06:00 04/05/2022

Bất động sản Duyên hải Bắc bộ: Cần “bệ phóng” để cất cánh

Nguyên Tú - Quốc Cường

Mặc dù được đánh giá là “điểm nóng” của thị trường bất động sản cả nước khi mức độ tăng trường đạt bình quân 25 – 30% nhưng thị trường bất động sản khu vực Duyên hải Bắc bộ vẫn còn nhiều rào cản phát triển.

Thị trường bất động sản Hải Phòng, tâm điểm của Duyên hải Bắc bộ vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng
Thị trường bất động sản Hải Phòng, tâm điểm của Duyên hải Bắc bộ vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng

Tại Diễn đàn thị trường bất động sản Duyên hải Bắc bộ do VCCI tổ chức mới đây, các chuyên gia và nhà đầu tư đều có chung nhận định thị trường bất động sản khu vực Duyên hải Bắc bộ đã, đang và sẽ rất sôi động. Với tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 25 – 30%/năm, thị trường bất động sản khu vực Duyên hải Bắc bộ được đánh giá là một trong những “điểm nóng” của thị trường bất động sản cả nước.

NHIỀU DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN

Nguyên nhân làm thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này bởi những chính sách vùng, địa phương trong phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, đô thị. Trong đó, nổi bật là những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh,…khi luôn dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế cho thấy, trong mấy năm qua, mặc cho đại dịch Covid-19 hoành hành, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này vẫn rất ấn tượng. Mặt khác, điều kiện địa lý thuận lợi cùng hạ tầng kết nối khá đồng bộ, các chính sách đầu tư công của các tỉnh, thành trong khu vực đã làm thúc đẩy nền kinh tế,... Đó là những lý do cơ bản khiến cho thị trường bất động sản khu vực này sôi động.

Sự bùng nổ diễn ra ở tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản, trước hết là thị trường bất động sản công nghiệp. Các tỉnh, thành thuộc khu vực Duyên hải Bắc bộ luôn nằm trong top đầu cả nước về Khu công nghiệp. Theo ông Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chỉ tính riêng như Hải Phòng hiện đang có đến 13 Khu công nghiệp và trong một vài năm tới sẽ nâng lên con số 15.

Do đó, đây cũng là địa phương thu hút FDI thuộc top đầu cả nước, chủ yếu tập trung vào các Khu công nghiệp, nhờ đó tạo sức bật cho thị trường bất động sản Khu công nghiệp. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp tại Hải Phòng rất cao, đạt trên 90% với mức thuê trung bình lên tới 96 USD/m2/chu kỳ thuê, thuộc mức cao nhất thị trường phía Bắc...

“Dự đoán quý 2/2022, thị trường vẫn phát triển ổn định, các gói đầu tư công vào hạ tầng cơ sở sẽ là điểm nhấn giúp bức tranh thị trường bất động sản miền Bắc trở nên tươi sáng. Các tỉnh có khu công nghiệp quy mô, trong đó có Hải Phòng, Hải Dương... vẫn giữ sức hút trong quý II nhờ nguồn cầu bất động sản vùng ven khu công nghiệp. Bất động sản công nghiệp và bất động sản nghỉ dưỡng được kì vọng là 2 phân khúc tăng trưởng mạnh trong năm 2022” – ông Điệp nhận định.

Bên cạnh sự thăng hoa của thị trường bất động sản công nghiệp kéo theo sự phát triển của bất động sản nhà ở. Đây được xem là quy luật phát triển tất yếu khi lực lượng lao động cơ học đổ dồn về các Khu công nghiệp khiến nhu cầu nhà ở cũng tăng cao. Từ các phân khúc nhà ở cao cấp đến nhà ở chung cư, nhà ở xã hội đều trở lên rất sôi động.

Ông Nguyễn Quang Văn – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, cho biết phân khúc gây sốt thời điểm cuối năm 2021 là nhà ở thấp tầng, đặc biệt các khu nhà ở, tổ hợp cao cấp như Vinhome, Hoàng Huy mall... “Việc không có dự án thấp tầng mới cũng như nhu cầu thực trên thị trường về phân khúc này cùng tiềm lực kinh tế của khách hàng đã gây sốt cho phân khúc này, giá thậm chí tăng 20 – 25% so với quý III/2021 và tăng 50% so với quý 1/2021”- ông Văn nói.

Theo đánh của các chuyên gia, không chỉ có bất động sản công nghiệp, nhà ở mà các nhóm sản phẩm còn lại đều phát triển sôi động, liên tục tăng trưởng trong thời gian qua và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Ông Phạm Trung Hiếu - Trưởng đại diện Văn phòng môi giới bất động sản Việt Nam tại Quảng Ninh, cho hay mở đầu năm 2022 thị trường bất động sản Thành phố Hạ Long tiếp tục ghi nhận những kỷ lục bán hàng đến từ phân khúc bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Từ căn hộ tới shophouse mặt biển đều nhanh chóng được đặt chỗ chỉ sau vài giờ ra mắt...

CẦN NHỮNG CÚ  TỪ CHÍNH SÁCH

Mặc dù được đánh giá là thị trường sôi đông và đầy tiềm năng, tuy nhiên thị trường bất động sản khu vực Duyên hải Bắc bộ cũng gặp không ít rào cản làm e ngại nhà đầu tư. Trước hết, hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính,…là trở ngại trực tiếp cho thị trường bất động sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, tiếp tục giảm thiểu các thủ tục hành chính. Công khai toàn bộ các thông tin quy hoạch và cập nhật thường xuyên. Ưu tiên quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội. Cần có chính sách thu hút mạnh hơn cho đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tận dụng tốt hơn lợi thế sẵn có, khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước cho các nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Mặt khác, sự thay đổi về chính sách có thể gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư. Việc siết chặt tín dụng bất động sản có thể gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư khi quyết định "xuống tiền", sự phát triển nóng và "sốt" giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá làm thị trường bất động sản gia tăng tâm lý lo lắng chu kỳ "đóng băng" bất động sản xảy ra,...

Mặt khác, chính sách về bất động sản cần có sự điều chỉnh kịp thời. Cụ thể, sửa đổi bổ sung các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật thuế...; đồng bộ hóa các công trình hạ tầng trên cả nước và vùng duyên hải Bắc bộ; thiết lập các liên kết vùng và có các chế tài cụ thể trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, chuyển dịch đất đai...

Thêm nữa, một số bài học đã được rút ra về việc phát triển nền kinh tế Duyên hải phía Bắc. Đó là phát triển có định hướng các vùng trọng điểm, tận dụng thế mạnh của các khu vực kinh tế đầu tàu (tam giác kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng....) hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận tăng kết nối giao thương, hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch. Trong thời gian vừa qua, các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam có một nền kinh tế phát triển rất nhanh, năng lực làm việc của các nhân viên ngành công nghiệp rất cao so với các nước khác trên thế giới mà chi phí rất rẻ.

Theo PGS. TS Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường bất động sản vùng Duyên hải Bắc bộ đang có nhiều cơ hội và thách thức. Việc lựa chọn đúng để có các quyết định đúng hướng tới thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển thành công trong những năm tới là điều rất quan trọng.

Cần có sự vào cuộc của tất cả các bên hữu quan, với tất cả các chiều cạnh và với tất cả các chủ thể để đảm bảo cả thể chế, cả thành tố, cả cấp độ phát triển của thị trường bất động sản phát triển. Trong đó, thị trường bất động sản vùng Duyên hải Bắc bộ tạo được dấu ấn riêng và hướng ra biển tương đương với hướng về trung tâm – Thủ đô Hà Nội.