16:57 26/02/2015

Báo cáo ngân sách có thể sẽ không còn dấu “mật”

Nguyễn Lê

Quy định cụ thể hơn về công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước đã được tiếp thu

Tháng 10/2014, khi thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã trình bày quan điểm không áp dụng cơ chế báo cáo “mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử - Ảnh minh họa.
Tháng 10/2014, khi thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã trình bày quan điểm không áp dụng cơ chế báo cáo “mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử - Ảnh minh họa.
Quy định cụ thể hơn về công khai, minh bạch về ngân sách Nhà nước đã được cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Ngân sách Nhà nước thống nhất tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết tại phiên họp chiều 26/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháng 10/2014, khi thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã trình bày quan điểm không áp dụng cơ chế báo cáo “mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử.

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 ngay sau đó, nhiều vị đại biểu cũng nhất trí với quan điểm này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung như: không đóng dấu “mật” các tài liệu có liên quan đến ngân sách Nhà nước, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia để bảo đảm công khai, minh bạch, giúp quản lý hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước, ông Hiển cho biết.

Dự thảo luật cũng quy định công khai dự thảo ngân sách trình Quốc hội và dự toán ngân sách Nhà nước sau khi được Quốc hội quyết định (dự kiến phát hành cuốn sách “Ngân sách công dân”). Đồng thời, công khai cả dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm...

Bên cạnh những vấn đề đạt được đồng thuận, không ít vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, trong đó có quy trình ngân sách.

Theo đó, đa số ý kiến của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của nhiều ý kiến đại biểu quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Cụ thể, giai đoạn một, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách Nhà nước để Quốc hội xem xét quyết định.

"Đây cũng là một thông lệ tốt của quốc tế. Nếu làm theo quy trình này thì ý kiến của Quốc hội sẽ sâu hơn vì hiện nay thời gian dành cho thảo luận về ngân sách rất hạn hẹp, tuy nhiên cơ quan soạn thảo chưa đồng tình mà vẫn muốn giữ như cũ", Chủ nhiệm Hiển nói.

Băn khoăn chưa biết là bước một sẽ quyết gì khi mà sang năm chưa biết làm bao nhiêu đường, cầu, cống… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có thể cũng làm hai, ba bước nhưng chỉ trong một kỳ họp Quốc hội, bố trí dài hơn, sớm hơn, làm kỹ hơn, trên nền kế hoạch kinh tế xã hội năm sau thì mới làm được.

"Không đặt vấn đề đổi mới quy trình qua hai kỳ họp vì còn chờ nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về kế hoạch năm tới mới có cơ sở. Quốc tế hơi khác mình chút nên chưa đổi mới việc này theo thông lệ quốc tế", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Theo dự kiến, dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào cuối tháng 5/2015.

Song Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo cùng kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua dự thảo luật vào kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015.

Bởi, nội dung tiếp thu, giải trình phức tạp, cần lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, địa phương, nên để bảo đảm quy định có tính khả thi cao, cần có nhiều thời gian để hoàn chỉnh dự thảo. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) cần được Quốc hội thông qua sau Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nhấn mạnh là tại kỳ họp tháng 6 tới đây cần phải ban hành được cả hai luật nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, nếu cần thì có thể kéo dài thời gian để thảo luận và tiếp thu chứ không kéo dài qua ba kỳ họp.