20:37 14/03/2022

Bất chấp đại dịch Covid-19, BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn thu phí “khủng”

Anh Tú

Là một trong những trạm BOT có lưu lượng xe và số thu phí “khủng” nhất cả nước, doanh số thu phí năm 2021 của các trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt trên 606 tỷ đồng, chiếm 5% tổng doanh thu các dự án BOT hiện hành...

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội là một trong những tuyến có lưu lượng xe lớn nhất cả nước, đạt 17 triệu lượt trong năm 2021.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội là một trong những tuyến có lưu lượng xe lớn nhất cả nước, đạt 17 triệu lượt trong năm 2021.

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về doanh thu các dự án BOT cho thấy, doanh số thu phí năm 2021 của các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt trên 606 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu vé lượt ở mức cao nhất với gần 546 tỷ đồng, vé tháng đạt hơn 43 tỷ đồng và vé quý đạt trên 16 tỷ đồng.

Về lưu lượng xe trên tuyến, trong năm 2021, lưu lượng xe trên tuyến đạt hơn 17 triệu lượt xe. Trong đó, lưu lượng xe ở các làn thu phí thủ công (MTC) vẫn chiếm áp đảo với hơn 11 triệu lượt xe. Bên cạnh đó, lưu lượng xe ở các làn thu phí không dừng (ETC) đạt trên 6 triệu lượt xe.

 

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP. Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT, là một trong những tuyến có lưu lượng xe lớn nhất cả nước hiện nay, lên đến 17 triệu lượt trong năm 2021. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp BOT khác “đứng ngồi không yên” do doanh thu sụt giảm 30-40%, BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn duy trì số lượng xe lưu thông khủng, thậm chí vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc trong những ngày giáp tết Nguyên Đán vừa qua. Trong dịp cao điểm Tết, lưu lượng xe trong đạt khoảng 150.000 xe/ngày đêm, gấp 3 lần so với ngày bình thường.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, 54 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ trên cả nước do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 là 11.200 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020.

Trong đó, doanh thu các dự án BOT trong quý 1 hơn 3.300 tỷ đồng; quý 2 là hơn 3.140 tỷ đồng; quý 3 là hơn 1.700 tỷ đồng và quý 4 là gần 3.000 tỷ đồng

Trong đó, nhiều dự án BOT bị giảm mạnh doanh thu, chỉ đạt 60-70% so với năm 2020 như dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 phía Bắc thành phố Bạc Liêu; tuyến Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp; dự án mở rộng Quốc lộ 1 và tuyến tránh TP. Sóc Trăng; tuyến tránh TP. Phủ Lý; dự án cầu Việt Trì - Ba Vì; đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 - Km 1763+610 qua tỉnh Đắk Lắk; cầu Mỹ Lợi; cầu Rạch Miễu.

Ngoài ra, còn có 8 dự án đang tạm dừng thu phí gồm dự án đầu tư Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa; dự án đầu tư Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Hà Tĩnh; dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh 2 đầu cầu từ ngã 3 Tân Vạn đến tuyến tránh TP. Biên Hòa; dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Thị trấn Cai Lậy.

Bên cạnh đó, các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ tỉnh Thái Bình và tuyến tránh Đông Hưng; dự án sửa chữa nâng cấp một số đoạn trên Quốc lộ 20, cũng đang tạm dừng thu phí.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu phí BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai nhiều giải pháp như tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với công tác tổ chức thu, công tác hạch toán và báo cáo của nhà đầu tư, kịp thời phát hiện các tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm.

Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xây dựng phần mềm giám sát doanh thu độc lập, kết nối với dữ liệu tại các trạm thu phí để giám sát chặt, chống thất thoát doanh thu. 

Các Cục Quản lý Đường bộ khu vực có trách nhiệm định kỳ thực hiện kiểm tra số thu phí dịch vụ đường bộ, lưu lượng xe qua trạm thu phí và công tác sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí.