Bàn giải pháp phát triển tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030
Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương cần sớm có cơ chế quản lý vùng; thành lập Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên; mở rộng không gian phát triển cho cảng hàng không Buôn Ma Thuột...
Ngày 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh Đắk Lắk với vai trò trung tâm, liên kết, điều phối vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập, tổng kết nghị quyết chủ trì cuộc họp. Về phía UBND tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, lãnh đạo Sở, ngành trong tỉnh.
Theo báo cáo tình hình triển khai tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của tỉnh Đắk Lắk tại hội , sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến quan trọng.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2002-2020 đạt bình quân 13,8%/năm; quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tăng gấp 11 lần, từ 5.600 tỷ đồng năm 2002 lên 61.800 tỷ đồng vào năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư từng bước được cải thiện, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đều qua các năm, năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng, cao gấp 18,76 lần so với năm 2002.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giai đoạn 2002-2020 đạt tốc độ tăng trưởng khá, trên 13.300 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký hoạt động hơn 89.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo... được triển khai đồng bộ, kịp thời; chất lượng giáo dục, y tế và đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân được nâng lên.
Đặc biệt, công tác dân tộc và việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai thực hiện.
Nhờ đó, giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4,54%/năm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,34%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 14,08%.
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế của Đắk Lắk trong quá trình thực hiện triển khai Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12.
Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển còn thiếu tính ổn định và bền vững. Kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhất là giao thông kết nối. Thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nhất là đối với các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập. An ninh, chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; tình hình tranh chấp, khiếu kiện nhất là liên quan đến các nông, lâm trường và đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất an ninh trật tự còn diễn ra.
Việc triển khai Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột chưa đạt được kỳ vọng như mong đợi, TP.Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong vùng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận tình hình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển hạ tầng giao thông kết nối giao thông chiến lược liên vùng, công nghiệp chế biến, du lịch, phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo; đề xuất các ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo; một số tồn tại hạn chế trong phát triển đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng Tây Nguyên và hạ tầng chuyển đổi số, y tế, giáo dục, công nghiệp chế biến sâu nông sản, khoáng sản; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc vật thể và phi vật thể.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, thông qua cuộc họp này Tổ biên tập Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có đầy đủ thông tin, bổ sung luận cứ để đưa ra nhận định, đánh giá toàn diện Nghị quyết số 10- NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng lưu ý tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm đề xuất chính sách, giải pháp phát triển rừng trên địa bàn; giữ vững quốc phòng-an ninh; dân tộc – tôn giáo; tổ chức cơ sở đảng và chính quyền cơ sở; giải quyết vấn đề dân di cư và bố trí tái định cư; cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, đây là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk xây dựng hoàn thiện giải pháp chiến lược triển khai Nghị quyết số 10- NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian đến, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương cần sớm có cơ chế quản lý vùng; xuất phát tình hình thực tiễn cần có Phó Bí thư phụ trách hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng chất lượng cao; thu hút nguồn nhân lực và cơ chế đào tạo nhân lực cho vùng Tây Nguyên; cơ chế quản lý đất thuộc Công ty nông lâm trường; mở rộng không gian phát triển cho cảng hàng không Buôn Ma Thuột; phát triển hạ tầng giao thông liên vùng.