14:54 30/08/2024

ASEAN: Điểm đến của dòng vốn đầu tư toàn cầu

Tú Uyên

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu sụt giảm liên tục thì ASEAN ngược lại, tăng liên tiếp trong 3 năm qua. Điều này một lần nữa khẳng định ASEAN đã, đang và tiếp tục là điểm đến của dòng vốn đầu tư FDI…

ASEAN sẽ là điểm đến của dòng vốn FDI toàn cầu trong 3-5 năm tới - Ảnh minh họa.
ASEAN sẽ là điểm đến của dòng vốn FDI toàn cầu trong 3-5 năm tới - Ảnh minh họa.

Theo Dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài mới nhất cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp quốc tế (FDI) trên toàn cầu giảm 2% trong năm 2023 xuống 1,33 nghìn tỷ USD, trong khi nhóm các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên ghi nhận dòng vốn năm thứ ba liên tiếp với mức tăng trưởng kỷ lục 1,2% lên 226,3 tỷ USD, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

SỰ PHÂN MẢNH CỦA DÒNG VỐN FDI TOÀN CẦU

Dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2023 đạt 1,33 nghìn tỷ USD, giảm 2% so với năm trước đó, một phần do "sự thay đổi đột ngột” ở một số ít nền kinh tế trung gian châu Âu, một phần do thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn (MNE) cũng như “sự sụt giảm đáng kể" giá trị của các giao dịch mua lại và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới tại các quốc gia phát triển. Loại trừ ảnh hưởng từ những nền kinh tế này, dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2023 có sự sụt giảm mạnh, hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi dòng vốn vào các nước đang phát triển giảm 7%, dẫn đầu là Châu Á, khu vực nhận FDI lớn nhất, giảm 8% theo báo cáo của tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc (UNCTAD).

Tuy sụt giảm nhưng dòng vốn FDI vào Châu Á vẫn ở mức cao, đạt 621 tỷ USD, và khu vực này vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI, chiếm gần 50% tổng lượng vốn FDI toàn cầu.

Khu vực Đông Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng sụt giảm đáng kể do sự sụt giảm của Trung Quốc, tuy nhiên các dòng vốn vào ASEAN vẫn ổn định nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhiều kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Trong bối cảnh dòng vốn FDI trên toàn cầu sụt giảm, thì vào ASEAN tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng trưởng năm thứ ba liên tiếp với mức tăng trưởng 1,2% lên 226,3 tỷ USD trong năm 2023.

Cụ thể, trong năm 2023, dòng vốn vào Trung Quốc giảm 14% xuống còn 163,3 tỷ USD, vào Ấn Độ giảm mạnh 43% xuống còn 28,2 tỷ USD. Ngược lại, dòng vốn vào ASEAN tăng 1,2% lên 226,3 tỷ USD mặc dù có sự phân hóa không đều ở các quốc gia trong khu vực này do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Chẳng hạn, Singapore tăng 13% lên gần 160 tỷ USD, Việt Nam tăng 3,4% lên 18,5 tỷ USD, nhưng Indonesia, Malaysia và Thái Lan lại ghi nhận mức sụt giảm mạnh so với năm trước từ 15% đến 59%, theo xu hướng giảm chung trên toàn cầu trong năm 2023 khi các hoạt động kinh tế chậm lại để ứng phó với lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương.

Hoa Kỳ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN, kể từ năm 2019 đến nay. Hoa Kỳ chiếm 32% tổng số vốn vào ASEAN trong năm 2023, tăng gấp đôi so với tỷ lệ 13% trong năm 2022 và giá trị trung bình 12% trong giai đoạn 2010-2019, cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng giảm thiểu rủi ro bằng cách “Friend-shorring” tức chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng sang các quốc gia thân thiện hơn tiếp tục là những yếu tố chính thúc đẩy vốn đầu tư từ Mỹ vào các quốc gia ASEAN.

Tương tự như Hoa Kỳ nhưng ở quy mô nhỏ hơn đáng kể là dòng vốn từ châu Âu đã tăng đáng kể so với giá trị trung bình lịch sử. Ví dụ, dòng vốn từ Thụy Sĩ và Đức đã tăng nhiều lần so với giai đoạn 2010-2019.

“CỬA SÁNG” CHO ASEAN TRONG 3-5 NĂM TỚI

Liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN có bền vững trong những năm tới không và liệu sự sụt giảm trên các thị trường chủ chốt của ASEAN (Indonesia, Malaysia và Thái Lan) có đảo ngược?

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin tưởng tằng ASEAN tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI trong 3-5 năm tới. Cụ thể, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN vẫn được dự báo rất tích cực, đặc biệt ở một số thị trường tiêu dùng lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ nhu cầu của các quốc gia khu vực này ổn định và hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được cải thiện.

Ông Suan Teck Kin - CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, cho rằng có 4 yếu tố hỗ trợ cho triển vọng thu hút FDI của khu vực.

(1) Việc ký kết Hiệp định Hành động Quan hệ Kinh tế đặc biệt giữa Singapore và Malaysia vào tháng 01/2024 vừa qua nhằm thành lập Đặc khu kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ);

(2) Mức độ hội nhập khu vực ngày càng tăng được phản ánh qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2022, dòng chảy thương mại và đầu tư nội tại khu vực ASEAN tăng đáng kể, tăng cường sử dụng thanh toán qua biên giới thông qua QR và các kênh kỹ thuật số khác…;

(3) Dân số - Lực lượng dân số trẻ và đông cũng là lợi thế lớn của ASEAN đặc biệt là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu;

(4) Sự ổn định chính trị - Việc chuyển giao quyền lực sau các cuộc bầu cử gần đây ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan diễn ra suôn sẻ, đảm bảo tính liên tục và ổn định chính sách đối với các thành viên chủ chốt của ASEAN ít nhất trong vòng 3-5 năm tới.

 
Ông Suan Teck Kin -  CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB.
Ông Suan Teck Kin -  CFA, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB.

"ASEAN vẫn là một điểm đến lý tưởng cho các công ty có khả năng từng bước nội địa hóa năng lực sản xuất và các sản phẩm của mình khi chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp đầu vào trung gian cho ngành điện tử.

Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN vẫn được dự báo rất tích cực, đặc biệt ở một số thị trường tiêu dùng lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ nhu cầu của các quốc gia khu vực này ổn định và hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được cải thiện..

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến sự phân mảnh địa chính trị cũng đang định hình lại bối cảnh đầu tư toàn cầu. Với các mạng lưới thương mại bị chia cắt, môi trường pháp lý khác nhau và việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả trở ngại lẫn cơ hội riêng lẻ, khi một số nước hưởng lợi từ việc đầu tư vào hoạt động sản xuất có giá trị chuỗi toàn cầu cao, thì những nước khác gặp khó khăn để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Đây cũng là yếu tố mà các Chính phủ và doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN cần phải theo dõi để linh hoạt ứng biến trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

SỰ TỎA SÁNG CỦA VIỆT NAM

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại, các cơ hội tăng trưởng "trăm năm có một" đang mở ra ở khu vực ASEAN nhờ hậu thuẫn từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và điều kiện nhân khẩu học thuận lợi.

Việt Nam được ví như "cánh cửa" hút vốn FDI vào khu vực ASEAN.
Việt Nam được ví như "cánh cửa" hút vốn FDI vào khu vực ASEAN.

Và trong bức tranh rộng lớn của khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật như một cánh cửa vào khu vực này. Đất nước này được xem như “điểm nhấn” tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và ngày càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

Việt Nam hiện xếp thứ ba trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau Indonesia và Singapore. Là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích cho các công ty tìm cách đa dạng hóa hoạt động của mình trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược "Trung Quốc + 1".

Dòng vốn FDI thực tế vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019. Thu hút GDP của Việt Nam cũng được dự báo đạt kết quả tích cực trong năm nay với số liệu vốn FDI giải ngân vào Việt Nam từ đầu năm đến tháng 6/2024 đạt 10,8 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong Quý 1 năm 2024.

Kết quả này đến từ việc Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, với các khoản đầu tư vào cảng biển, đường cao tốc và khu công nghiệp giúp nâng cao khả năng vận tải và thương mại. Bên cạnh đó, việc xanh hóa các sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững, kết hợp với chính sách ưu đãi đầu tư, giảm lãi suất, thuế và kiềm chế lạm phát… đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho đầu tư FDI trong khu vực.

Dự báo dòng vốn FDI tích cực sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong năm nay. Điều này được thể hiện qua dự báo tích cực về tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam của một loạt tổ chức Tài chính. Cụ thể, trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng UOB duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6%. Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố vào ngày 26/08/2024 cũng nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 lên 6.1% nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời WB cũng dự báo mức tăng trưởng này sẽ đạt 6.5% vào năm 2025 và 2026. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay và những năm tới.

 

Để chia sẻ sâu hơn về các cơ hội tăng trưởng, đầu tư cho các công ty và nhà đầu tư trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, Ngân hàng UOB tổ chức Hội nghị thường niên “Gateway to ASEAN” mang chủ đề “ASEAN: Crossroad to The World” vào ngày 06/09 tới đây, tại Thisky Hall Sala Convention Center, tầng 05, Grand Skylar, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị dự kiến sẽ nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo các bộ ban ngành tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.

Với tư cách là “Một Ngân hàng vì ASEAN” - UOB đóng vai trò kết nối và thúc đẩy sự hợp tác bền vững trong khu vực. Tận dụng mạng lưới rộng khắp khu vực và sự am hiểu sâu sắc tại địa phương, UOB cam kết mang đến các giải pháp tài chính sự hỗ trợ toàn diện để giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội phát triển trong khu vực kinh tế năng động này.