. Tổng giá trị khớp đạt 11.588 tỷ đồng, trong đó HoSE là 10.125 tỷ đồng, tăng 35%. Thanh khoản tăng mạnh cho thấy khi giá giảm vẫn có dòng tiền nâng đỡ, dù giá mua rất thấp. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhà đầu tư xả hàng ngắn hạn ngày một nhiều.
Khối ngoại ngược lại, tranh thủ gom ròng khá tốt với mức ròng 298,3 tỷ đồng trên HoSE. Tuy vậy chỉ có PNJ +71,5 tỷ, DPM +22,4 tỷ, MSN +17,9 tỷ, HAH +15,5 tỷ, HPG +12 tỷ... là đáng kể. Mức mua ròng lớn đến từ chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 299,5 tỷ đồng. Phía bán ròng có VHM -26,4 tỷ, STB -23,5 tỷ, DCM -12,7 tỷ.