18:07 21/08/2008

Bao nhiêu người xem Olympic qua TV?

Kiều Oanh

Olympic năm nay vượt xa “kỳ phùng địch thủ” World Cup về số lượng khán giả truyền hình

Yao Ming, vận động viên bóng rổ nổi tiếng của Trung Quốc.
Yao Ming, vận động viên bóng rổ nổi tiếng của Trung Quốc.
Chris Reitermann, một người Đức làm trong ngành quảng cáo ở Bắc Kinh, đã tới xem trực tiếp lễ khai mạc Olympic ở sân vận động Tổ chim.

Ở văn phòng, anh thường xem các trận đấu được truyền trực tiếp trên mạng Internet tại địa chỉ www.sina.com. Anh kiểm tra kết quả các trận đấu trên báo điện tử của Đức Spiegel qua điện thoại di động. Anh dùng mạng xã hội Twitter để cập nhật thông tin cho bạn bè khắp thế giới.

"Qua mặt” World Cup

Tuy nhiên, Chris vẫn có thời gian xem các sự kiện của Thế vận hội trên TV. Mặc dù các phương tiện đa truyền thông đang được coi là lấy đi của truyền hình một lượng khán giả lớn, rất nhiều người trên thế giới vẫn chọn TV là kênh cập nhật thông tin Olympic chính. Đây là một tin tốt đối với các hãng truyền hình trên toàn thế giới vì họ đã đầu tư tới 1,7 tỷ USD để có được quyền phát sóng các chương trình của Thế vận hội.

"Chúng tôi không cần phải lo lắng”, Giám đốc phụ trách mảng thể thao của hãng BBC Roger Mosey tuyên bố. Lượng khán giả xem buổi truyền hình trực tiếp lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh qua BBC là khoảng 5 triệu người, một con số mà BBC cho là “cực cao” cho một chương trình được phát sóng buổi chiều tại Anh.

Con số này tất nhiên chỉ là một phần nhỏ trong số lượng người xem Olympic qua truyền hình trên toàn thế giới. Mặc dù hiện chưa có một thống kê đầy đủ, các nhà phân tích cho rằng, Olympic Bắc Kinh chắc chắn sẽ là kỳ Olympic được nhiều người theo dõi nhất trên truyền hình từ trước đến nay. Đặc biệt, lễ khai mạc của Thế vận hội này có thể là một chương trình thể thao có lượng khán giả kỷ lục trên toàn thế giới.

Ước tính của các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy, lượng khán giả toàn cầu bình quân xem lễ khai mạc Olympic trên TV trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ này đạt trên 500 triệu người. Ở một số thời điểm, lượng khán giả có thể lên tới 1 tỷ người.

Tuy nhiên, phần lớn lượng khán giả này tập trung tại Trung Quốc. Bình quân, số khán giả Trung Quốc xem lễ khai mạc Olympic năm nay qua truyền hình là 495 triệu người, chiếm 40% dân số của nước này. Mặc dù vậy, số khán giả tại các nước khác cũng rất lớn. Tại Mỹ, kênh truyền hình NBC thu hút bình quân 34 triệu người xem cho lễ khai mạc Olympic, cao nhất từ trước đến nay đối với một Thế vận hội không tổ chức ở nước này.

Nhưng không phải ở đâu Olympic Bắc Kinh cũng lập được kỷ lục về lượng khán giả truyền hình. Tại châu Âu, số khán giả xem buổi truyền hình trực tiếp lễ khai mạc Olympic năm nay thấp hơn nhiều so với lễ khai mạc Olympic Athens 4 năm trước đây.

Một phần lý do là buổi lễ diễn ra vào giờ chiều trong một ngày làm việc ở châu Âu. Một phần do khán giả châu Âu không có những nhân vật nổi tiếng phải theo dõi sát như vận động viên bơi lội Michael Phelps của Mỹ. Mặt khác, nhiều chương trình phát sóng chính của Olympic được các đài truyền hình quốc gia tại các thị trường lớn nhất ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức mua lại, mà những đài này không phải chịu áp lực thương mại lớn như NBC nên không quảng cáo quá rầm rộ về các buổi phát sóng.

“Khiêm tốn” nhất phải kể tới lượng khán giả ở Ấn Độ - nước đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chỉ có chưa đầy 1% dân số Ấn Độ xem lễ truyền hình trực tiếp buổi khai mạc Thế vận hội.

Tuy vậy, Olympic năm nay vượt xa “kỳ phùng địch thủ” World Cup về số lượng khán giả truyền hình. Trận chung kết World Cup 2006 chỉ thu hút 260 triệu người xem truyền hình trực tiếp trên vô tuyến.

YouTube cũng “hút khách”

Một điểm khác biệt lớn của Olympic năm nay so với các kỳ Olympic trước trong cấp phép nội dung là các nhà tổ chức đã cấp quyền phát sóng rộng rãi đối với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Ở Trung Quốc, ngoài xem Olympic trên các kênh của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) và một số đài địa phương, người dân còn có thể theo dõi sự kiện này trên một số trang web có video trực tuyến như sohu.com hay sina.com.

Tương tự, tại Mỹ và châu Âu, bản quyền kỹ thuật số cũng được bán kèm với bản quyền truyền hình. Do đó, các hãng NBC của Mỹ, BBC của Anh, France Television của Pháp, và ARD và ZDF của Đức đều cung cấp hàng trăm giờ phát sóng Olympic miễn phí trên Internet.

Các nhà tổ chức Olympic cũng ký kết hợp đồng với trang web chia sẻ video trực tuyến YouTube của Google nhằm cung cấp các chương trình video miễn phí của Olympic tới khán giả của 77 quốc gia không mua bản quyền truyền hình. Tính đến ngày 13/8, đã có hơn 264.000 người xem buổi lễ khai mạc Olympic phát trên YouTube. Tại Anh, có 400.000 người xem buổi lễ này trên website của BBC.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, khán giả chỉ sử dụng Internet như một phương tiện bổ sung cho TV, nhằm cập nhật thông tin ngay tại nơi làm việc. Số liệu của hãng nghiên cứu Neilsen cho thấy, vào ngày Chủ nhật 9/8, mục video Olympic trên website của NBC có 858.000 khán giả, nhưng vào ngày thứ Hai sau đó, khi mọi người trở lại làm việc, lượng khán giả tăng của mục này lên tới 2 triệu người.

Trong khi đó, lượng khán giả bình quân mỗi tối tại Mỹ trong 5 ngày đầu tiên của Olympic là hơn 30 triệu người, trừ thứ Bảy.

(Theo New York Times)