Bài 3: Kiện toàn quản trị doanh nghiệp và kiểm toán độc lập
Không chỉ bị đình chỉ hành nghề kiểm toán, nhiều kiểm toán viên dính líu sai phạm trên thị trường trái phiếu vừa qua còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm ảnh hưởng uy tín của ngành. Sự nghiêm khắc của pháp luật chính là lời cảnh báo để ngành kiểm toán chấn chỉnh hệ thống quản trị theo hướng minh bạch, tuân thủ luật pháp, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ mà thị trường mong đợi...
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, lãnh đạo một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết công việc của kiểm toán viên yêu cầu rất khắt khe về tính độc lập, tư chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ cũng như sự hiểu biết về pháp luật liên quan trong lĩnh vực tài chính và lĩnh vực của doanh nghiệp được kiểm toán.
Kiểm toán độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính do kế toán đơn vị được kiểm toán lập ra và đưa ra ý kiến kiểm toán về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính. Từ đó, báo cáo tài chính đã kiểm toán cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các đối tượng sử dụng.
KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP PHẢI KẾT HỢP CHẶT CHẼ VỚI KIỂM TOÁN NỘI BỘ
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này thẳng thắn nhìn nhận kiểm toán viên gặp không ít khó khăn khi kiểm tra số liệu trong báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập, đặc biệt là báo cáo tài chính đã bị doanh nghiệp “xào nấu”, bởi kiểm toán viên chỉ kiểm toán được trên tài liệu được cung cấp, chứ không kiểm chứng được tài liệu đó là thật hay giả.
Nhìn lại những bài học để lại sau các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều ý kiến cho rằng kiểm toán độc lập chỉ xác nhận tính lịch sử, bởi các giao dịch đã xảy ra từ lâu. Do vậy, kiểm toán độc lập không phải thiết chế để ngăn chặn những thiệt hại xảy ra, cũng không phải là chìa khóa vạn năng để ngăn báo cáo tài chính gian lận ra thị trường. Vậy phải ngăn chặn rủi ro ảnh hưởng đến độ tin cậy của báo cáo tài chính từ khâu nào?
Lần dấu rủi ro trong quy trình lập báo cáo tài chính, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Ủy ban sáng lập Viện Kiểm toán viên nội bộ Việt Nam (IIA Việt Nam), cho biết tất cả các giao dịch tài chính của doanh nghiệp đều thể hiện bằng những con số, dựa trên các bằng chứng, cơ sở để ghi nhận theo chuẩn mực kế toán như: chứng từ, hóa đơn, phiếu chuyển tiền… chỉ khi giao dịch đủ điều kiện mới được ghi nhận. Theo đó, đầu vào là các giao dịch đơn lẻ được phân loại, ghi chép vào sổ kế toán; đầu ra là báo cáo tài chính được trình bày theo đúng chuẩn mực Việt Nam hoặc chuẩn quốc tế.
Trong quá trình lập báo cáo tài chính, bộ phận tài chính, kế toán là đầu mối nhưng chứng từ đến từ các bộ phận khác. Toàn bộ những hoạt động liên quan đến tài chính đều phải đưa lên cấp cao nhất soát xét, sau đó mới đến nhiệm vụ của kiểm toán độc lập kiểm tra chọn mẫu, riêng những giao dịch lớn phải kiểm tra chứng từ.
Đáng lưu ý, theo ông Hoàng Đức Hùng, toàn bộ quy trình lập báo cáo tài chính có thể bị phá vỡ ở bất cứ khâu nào. Chẳng hạn, khi người cung cấp tài liệu cho kế toán muốn tác động đến giao dịch một cách có chủ đích thì sẽ ngụy tạo hoặc hợp thức hóa đơn, chứng từ. Kế toán là người hạch toán nghiệp vụ, họ vẫn kiểm tra nhưng chỉ trong phạm vi nhất định.
Trong quy trình lập báo cáo tài chính, để thông tin minh bạch, rõ ràng và chuẩn chỉ, ông Hùng cho rằng trách nhiệm của hội đồng quản trị là lớn nhất trong việc thiết lập một quy trình bài bản, một hệ thống kiểm soát, quản lý rủi ro và có những cấp để rà soát số liệu, chứng từ, phê duyệt các bút toán hạch toán và đưa vào báo cáo tài chính theo từng cấp.
Mỗi doanh nghiệp đều có thiết chế để giám sát báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán độc lập, đó là ủy ban kiểm toán (cơ quan chuyên môn thuộc hội đồng quản trị) hoặc ban kiểm soát để đánh giá những “chốt” kiểm soát trong doanh nghiệp được thực hiện và hiệu quả. Nếu doanh nghiệp không thành lập, hoặc có thành lập nhưng vẫn thích làm theo thói quen, hoặc thậm chí can thiệp theo cách “trên bảo rồi, không phải xem nữa” thì vẫn xảy ra sai sót.
"Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực, không thể thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ đủ mạnh, không có những công cụ giám sát độc lập như kiểm toán nội bộ để đánh giá định kỳ thường xuyên liên tục, hoặc sử dụng kiểm toán độc lập không đủ năng lực để đưa ra ý kiến loại trừ hay phát hiện những gian lận trong báo cáo, thì cuối cùng báo cáo tài chính gian lận đến tay nhà đầu tư".
Cùng chung quan điểm, cán bộ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) nhấn mạnh về trách nhiệm của hội đồng quản trị của doanh nghiệp trong việc giám sát, đảm bảo tính trung thực và hợp lý của các dữ liệu và thông tin trong báo cáo tài chính, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, ngăn hành vi thông đồng, móc ngoặc với kiểm toán viên xảy ra.
Hơn nữa, trong các vụ sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu tại hai tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, giao dịch có dấu hiệu bất thường chủ yếu từ các bên liên quan với nhau. Trong Luật Doanh nghiệp, nghĩa vụ công khai các lợi ích liên quan trong công ty cổ phần là bắt buộc, nhiều giao dịch cũng phải thông qua hội đồng quản trị, nhằm tạo cơ chế tự động giám sát và ngăn tình trạng lạm dụng quyền, tư lợi của lãnh đạo.
“Ngay từ khâu này, khi tất cả các bên đều phối hợp nhịp nhàng, doanh nghiệp có đủ chốt gác sẽ ngăn hành vi thông đồng xảy ra. Thế nhưng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định, ủy ban kiểm toán giám sát tính trung thực của báo cáo tài chính nhưng bị vô hiệu thì giám sát thế nào, rà soát giao dịch người có liên quan ra sao? Hay doanh nghiệp cấu kết từ trên xuống dưới, từ ngang sang dọc, tất cả chốt gác, chốt kiểm soát đều bị vô hiệu hóa. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp”, cán bộ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho hay.
GIÓNG HỒI CHUÔNG VỚI NGÀNH KIỂM TOÁN
Sau những vụ việc vừa qua, theo ông Hoàng Đức Hùng, những cá nhân vi phạm khi hành nghề phải chịu chế tài do không áp dụng đúng chuẩn mực trong công việc, cả về đạo đức và chuyên môn. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ xem xét trên góc độ hành nghề, đánh giá kiểm toán viên, kế toán trong doanh nghiệp có làm sai các chuẩn mực thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu cố tình làm sai.
Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán đánh giá, xử phạt về quản trị công ty đại chúng về bảo đảm số lượng thành viên độc lập, cấu trúc tổ chức trong doanh nghiệp.
“Trường hợp có thông đồng rất khó phát hiện, kể cả có giám sát của các cơ quan quản lý và các đơn vị thực thi đúng các quy trình về công tác kiểm toán ở nội bộ bên trong hoặc độc lập bên ngoài. Cố tình gian lận nằm trong ý thức con người nhiều hơn”, ông Hùng lưu ý.
Mới đây, sau khi những vụ bê bối xảy ra, nhiều công ty kiểm toán từ chối doanh nghiệp vì quá nhiều rủi ro, số liệu lộn xộn gây khó thu thập đầy đủ bằng chứng để xác minh.
Chật vật chưa tìm được đơn vị kiểm toán, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo có văn bản khẩn thiết đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho phép công ty tạm hoãn công bố thông tin với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và báo cáo bán niên 2024 soát xét, bởi cả 30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023 đều từ chối Tân Tạo vì e ngại nguy cơ bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên.
Đây không phải lần đầu một doanh nghiệp niêm yết bị công ty kiểm toán từ chối cung cấp dịch vụ, trước đó, Tập đoàn FLC cũng trễ hẹn nộp báo cáo tài chính vì lý do này.
Về bản chất, hoạt động kiểm toán là kiểm tra chọn mẫu, khó lòng lường hết sai sót, vì vậy, rất nhiều công ty kiểm toán siết chặt hơn quy trình tiếp nhận khách hàng và không nhận cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp trong “danh sách đen”.
Trước tình trạng có những doanh nghiệp lớn bị công ty kiểm toán từ chối, không tìm được công ty kiểm toán nào chấp nhận ký hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng cả doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán đều phải minh bạch để có thể bắt tay nhau.
Đối với kiểm toán viên, sau những sai phạm sẽ để lại những mất mát bởi vì họ phải mất nhiều thời gian để được xóa án tích khi chấp hành xong bản án. Hết tiền án tiền sự, kiểm toán viên có thể quay lại hành nghề nhưng gặp nhiều khó khăn, chưa kể công ty không chấp nhận kiểm toán viên có “vết” khi hành nghề, bởi công ty kiểm toán sống bằng uy tín, không còn uy tín trên thị trường sẽ bị đào thải.
XỐC LẠI QUY TRÌNH, SIẾT CHỐT KIỂM SOÁT
Cán bộ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cũng nhận thấy rằng sau vụ việc kiểm toán viên bị truy tố, kiểm toán viên sợ và muốn bỏ nghề vì lo rủi ro. Theo vị này, sự việc xảy ra là lời cảnh tỉnh cho các công ty kiểm toán, kiểm toán viên nhiều khi lơ đễnh mà soát xét không kỹ càng, khi cơ quan điều tra vào cuộc sẽ phải gánh chịu hậu quả, dẫn đến cái giá phải trả rất đắt.
Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp kiểm toán, ông Hoàng Đức Hùng lưu ý rằng các công ty kiểm toán độc lập cung cấp dịch vụ theo hợp đồng nhưng tính độc lập phải được đảm bảo và về nguyên tắc, không bị chi phối bởi lợi ích tài chính từ hợp đồng mang lại.
Bên cạnh việc tuân theo quy định pháp luật và các chuẩn mực kiểm toán, bản thân người ký báo cáo kiểm toán cũng là thành viên của các hiệp hội nghề nghiệp chuyên nghiệp như: Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Hiệp hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia),… do đó, kiểm toán viên phải tuân theo những chuẩn mực khi làm thành viên. Về mặt đạo đức nghề nghiệp, kiểm toán viên cũng phải tuân theo những quy chuẩn từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp và quy định của công ty.
Thực tế cho thấy có những xung đột lợi ích ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên. Ông Hùng lấy dẫn chứng nếu công ty kiểm toán nhỏ nhưng đơn vị lớn trả tiền, hoặc một công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán 50.000 USD nhưng đồng thời làm dịch vụ tư vấn vài triệu USD, chứng tỏ mức độ quan trọng của khách hàng này. Điều này khiến công ty kiểm toán phụ thuộc vào lợi ích kinh tế từ khách hàng kiểm toán và phải giữ chân khách cho những dịch vụ khác.
Ngoài ra, các sai sót này thường xảy ra tại các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ do không đủ nguồn lực, trong khi phải chịu sức ép về doanh thu, thời gian và phí dịch vụ. Vì vậy, ở vị thế độc lập, các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên cần có trách nhiệm cao hơn, đưa ra những nguyên tắc rõ ràng về tính độc lập.
Cán bộ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho rằng doanh nghiệp kiểm toán cần nhìn nhận, đánh giá rõ rủi ro khách hàng và phải có phương pháp tiếp cận, tính toán phù hợp; đồng thời, phải bố trí nhân lực phù hợp, biết cách thu thập bằng chứng tùy quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng phải lưu ý đánh giá tính chính trực của ban giám đốc để từ chối khi nhận thấy hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp có vấn đề.
Với doanh nghiệp, sau khi trải qua các biến động, doanh nghiệp phải minh bạch, kiểm kê, đối chiếu lại tài sản công nợ, giấy tờ, hồ sơ, dựng lại báo cáo tài chính theo đúng nguyên tắc của Luật Kế toán. Khi doanh nghiệp kiểm toán thấy hệ thống doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch, doanh nghiệp kiểm toán có thể thu thập được bằng chứng, hồ sơ thì sẵn lòng cung cấp dịch vụ.
Đáng lưu tâm hơn, những vụ việc sai phạm nêu trên không chỉ cảnh tỉnh trách nhiệm của kiểm toán độc lập mà còn đánh thức trách nhiệm của hội đồng quản trị, đây là yêu cầu tối quan trọng trong kiện toàn cơ cấu quản trị trong mỗi doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung thêm quy định trong Luật Kiểm toán độc lập về việc doanh nghiệp có quy mô lớn không kể vốn tư nhân hay vốn cổ phần cũng cần được quản lý như doanh nghiệp đại chúng, phải minh bạch thông tin và kiện toàn quản trị.
"Trái phiếu doanh nghiệp có thể phát hành theo hai hình thức, đó là phát hành ra công chúng hoặc riêng lẻ. Về cơ bản, Nghị định 65/2022/NĐ-CP giải quyết cơ bản khiếm khuyết trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; với trái phiếu chào bán ra công chúng, hiện có đề xuất sửa Luật Chứng khoán và Nghị định sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Bộ Tài chính tiếp thu mọi ý kiến của thành viên thị trường để sửa đổi các quy định này. Về đề xuất, dự kiến không tăng nghĩa vụ và trách nhiệm cho các thành viên thị trường mà chỉ theo hướng tăng tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư hơn nữa.
Về kiểm toán báo cáo tài chính, trên thị trường chứng khoán, tính minh bạch và chất lượng thông tin là điều quan trọng nhất với nhà đầu tư khi ra quyết định đầu tư và giúp thị trường phát triển ổn định và minh bạch. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao công tác kiểm toán báo cáo tài chính trên thị trường. Đây là bước đi nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng thị trường, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phát triển và hoạt động ổn định".
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam